Thế giới

Trung Quốc vừa “ve vãn”, vừa hung hăng ở biển Đông

20/07/2016, 05:47

Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yassay đã từ chối đề nghị đàm phán song phương của người đồng cấp Trung Quốc.

Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc trong một cuộc tập

Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc trong một cuộc tập trận ở biển Đông

Kể từ sau phán quyết mà Tòa Trọng tài thường trực công bố ngày 12/7, dư luận quốc tế đều hướng sự tập trung vào những động thái của Bắc Kinh và Manila.

Philippines bác đề nghị đàm phán song phương của Trung Quốc

Hôm qua (19/7), hãng tin Reuters cho biết, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yassay đã từ chối đề nghị đàm phán song phương của người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị về biển Đông vì phía Bắc Kinh ra điều kiện không bàn đến phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA). Tuyên bố này được ông Yassay đưa ra bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) tổ chức ở Mông Cổ hồi cuối tuần trước.

Kênh ABS-CBN dẫn lời ông Yassay: “Họ (Trung Quốc - PV) nói rằng, nếu chúng tôi cứ nhấn mạnh về phán quyết và bàn thảo theo hướng đó thì chúng tôi có thể sẽ phải đối đầu”. Theo ông Yassay, Ngoại trưởng Vương Nghị đề xuất Philippines đàm phán song phương về vấn đề biển Đông, song lại yêu cầu các chủ đề thảo luận phải “nằm ngoài hoặc không liên quan tới phán quyết của Tòa Trọng tài”. Do vậy, ông Yassay đã thẳng thừng từ chối vì “đó không phải là lợi ích quốc gia của Philippines”.

Hiện tại, theo Ngoại trưởng Philippines, ưu tiên hàng đầu của Manila là đàm phán đảm bảo quyền đánh cá tại bãi cạn Scarborough, cũng như từng bước hiện thực hóa các đề mục trong phán quyết của Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Liên quan tới vấn đề này, nguyên nghị sĩ Hạ viện Philippines Walden Bello trong một bài viết chuẩn bị cho Hội thảo do Viện Nghiên cứu Xã hội của Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, Thái Lan tổ chức, sắp diễn ra (về chủ đề: Những tác động sau phán quyết vụ kiện biển Đông) nhận định: “Chúng tôi đã chiến thắng ở The Hague, nhưng chiến thắng mang tính pháp lý này có thể bị đe dọa bởi các chính sách thiếu khôn ngoan của chính quyền cựu Tổng thống Aquino. Để giải quyết những bế tắc trên biển Đông hiện nay, cần trông chờ những chiến lược từ chính quyền của tân Tổng thống Duterte”. “Phán quyết của PCA không phải là chiến thắng riêng cho Philippines và ít nhất trong ngắn hạn, nó sẽ không phải là chìa khóa cho hòa bình khu vực”, ông Bello bày tỏ.

Cùng ngày, theo AFP, các cuộc đàm phán trực tiếp với Trung Quốc về tranh chấp trên biển giữa hai nước khó có khả năng bắt đầu ngay do Bắc Kinh từ chối công nhận phán quyết của PCA.

“Chứng nào tật ấy”

Cho tới nay - 1 tuần sau thông báo phán quyết của PCA - Trung Quốc vẫn “khăng khăng” không thừa nhận, khẳng định rằng biển Đông là lãnh thổ không thể tách rời và dọa sẽ thiết lập Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) tại đây nếu cảm thấy bị đe dọa.

Theo China Daily ngày 19/7, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc - Đô đốc Ngô Thắng Lợi lớn tiếng tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không bao giờ ngừng xây dựng giữa chừng trên quần đảo Nam Sa (cách Trung Quốc gọi tên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam)... dù có bất cứ quốc gia hay cá nhân nào gây sức ép, Bắc Kinh sẽ đẩy nhanh và hoàn tất xây dựng trên đảo như dự kiến”. Tuyên bố này được ông Ngô đưa ra trong cuộc gặp mặt với Đô đốc John Richardson, Tư lệnh Hải quân Mỹ. Vị Đô đốc họ Ngô còn lớn tiếng thách thức rằng, “mọi nỗ lực nhằm ép Trung Quốc đầu hàng sẽ gặp tác dụng ngược” và nhấn mạnh “sẽ không bao giờ hy sinh lợi ích và chủ quyền ở biển Đông” vì đây là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc.

Trước đó, phát ngôn viên Không quân Trung Quốc Thẩm Kim Thoa cho biết, lực lượng này vừa triển khai “một máy bay tuần tra chiến đấu” ra biển Đông và nhấn mạnh, các chuyến bay tuần tra biển Đông bao gồm: Máy bay ném bom, chiến đấu cơ, máy bay tiếp nhiên liệu… sẽ còn tiếp diễn. Trong khi đó, Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) thông báo quân đội nước này lại tổ chức diễn tập quân sự tại biển Đông trong 3 ngày. Địa điểm tập trận ở phía Đông đảo Hải Nam và  MSA cảnh báo các tàu thuyền không đến gần khu vực diễn tập trong thời gian từ 19-21/7.

Bloomberg ngày 18/7 dẫn nhận định của Yuichi Hosoya - Giáo sư Khoa học chính trị tại Đại học Keio ở Tokyo, Nhật Bản rằng: “Trung Quốc đang nỗ lực nhằm thể hiện một sự quyết đoán đầy… “khiêu khích” trong các hoạt động ở biển Đông, không chỉ có việc xây dựng trái phép. Đây cũng là cách Bắc Kinh “cố đấm ăn xôi” nhằm thuyết phục dư luận trong nước về những điều mà họ cho là “hợp pháp” trên biển Đông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.