Thế giới

Trung Quốc tăng cường hải quân, cạnh tranh với Mỹ

27/02/2017, 07:00

Trung Quốc sẽ tăng cường hải quân để cạnh tranh với Mỹ và thực hiện tham vọng trên biển.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc cùng n

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc cùng nhóm tàu hộ tống tập trận trên biển Đông. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc sẽ tăng cường hải quân để cạnh tranh với Mỹ và thực hiện tham vọng trên biển cũng như tăng cường sức mạnh trên trường quốc tế.

Ưu tiên số 1 trong ngân sách chi tiêu quốc phòng

Trong một bài viết đăng tải ngày 26/2, hãng tin Reuters nhận định, nhiều tháng trở lại đây, Trung Quốc tăng cường đáng kể vai trò của Hải quân Quân đội Giải phóng nhân dân (PLA) như đưa Đô đốc Shen Jinlong, là ngôi sao đang nổi, lên làm Tư lệnh Hải quân; lần đầu tiên đưa tàu sân bay đi vòng quanh Đài Loan (Trung Quốc), đồng thời triển khai tàu chiến hiện diện ở nhiều vùng biển quốc tế xa xôi.

Reuters cho rằng, Trung Quốc ngày càng hối hả thu hẹp khoảng cách giữa hải quân hai nước trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết tăng cường cho Hải quân Mỹ từ 290 tàu lên 350 chiếc, một động thái mà các trợ lý của ông Trump cho là cần thiết để ngăn chặn Trung Quốc nổi lên thành cường quốc quân sự. Phần khác là do chính quyền ông Trump có cách tiếp cận khó đoán với các điểm nóng có liên quan tới Trung Quốc như vấn đề Đài Loan, biển Hoa Đông… Nhận định về động thái gần đây của Trung Quốc, nhà ngoại giao châu Á làm việc tại Bắc Kinh, giấu tên nói: “Cơ hội được tạo ra trong khủng hoảng. Vì ông Trump rất khó đoán nên Bắc Kinh cần phải chuẩn bị sẵn sàng”.

Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao cho biết, Bắc Kinh chắc chắn không thay đổi chi tiêu hải quân kể cả khi mức chi tiêu quốc phòng được công bố chính thức năm 2016 là 139 tỉ USD - mức thấp kỷ lục trong 6 năm trở lại đây (chỉ tăng 6,7%) sau gần 2 thập kỷ tỉ lệ tăng trưởng này không bao giờ dưới 1 con số. Ngân sách quốc phòng năm 2017 dự kiến được công bố trong kỳ họp Quốc hội sắp tới và đang thu hút sự chú ý từ phía Mỹ, các nước trong khu vực để dự đoán ý định từ Trung Quốc. Mặc dù các chuyên gia quốc tế cho rằng, con số ngân sách thực tế có thể cao hơn.

“Chắc chắn, Hải quân Trung Quốc luôn là ưu tiên số 1 trong ngân sách chi tiêu quốc phòng 15 năm qua”, ông Richard Bitzinger, Nghiên cứu sinh cấp cao và Điều phối viên chương trình chuyển đổi quân sự tại Viện Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam tại Singapore nhận định. “Chúng tôi không biết cụ thể họ chi tiêu cho hải quân bao nhiêu nhưng đơn giản, chỉ cần xem xét chất lượng và số lượng những phương tiện “ra lò” từ các xưởng đóng tàu. Khá là kinh ngạc đấy” , ông Bitzinger nói thêm.

Theo số liệu chính thức, năm 2016, Hải quân Trung Quốc được biên chế 18 tàu bao gồm các loại tàu khu trục, tàu hộ tống nhỏ, tàu khu trục nhỏ tên lửa dẫn đường. Dù vậy, đến nay, Hải quân Trung Quốc vẫn tụt hậu so với Hải quân Mỹ, điển hình Mỹ có 10 tàu sân bay trong khi Trung Quốc chỉ có 1 tàu Liêu Ninh từ thời Liên Xô (cũ).

Chạy đua marathon

Không chỉ tăng cường vũ trang, Trung Quốc cũng tăng cường thực hiện các nhiệm vụ hải quân như những chuyến thăm tới vùng biển các nước vùng Vịnh nơi Mỹ vốn đã hiện diện, tới biển Đông, Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương. Trong đó, trang web StrongChina nhận định “đây là động thái phô trương lực lượng trước Mỹ, Nhật và Đài Loan”.

Cựu Trung tướng Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc, Xu Guangyu hiện đang là cố vấn cấp cao Hiệp hội Giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí Trung Quốc cho rằng: “Việc tăng cường quốc phòng giống như một cuộc đua marathon, chúng tôi đang tụt hậu phía sau. Vì vậy, chúng tôi cần phải tăng ga bứt tốc”, ông Xu nói.

Đặc biệt, mới đây, hãng tin Reuters có bài viết nghi ngờ, Trung Quốc gần hoàn thành 20 cấu trúc ở các đảo đá nhân tạo tại quần đảo Trường Sa, biển Đông và sẽ sử dụng chúng để chứa tên lửa đất đối không (SAM). Trao đổi với PV Báo Giao thông về thông tin này, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia Australia hàng đầu về biển Đông nhận định: “Động thái xây dựng các cấu trúc được cho là để chứa tên lửa đất đối không (SAM) cho thấy, động cơ chính trong chính sách biển Đông của Trung Quốc là cạnh tranh với Mỹ”.

Cũng theo giáo sư Carl: “Trung Quốc luôn khẳng định, mọi hành động từ phía họ trên biển Đông đều là tự vệ; Mức độ đe dọa mà họ đối mặt sẽ quyết định quy mô quân sự hoá của họ. Tuyên bố này đồng nghĩa Trung Quốc có thể sử dụng bất cứ cái cớ nào như việc Mỹ triển khai nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson ra biển Đông để bao biện cho việc triển khai trái phép hệ thống SAM trên 7 đảo nhân tạo trên biển Đông”.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.