Thời sự Quốc tế

Trung Quốc: Từ kỳ vọng đến thất vọng tràn trề với chính quyền Joe Biden

13/03/2021, 15:39

Trung Quốc đã thể hiện sự thất vọng khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục giáng đòn với các tập đoàn của nước này.

img

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên

"Mỹ không đáng tin cậy"

Ngày 13/3, theo giờ VN, hãng tin Bloomberg dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) cho biết phản ứng của Bắc Kinh trước những thông báo mới nhất từ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với các công ty viễn thông Trung Quốc.

Ông Triệu cho rằng: Việc Washington siết chặt quy định xuất khẩu linh kiện cho Huawei "sẽ làm tổn thương cả Mỹ và Trung Quốc".

“Quyết định đó không chỉ làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động trao đổi công nghệ, thương mại giữa hai quốc gia nói riêng mà còn ảnh hưởng tới cả thế giới nói chung, làm tổn hại tới chuỗi công nghiệp và cung ứng toàn cầu” - ông Triệu nhấn mạnh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng: “Mỹ nên dừng ngay những hành động đàn áp các công ty của Trung Quốc, đối xử công bằng, không phân biệt với các công ty này”.

Thậm chí, Trung Quốc còn chỉ trích Mỹ “không phải là quốc gia đáng được tin cậy”, theo hãng tin Bloomberg.

5 công ty viễn thông Trung Quốc bị coi là mối đe dọa

img

Tập đoàn đa quốc gia về thiết bị mạng và viễn thông Trung Quốc Huawei

Phản ứng trên được đưa ra sau khi truyền thông Mỹ dẫn một số nguồn tin cho biết, Mỹ đã thông báo điều chỉnh, siết chặt một số điều kiện trong giấy phép xuất khẩu đã cấp cho một số nhà cung cấp của Mỹ, vốn là đối tác của "gã khổng lồ" Huawei - tập đoàn đa quốc gia về thiết bị mạng và viễn thông Trung Quốc.

Trong đó, Washington làm rõ quy định cấm xuất khẩu các linh kiện như chíp bán dẫn, ăng-ten, pin... cho Huawei mà sau này công ty Trung Quốc có thể gắn vào trong hoặc sử dụng kèm với các thiết bị mạng di động thế hệ mới (5G). Lệnh cấm sẽ có hiệu lực trong tuần này.

Nhận định về bước đi trên, ông William Reinsch, người từng là Thứ trưởng Bộ Thương mại chịu trách nhiệm về xuất khẩu dưới thời Tổng thống Mỹ Bill Clinton và hiện là Cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược cho rằng:

"Đây là động thái dọn dẹp và sửa sai cho chính quyền trước" vì rất nhiều công ty Mỹ đã phàn nàn về các quy định dưới thời Tổng thống Donald Trump đối với Huawei là "những việc làm gây khó hiểu".

Ông Reinsch nhấn mạnh: "Cả lưỡng đảng Mỹ đều đồng tình với quan điểm phải cứng rắn trong quá trình chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc. Bước đi mới tiếp tục phản ánh đúng thực tế đó"

Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) công bố danh sách 5 công ty viễn thông Trung Quốc bị coi là “mối đe dọa đối với an ninh quốc gia”, gây “rủi ro không thể chấp nhận được đối với an ninh quốc gia Mỹ và sự an toàn của người dân Mỹ”.

5 công ty này bao gồm: Huawei, ZTE, Hytera Communications, Hangzhou Hikvision Digital Technology và Dahua Technology Co.

Trong thông báo, Giám đốc FCC Jessica Rosenworcel cho rằng: “Người Mỹ ngày càng phụ thuộc mạng viễn thông trong quá trình làm việc và học tập. Quyết định mới nhất sẽ tạo ra bước tiến lớn trong việc khôi phục lòng tin đối với các mạng viễn thông Mỹ”.

Tuy nhiên, bà Rosenworcel không nói rõ FCC sẽ có những biện pháp cụ thể nào đối với 5 công ty Trung Quốc.

Vỡ tan kỳ vọng của Bắc Kinh

Như vậy, qua những động thái mới nhất, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã thể hiện rõ rằng, Mỹ sẽ tiếp nối chính sách cứng rắn trong thương mại với Trung Quốc vốn được bắt đầu kích hoạt bởi Tổng thống Donald Trump, phá tan mọi kỳ vọng mỏng manh từ chính quyền Bắc Kinh.

Trước đây, dưới thời Donald Trump, năm 2020, FCC cũng đã đưa ra quyết định tương tự nhằm vào Huawei và ZTE. Sau đó, Washington yêu cầu các công ty Mỹ không được mua thiết bị từ 2 công ty trên của Trung Quốc nếu muốn tham gia chương trình của chính phủ trị giá 8,3 tỉ USD.

Ngoài ra, chính quyền Trump cũng cấm các công ty Mỹ sử dụng công nghệ, thiết bị của Huawei trong quá trình xây dựng mạng di động 5G và đưa Huawei vào danh sách những công ty bị hạn chế mua công nghệ của Mỹ.

Tháng 12/2020, Quốc hội Mỹ thông qua gói hỗ trợ 1,9 tỉ USD cho các nhà mạng sở tại nếu họ "hủy bỏ và thay thế" thiết bị do Huawei và ZTE cung cấp.

Từ đó, thương chiến Mỹ-Trung leo thang, lan rộng sang lĩnh vực công nghệ và ngày càng căng thẳng. Phía Bắc Kinh đã rất kỳ vọng, dưới thời Joe Biden, Mỹ sẽ thay đổi chiến lược với Trung Quốc và hạ nhiệt thương chiến.

Nhưng, sau gần 2 tháng cầm quyền, lãnh đạo thứ 46 của Nhà Trắng dần thể hiện rõ quan điểm tiếp tục đường lối cứng rắn và đối đầu với Bắc Kinh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.