Thế giới

Trung Quốc tăng ảnh hưởng tại Diễn đàn Kinh tế thế giới

18/01/2017, 06:58
image

Hội nghị thường niên lần thứ 47 Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2017 đã khai mạc tại Davos (Thụy Sĩ).

1 Công tác chuẩn bị cho Hội nghị thường niên Diễn

Công tác chuẩn bị cho Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2017 đã hoàn tất.

Sáng nay (18/1, theo giờ VN), Hội nghị thường niên lần thứ 47 Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2017 khai mạc tại Davos (Thụy Sĩ) trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động. Một điểm đáng chú ý tại diễn đàn năm nay là lần đầu có sự tham dự của Chủ tịch Trung Quốc.          

Muốn tự bảo vệ trước làn sóng bảo hộ

Diễn đàn Davos năm nay có chủ đề “Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm” nhằm đề cao vai trò quản trị toàn cầu trong việc đối phó với những thách thức trong thời kỳ mới. Đặc biệt, bất bình đẳng giàu - nghèo vẫn tiếp tục là thách thức toàn cầu. Trước thềm hội nghị, Tổ chức Oxfam công bố báo cáo “Nền kinh tế của 99%” cho biết, hiện 8 cá nhân đang sở hữu khối tài sản bằng tổng tài sản của một nửa dân số thế giới (3,6 tỷ người).

Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ là một trong những tâm điểm khi ông là Chủ tịch Trung Quốc đầu tiên tham gia diễn đàn này. Theo dự kiến, ông Tập Cận Bình sẽ có bài phát biểu bảo vệ toàn cầu hóa trong bối cảnh vấn đề này đang vấp phải sự phản đối ngày càng gia tăng ở phương Tây. Ông Tập cũng nhấn mạnh vai trò ngày càng lớn trên toàn cầu của Bắc Kinh.

Xem thêm video:

Theo giới phân tích, không phải ngẫu nhiên mà ông Tập Cận Bình chọn năm nay để tham dự diễn đàn Davos. Trong khi vai trò của Mỹ trong hợp tác đa phương về nhiều vấn đề như thương mại, biến đổi khí hậu đang bị đặt câu hỏi sau khi tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống. Còn châu Âu đang phải đối mặt với các vấn đề riêng: Từ Brexit, các cuộc tấn công khủng bố cho đến một loạt cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong năm nay với xu hướng phản đối toàn cầu hóa có thể sẽ trỗi dậy. Sự tham gia của lãnh đạo Trung Quốc giống như đang muốn lấp đầy khoảng trống quyền lực của một thế giới đơn cực do Mỹ dẫn đầu. Bên cạnh đó, Trung Quốc, nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, vốn phụ thuộc mạnh vào tự do thương mại cũng muốn bảo vệ chính mình trước làn sóng chủ nghĩa bảo hộ đang ngày càng gia tăng.

Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab cho rằng, sự tham gia của nhà lãnh đạo Trung Quốc mang tính chất “biểu tượng”. “Có một minh chứng thực tế là chúng ta đã dịch chuyển. Đó là chúng ta đang chuyển từ một thế giới đơn cực sang một thế giới đa cực. Chúng ta có thể đặt ra giả thiết và hy vọng rằng, Trung Quốc trong thế giới đa cực sẽ có vai trò lãnh đạo nhanh nhạy và trách nhiệm”, ông Schwab nói.

Không phát biểu trả đũa Donald Trump

Việc ông Tập Cận Bình tham dự Diễn đàn Davos diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, người sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1, ngày cuối cùng của Diễn đàn Davos. Trong chiến dịch tranh cử ông Trump từng cam kết sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc về thương mại.

Những bình luận của ông Trump đã vấp phải sự giận dữ của giới chức và báo giới Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Tập dự kiến, sẽ không có những phát ngôn kiểu "ăn miếng, trả miếng" với ông Trump tại Davos. Trong một phát biểu với báo giới tại Bern (Thụy Sỹ) bên lề Diễn đàn Davos, ông Tập Cận Bình vẫn nhấn mạnh sự hợp tác: “Chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân túy và phi toàn cầu hóa đang trỗi dậy. Nó không tốt cho hợp tác kinh tế chặt chẽ trên toàn cầu”.

Hiện, vẫn chưa rõ các chính sách mới của Mỹ dưới thời ông Trump; nhưng các chuyên gia và giới doanh nhân tỏ ra khá lạc quan về triển vọng kinh tế. Kết quả một cuộc khảo sát với 1.400 giám đốc điều hành công bố hôm qua cho thấy, 29% dự báo​​ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tăng trong năm 2017, tăng 27% so với hồi cuối năm 2016.

Ông Robert Moritz, Chủ tịch toàn cầu của mạng lưới các công ty toàn cầu (PwC) cho biết: “Các giám đốc điều hành đều thể hiện sự lạc quan về tăng trưởng song lo ngại về sự gia tăng các mối nguy cơ. Họ đều cho thấy sự sẵn sàng đầu tư và quan tâm tới các cơ hội tại Trung Quốc, vốn nhiều hơn so với những gì mà chúng ta đang làm tại Ấn Độ.”

Dự kiến tại Diễn đàn Davos năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có bài phát biểu quan trọng tại phiên đối thoại giữa các nhà lãnh đạo kinh tế thế giới với chủ đề “Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm trong một thế giới đa cực”, nhằm khẳng định các cam kết và nỗ lực trong công cuộc đổi mới toàn diện của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có nhiều cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước và các đối tác phát triển. Đây cũng là dịp để Việt Nam quảng bá về vị thế, vai trò của Việt Nam trên cương vị chủ nhà APEC 2017.

WEF mong muốn tăng cường hợp tác nhiều mặt với Việt Nam

Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva (Thụy Sĩ), Dương Chí Dũng cho biết, chủ đề năm nay của Hội nghị Davos hoàn toàn trùng hợp với quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Chính phủ đặt ưu tiên trong việc kiến tạo cơ hội cho người dân và doanh nghiệp làm giàu và hành động kịp thời nhằm giải quyết vướng mắc và khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất và cuộc sống.

Hiện nay, WEF mong muốn tăng cường hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, quốc gia có sự phát triển năng động, có vai trò tích cực trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam cũng đóng vai trò tích cực trong công cuộc phát triển kinh tế của ASEAN, là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO và luôn chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, đi đầu trong việc xây dựng các hiệp định tự do thế hệ mới.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.