Hồ sơ tài liệu

Trung Quốc vận hành trái phép hải đăng trên Biển Đông

06/04/2016, 13:10

Trung Quốc bắt đầu vận hành ngọn hải đăng xây dựng trái phép trên đá Subi mà nước này bồi đắp trên Biển Đông.

Đá Subi mà Trung Quốc bồi đắp trái phép

Đá Subi mà Trung Quốc bồi đắp trái phép trên Biển Đông

Bộ Giao thông Trung Quốc đã tổ chức "lễ ra mắt", vận hành trái phép ngọn hải đăng cao 55m trên đá Subi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Đây là khu vực Mỹ từng điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen tới tuần tra trong khu vực 12 hải lý tính từ đá Subi vào cuối tháng 10 năm 2015 để khẳng định tự do hàng hải. Động thái này đã chọc giận Trung Quốc.

Về hành động xây dựng hải đăng trái phép trên Biển Đông của Trung Quốc, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhiều lần khẳng định: “Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử về chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi việc làm của các bên khác trên quần đảo Trường Sa mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị. Việt Nam kiên quyết bác bỏ và phản đối mạnh mẽ hành động này của phía Trung Quốc” - ông Bình khẳng định.

Nhiều chuyên gia, nhà ngoại giao và quan chức hàng hải quốc tế nghi ngờ ý định thực sự của Trung Quốc đằng sau việc xây dựng hải đăng tại đảo nhân tạo bồi đắp trái phép trên biển Đông không phải nhằm “hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn quốc tế” như Trung Quốc cam kết. Theo Reuters, hiện nay, Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới chủ yếu sử dụng các thiết bị điện tử để xác nhận vị trí tàu và xu hướng sử dụng hải đăng trên thế giới giảm dần. Hải đăng được sử dụng trong một vài trường hợp. Chẳng hạn, khi tàu đi vào những khu vực như rặng đá trên biển hoặc khi không thể sử dụng thiết bị điện tử, tàu thuyền phải sử dụng tới hải đăng để xác định vị trí.

Trung Quốc sẽ tìm cách đưa các ngọn hải đăng này lên bản đồ vận tải quốc tế, danh sách đăng ký, theo dõi hàng hải nước ngoài. Từ đó, xây dựng một bức tranh pháp lý dài hạn về sự hiện diện của mình, bất chấp những phản đối về mặt ngoại giao từ các nước liên quan. Ông Ian Storey - Chuyên gia Đông Nam Á của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore nhận định: Những ngọn hải đăng này nằm trong chiến lược “thay đổi thực tế trên biển của Trung Quốc” một cách từ từ.

Mỹ lâu nay không công nhận chủ quyền tại các khu vực tranh chấp mà Trung Quốc tuyên bố trên biển Đông và vừa có thông tin Hải quân Mỹ chuẩn bị  tuần tra tiếp lần thứ ba trong phạm vi 12 hải lý gần các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép trên biển Đông. Thông tin tuần tra chưa được giới chức Mỹ chính thức xác nhận. Nhưng một khi Mỹ đưa tàu tuần tra tới đây, giới chức nước này sẽ phải cân nhắc có nên sử dụng các ngọn hải đăng trái phép tại Châu Viên và Gạc Ma hay không bởi lý do trên.

Người phát ngôn hạm đội 7 của Mỹ - Chỉ huy Bill Clinton không nêu chi tiết tình hình tàu, thuyền Mỹ có cần sử dụng hải đăng tại khu vực chuẩn bị tuần tra trên biển Đông hay không. Nhưng ông khẳng định, điều kiện tại những khu vực này không tác động tới khả năng hoạt động của máy bay, tàu thuyền trong vùng biển quốc tế trên biển Đông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.