Hồ sơ tài liệu

Trung Quốc tin Mỹ sẽ không thể "bao vây" Bắc Kinh bằng liên minh quân sự

07/10/2020, 06:40

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đến Đông Á với chủ đích quan trọng nhất là “thiết lập vòng vây” để cân bằng và kiềm chế Trung Quốc.

img
Ngoại trưởng Mỹ đến Đông Á mang theo mong muốn tăng cường quan hệ liên minh, để kiểm tra và cân bằng Trung Quốc

Ngày 6/10, truyền thông chính thống của Trung Quốc đưa tin, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo vừa kết thúc chuyến thăm tới các quốc gia láng giềng với Trung Quốc tại Đông Bắc Á với chủ đích quan trọng nhất là “thiết lập vòng vây” để cân bằng và kiềm chế Trung Quốc.

Nhấn mạnh nỗ lực liên kết, kiềm chế Trung Quốc

Trong chuyến thăm Đông Bắc Á lần này, nhà ngoại giao cấp cao Mike Pompeo đã tới thăm Nhật Bản. Đồng thời, Ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng tham dự vào cuộc họp cấp Bộ trưởng tại Tokyo (Nhật Bản) với nhóm 4 nước hay còn được gọi là Bộ tứ (Quad) của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương (gồm Mỹ, Nhật, Australia và Ấn Độ).

Tại cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản Toshimitsu Motegi ở Tokyo, ông Pompeo chia sẻ, Mỹ đồng ý với quan điểm của tân Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga rằng một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do là nền tảng của an ninh, hòa bình khu vực.

Theo tờ Global Times của Trung Quốc, nội dung chuyến đi thể hiện rõ mục đích liên kết các nước láng giềng của Trung Quốc trong nỗ lực thiết lập liên minh toàn cầu để bao vây, kiềm chế nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Không phải đến bây giờ mà những dụng ý này đã được các cấp Nhà Trắng đề cập nhiều lần trong vài tháng gần đây. Trong đó, tháng 8 vừa rồi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun cho biết, Washington đang tìm cách để chính thức hóa quan hệ quốc phòng với Ấn Độ, Nhật và Australia, lập thành tổ chức tương tự như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Theo ông Biegun, Mỹ còn muốn cả một số quốc gia quan trọng trong khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc cùng New Zealand tham gia vào phiên bản “Bộ tứ” mở rộng (Quad+). Tiếp nữa, hồi tháng 9, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mark Esper lại nhấn mạnh ý định xây dựng liên minh tương tự NATO trên Ấn Độ - Thái Bình Dương.

“Khó thành hiện thực”

Về phía Trung Quốc, truyền thông nước này cho rằng, tuy đã nhận thức rõ ý đồ của Mỹ nhưng chính quyền Bắc Kinh không quá e ngại. Ông Xin Qiang, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Phúc Đán cũng có cùng quan điểm khi cho rằng, “kế hoạch đó của Mỹ chẳng khác nào chuyện tưởng tượng kiểu cổ tích Nghìn lẻ một đêm”.

Chuyên gia Xin Qiang lý giải: Liên minh NATO có thể thành lập là dựa vào nhiều điều kiện cụ thể. Chẳng hạn, giữa Chiến tranh Lạnh, an ninh các quốc gia châu Âu và Mỹ đứng trước mối đe dọa từ Liên Xô và thể hiện thái độ thù địch rõ rệt. Trong khi đó, tình hình khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương lúc này hoàn toàn khác.

Các nước trong khu vực không muốn phải chọn giữa Mỹ hay Trung Quốc. Nếu họ quyết định hợp tác với Mỹ xây dựng liên minh quân sự như NATO để kiềm chế và cân bằng Trung Quốc, mối quan hệ hợp tác về kinh tế, chính trị an ninh giữa các nước này với Bắc Kinh sẽ lao dốc không phanh. Điều này không phù hợp với lợi ích quốc gia của những nước này.

Cũng có thông tin, Ngoại trưởng Mỹ có thể kêu gọi Hàn Quốc gia nhập nhóm “Bộ tứ” nhân chuyến thăm này. Nhưng bài học về sự tức giận của Bắc Kinh sau khi Seoul quyết định triển khai Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối năm 2016 vẫn còn đó. Seoul khó tránh khỏi kích động Trung Quốc “nổi đóa” nếu tham gia vào Bộ tứ.

Với Mông Cổ, dù Washington cố theo đuổi suốt nhiều năm gần đây, nhưng cũng chưa thành công. Kể cả Australia, quốc gia đang chứng kiến quan hệ ngoại giao xấu đi trông thấy với Trung Quốc hay Ấn Độ, vốn có tranh chấp biên giới căng thẳng với Bắc Kinh, cũng ngần ngại tham gia liên minh.

Bởi, theo nhận định của chuyên gia Trung Quốc này, một khi quyết định, họ sẽ gánh chịu rất nhiều khó khăn và rủi ro, nhất là sụt giảm giao thương với Trung Quốc.

Dựa trên tình hình đó, liên minh kiểu NATO tại Ấn Độ - Thái Bình Dương khó có thể thành hiện thực. Chưa kể, cuối tuần qua, nước Mỹ nói riêng và toàn thế giới trải qua cú sốc trước thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng phu nhân Melania nhiễm virus Covid-19.

Hiện tại, tổng số ca nhiễm và tử vong tại Mỹ vì dịch bệnh này đang dẫn đầu thế giới. Bối cảnh này cũng khiến nhiều quốc gia đặt câu hỏi liệu Mỹ có còn tiếp tục nỗ lực kiểm tra và cân bằng Trung Quốc nữa hay không? Thực tế, Ngoại trưởng Mỹ đã phải cắt ngắn chuyến thăm châu Á đầu tiên trong vòng 1 năm vừa qua, hủy lịch tới Hàn Quốc và Mông Cổ sau thông tin ông Trump nhiễm virus.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.