Chính trị

Trung Quốc “tung đòn” nguy hiểm trong âm mưu độc chiếm Biển Đông

23/04/2020, 09:59

Trung Quốc đang áp dụng cùng lúc ba mũi giáp công, trong đó chiêu nguy hiểm nhất là hợp lý hoá bằng pháp lý để âm mưu độc chiếm Biển Đông.

img
Thiếu tướng Lê Văn Cương (ảnh: nhadautu.vn)

Bộ Dân chính Trung Quốc ngày 18/4 ngang ngược tuyên bố chính phủ nước này đã phê chuẩn thành lập "thành phố Tam Sa" ở Biển Đông, bao gồm "quận Tây Sa" (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Một ngày sau đó, Trung Quốc tiếp tục công bố cái gọi là "danh xưng tiêu chuẩn" cho 80 thực thể ở Biển Đông, bao gồm 25 đảo, đá và 55 thực thể địa lý dưới đáy biển.

Trước đó, đầu tháng 4, Trung Quốc đã đưa tàu hải cảnh, tàu dân quân biển là lực lượng vũ trang trá hình hoạt động xua đuổi các ngư dân Việt Nam đánh cá trong đặc quyền kinh tế của mình, điển hình nhất là 2/4 vừa rồi đã đâm chìm tàu cá ngư dân Quảng Ngãi, bắt 8 ngư dân.

Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) về những diễn biến phức tạp trên Biển Đông.

Ba mũi giáp công để âm mưu độc chiếm Biển Đông

Ngày 19/4, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc ngày 18/4/2020 thông báo thành lập “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” tại “thành phố Tam Sa” trên Biển Đông. Ông có bình luận gì về động thái của Trung Quốc lần này?

Mặt trận về pháp lý là một mũi giáp công trong âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Năm 2012, khi Việt Nam công bố Luật Biển, họ phản ứng bằng cách thành lập TP Tam Sa. Tam Sa bao gồm 1 vùng rất lớn cả Trường Sa, Hoàng Sa, 1 phần đơn vị của Hải Nam (Trung Quốc).

Lần này, Trung Quốc tinh vi hơn, tách thành đơn vị hành chính riêng, Hoàng Sa riêng, Trường Sa riêng. Tức Trung Quốc đã hợp thức hoá về pháp lý tại Trung Quốc đơn vị hành chính này.

Hành động phục vụ âm mưu độc chiếm Biển Đông lần này của Trung Quốc có khác trước không, thưa ông?

Âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là không thay đổi, chỉ là mỗi thời kỳ lãnh đạo lại có cách hoạt động, phương thức, quy mô và tính chất khác nhau. Dưới thời Tập Cận Bình, âm mưu độc chiếm Biển Đông được thể hiện và hành động quyết liệt hơn, đặc biệt là từ năm 2019 đến nay.

Trung Quốc thường song song 3 mũi giáp công trong tham vọng độc chiếm trên Biển Đông: trên thực địa, trên biển và tuyên truyền. Đầu năm nay, Trung Quốc tăng cường cả ba mũi giáp công này.

Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Trung Quốc tăng cường hoạt động thực địa trên Biển Đông, đưa tàu hải cảnh, tàu dân quân biển là lực lượng vũ trang trá hình hoạt động xua đuổi các ngư dân Việt Nam đánh cá trong đặc quyền kinh tế của mình. Điển hình nhất là ngày 2/4 vừa rồi, đã đâm chìm tàu cá ngư dân Quảng Ngãi.

Trên mặt trận tuyên truyền, sau khi đâm chìm tàu cá Việt Nam ngày 2/4, thì từ ngày 3/4, phát thanh, truyền hình, báo chí Trung Quốc có hàng trăm bài “đổi trắng thay đen”, vu cáo 1 cách trắng trợn, lố bịch rằng: Có hàng trăm tàu cá Việt Nam đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế Trung Quốc, việc xô xát ngày 2/4 là “giọt nước tràn ly” vì Trung Quốc đã nhẫn nhịn bao lâu rồi.

Và trên mặt trận hợp pháp hoá bằng pháp lý, chính là việc công bố thành lập "quận Tây Sa", "quận Nam Sa".

Việc Trung Quốc tuyên bố thành lập hai quận để quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như vùng biển xung quanh có bất kỳ giá trị nào về mặt pháp lý hay không, thưa ông?

Đây chỉ là hành động đơn phương từ phía Trung Quốc và hoàn toàn không có giá trị pháp lý vì không phù hợp với luật pháp quốc tế và không được các quốc gia liên quan công nhận.

Việt Nam rất nhiều lần khẳng định chủ quyền lâu đời và không thể tranh cãi với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, được chứng minh bằng các bằng chứng lịch sử và pháp lý. Mới đây nhất, trong công hàm gửi lên Liên hiệp quốc ngày 30/3, chính phủ Việt Nam đã tái khẳng định điều này.

Theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982, công ước lớn nhất về luật biển mà Trung Quốc cũng là thành viên, các bãi ngầm, hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng. Những thực thể ở Trường Sa, đều thuộc dạng này. Do đó, Trung Quốc không thể tự cho mình quyền quản lý những khu vực đó.

Trung Quốc là bậc thầy về lợi dụng thời cơ

Vậy Trung Quốc sẽ đạt được gì từ việc thành lập "quận Tây Sa" và "quận Nam Sa", trong khi việc này không có giá trị pháp lý về quốc tế, thưa ông?

Trong 3 mũi giáp công như tôi nói ở trên, thì hợp thức hoá về pháp lý là bước đi cực kỳ nguy hiểm.

Vì trên thực địa, khi Trung Quốc kéo tàu đến Biển Đông, Việt Nam và các nước phản đối là họ rút. Trên truyền thông, Trung Quốc đổi trắng thay đen nhưng ngay cả người dân Trung Quốc, nhiều người cũng không nghe, không tin.

Nhưng về pháp lý, khi đã có quyết định của Quốc hội, của Chính phủ Trung Quốc, thì sẽ không dễ dàng huỷ bỏ như kiểu rút tàu về trên thực địa được.

Với Việt Nam và quốc tế, công bố này của Trung Quốc không có giá trị, nhưng lại có giá trị pháp lý ở Trung Quốc, được Trung Quốc công nhận. Điều đó dẫn tới khi ta thực hiện các quyền lợi hợp pháp trên Biển Đông, Trung Quốc sẽ tuyên bố đây là hành động xâm lược, và vẫn có thể kích động người dân Trung Quốc đứng về cơ sở pháp lý nguỵ tạo này.

Vì vậy, đây là bước đi leo thang cực kỳ nguy hiểm trên Biển Đông, rất thâm độc.

Trong lúc cả thế giới đang tập trung phòng chống dịch Covid-19, thì Trung Quốc lại có những hành động gây hấn trên Biển Đông. Điều này có vẻ phi logic, thưa ông?

Trung Quốc là bậc thầy về lợi dụng thời cơ. Ở Biển Đông, Trung Quốc chỉ sợ Mỹ, sau đó đến châu Âu vì các nước châu Âu là đối tác kinh tế của họ.

Lợi dụng thời điểm cả Mỹ và châu Âu đều đang rối ren với dịch bệnh Covid-19, Trung Quốc đã dồn dập gây hấn Biển Đông cả trên 3 phương diện tuyên truyền, thực địa và hợp thức hoá pháp lý.

Chưa kể, đây là giai đoạn kinh tế Trung Quốc đang sa sút vì Covid-19, người dân bất bình. Mỗi khi có vấn đề nội bộ, Tập Cận Bình luôn tìm cách đẩy dư luận hướng ra bên ngoài, mà gây hấn trên Biển Đông là một giải pháp.

Phương án khởi kiện chưa phải lúc

Nhưng vẫn có ý kiến cho rằng, phản ứng của Việt Nam cần mạnh mẽ hơn, cần phải đưa vụ việc ra kiện tại một toà án quốc tế?

Tất nhiên trên mạng, có nhiều ý kiến khác nhau nhưng tôi muốn lưu ý mọi người rằng cái đánh giá phản ứng của Việt Nam như thế nào phải căn cứ vào tình hình tình huống chính trị cụ thể, căn cứ vào trạng thái mối quan hệ hiện nay của Việt Nam với Trung Quốc nói riêng và với cộng đồng quốc tế nói chung, căn cứ vào 1 vấn đề rộng hơn là quan hệ Trung - Mỹ...

Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển thông thường thế giới cũng phải qua 2 giai đoạn, giai đoạn 1 đấu tranh bằng con đường thương lượng, song phương, đa phương bằng biện pháp hoà bình, trao đi đổi lại qua hàng trăm cuộc họp, lật đi lật lại các luật pháp quốc tế. Biện pháp này, Liên hiệp quốc khuyến khích và chúng ta đang làm theo.

Nếu làm theo phương án này mãi mà không thành công thì khởi kiện thông qua tổ chức tài phán quốc tế, như kiện toà công ký quốc tế, toà công lý về luật biển...

Chúng ta sẽ không từ bỏ 1 biện pháp nào cả, kể cả kiện không được thì đánh nhau, chúng ta cũng sẵn sàng. Người Việt Nam ta nhân hậu và yêu hoà bình, nhưng khi họ dồn chúng ta vào chân tường, chĩa súng vào chúng ta, chúng ta không thể đứng nghiêm chịu chết được. Nhưng chúng ta không muốn điều này xảy ra.

Còn bây giờ đang trong giai đoạn tận dụng tối đa đàm phán song phương, biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, cái gì còn tác dụng thì chúng ta khai thác. Hiện theo tôi, phương án khởi kiện chưa phải lúc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.