Hồ sơ tài liệu

Trung Quốc toan tính gì khi trừng phạt Lithuania?

27/12/2021, 06:10

Nhìn lại năm 2021, một trong những tranh cãi chính trị đáng chú ý nhất là việc Trung Quốc giáng đòn mạnh tay với Lithuania vì 1 từ: “Đài Loan”.

Cú đáp trả không thể ngờ từ Trung Quốc

Khi đất nước ở Baltic tuyên bố sẽ mở “Văn phòng đại diện của Đài Loan” tại nước này, họ sử dụng “Đài Loan” thay vì “Đài Bắc” như các quốc gia khác trong châu Âu.

Bắc Kinh lập tức có chuỗi động thái mạnh mẽ và bài bản. Trong bài bình luận trên trang của hãng tin RT, chuyên gia, nhà phân tích chính trị người Anh Tom Fowdy nhấn mạnh, cách hành xử này chính là lời tuyên bố: “Nếu có ai tấn công, Bắc Kinh sẽ đáp trả mạnh hơn”.

Bước đi đầu tiên của Trung Quốc là tuyên bố đây là hành vi vi phạm chính sách “Một Trung Quốc”. Bắc Kinh nói rõ, động thái đó không thể chấp nhận và tiến hành hạ cấp quan hệ ngoại giao với Lithuania, không chỉ 1 lần mà tới 2 lần, trục xuất đại sứ, một số nhà ngoại giao, giảm quan hệ xuống mức đại biện.

img

Tấm biển “Văn phòng Đại diện Đài Loan” tại Lithuania. Ảnh: EPA

Chưa dừng ở đó, mới nhất, Bắc Kinh còn đưa ra một số biện pháp trừng phạt đối với Lithuania. Có thông tin, nước này đã tạm thời bị loại ra khỏi sổ đăng ký hải quan của Trung Quốc, đồng thời Bắc Kinh yêu cầu các công ty đa quốc gia ở nước này cấm xuất khẩu sang Lithuania.

Động thái của Bắc Kinh được coi là nỗ lực nhằm loại bỏ đất nước vùng Baltic ra khỏi chuỗi cung ứng.

Mặc dù Lithuania kêu gọi và được Mỹ cho vay khoảng 600 triệu USD, đồng thời Washington cũng dùng những ngôn từ mạnh mẽ chỉ trích hành động của Trung Quốc là “uy hiếp kinh tế”; yêu cầu các nước khác của Liên minh châu Âu (EU) “đồng lòng” với Lithuania, song EU dường như không có bất cứ hành động nào thực sự mạnh mẽ.

Ông Tom Fowdy đánh giá, thực tế, Lithuania đã tự “đào hố chôn mình” và EU sẽ không bao giờ sẵn sàng chấp nhận rủi ro để đánh cược với Trung Quốc.

Hơn nữa, chuyên gia Anh đánh giá, Lithuania đã đưa ra quyết định chính sách ngoại giao đơn phương chống lại lập trường của toàn khối châu Âu nhằm gây áp lực đối với các “giới hạn đỏ” của Trung Quốc dẫn tới cái kết bị trừng phạt.

Đó là sai lầm ngoại giao tự Lithuania gây ra và đã hứng chịu phản ứng mạnh mà họ không thể ngờ từ Bắc Kinh.

Tại sao Trung Quốc mạnh tay như vậy?

Chuyên gia Anh cho rằng, Bắc Kinh muốn lấy Lithuania để làm gương “dằn mặt” các nước khác.

Theo ông Tom Fowdy, xét về chính trị, chiến lược hay kinh tế, mối quan hệ giữa đất nước vùng Baltic với Trung Quốc không mấy quan trọng.

Bắc Kinh không có mục tiêu cụ thể hoặc có tham vọng gì từ Lithuania. Nếu bình thường, có lẽ Trung Quốc sẽ không bao giờ để ý tới Lithuania.

Nhưng lần này, Bắc Kinh đã mạnh tay hòng chặn đứng việc các nước khác trên thế giới có ý đồ thực hiện động thái tương tự và nhấn mạnh tầm quan trọng tối thượng trong nguyên tắc “Một Trung Quốc”, tức đảo Đài Loan là một phần của Trung Quốc.

img

Tại Hội nghị Trung ương 6 của Trung Quốc, theo giới quan sát, Bắc Kinh đã coi việc thống nhất Đài Loan với đại lục là một trong những nội dung của “mục tiêu trăm năm thứ hai”. Ảnh – Xinhua

Nỗi lo ngại lớn nhất của Bắc Kinh đó là những hành động của Lithuania đến đúng vào thời điểm Đài Loan đang thúc đẩy chính sách khiêu khích, kêu gọi các nước khác chống lại Trung Quốc, nên có thể tạo ra tiền lệ, khuyến khích các quốc gia khác hành động tương tự.

Theo nhà phân tích Fowdy, điều tồi tệ hơn là Lithuania đã có thái độ cố tình khiêu khích và thù địch dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, điển hình như động thái rút khỏi khối 17+1 (bao gồm Trung Quốc và các nước Trung, Đông Âu) hồi đầu năm.

Hiện tại, trong khu vực Đông Âu, có 2 quốc gia quan trọng khác là Cộng hòa Séc và Ba Lan cũng đang đứng giữa mối quan hệ Đài Loan và Trung Quốc.

Nếu EU không hoàn toàn theo phía Mỹ thì Trung Quốc sẽ có lợi ích chiến lược nên Bắc Kinh sẽ sử dụng chiến lược “cây gậy và củ cà rốt” để giữ quan hệ với khối EU đi đúng hướng.

Trong khi trừng phạt Lithuania, Bắc Kinh vẫn tiếp tục mời chào Pháp và Đức.

Trong tuần qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thực hiện cuộc điện đàm đầu tiên với tân Thủ tướng Đức - Olaf Scholz, một chính trị gia rất mong mỏi xây dựng quan hệ kinh tế sâu sắc hơn với Trung Quốc cũng như khẳng định lại thỏa thuận đầu tư toàn diện (CAI).

Tại Hungary, dưới thời ông Viktor Orban, nước này tiếp tục là quốc gia ủng hộ Trung Quốc nhất trong khối EU. Đồng thời, gần đây, Bắc kinh bắt đầu nhen nhóm mối quan hệ với Hy Lạp.

Theo nhà phân tích Tom Fowdy, đây là thông tin chẳng lành đầu tiên với Mỹ, đặc biệt khi Washington đã bày tỏ hy vọng và đề nghị tân lãnh đạo Đức có lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh.

Theo báo Global Times, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết, Lithuania đã đứng về phía đối đầu với nguyên tắc của thế giới, thậm chí còn cảnh báo “những kẻ hành động thông đồng với phe ly khai tại Đài Loan sẽ bị quét sạch vào thùng rác của lịch sử”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.