Đăng kiểm

Trung tâm đăng kiểm nơi mọc như nấm, nơi đỏ mắt tìm

23/09/2022, 12:50

Sau gần 4 năm áp dụng bỏ quy hoạch trạm đăng kiểm, các trung tâm đăng kiểm mọc như nấm, tuy nhiên không đều ở nhiều nơi, dẫn đến nhiều bất cập.

Nơi thừa, chỗ thiếu

Những ngày giữa tháng 9, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại một số Trung tâm Đăng kiểm (TTĐK) ở Hưng Yên, lượng khách khá thưa thớt, ước chừng chỉ 8-10 xe/ngày.

Các đăng kiểm viên tại đây cho biết, có những ngày chỉ kiểm định được 4 xe vào buổi sáng, còn cả chiều ngồi nhìn máy móc.

img

Nhiều trung tâm đăng kiểm than "khó" vì cung vượt cầu, liên tục phải bù lỗ

Lãnh đạo một TTĐK cho biết, tính từ đầu tỉnh Hưng Yên (giao với TP Hà Nội) đến TP Hưng Yên dài 42km hiện có đến 6 TTĐK. Mỗi trung tâm chỉ cách nhau chừng 3-7km. Đó là chưa kể còn trung tâm đang được xây dựng. Không khó để nhận thấy cung đã vượt xa cầu.

Tại Hà Nội, một lãnh đạo TTĐK tại quận Nam Từ Liêm cho biết, đến nay đã có khoảng 22 trung tâm hoạt động, tăng khá nhiều kể từ khi áp dụng cơ chế xã hội hoá và bỏ quy hoạch mạng lưới TTĐK toàn quốc.

Thậm chí, có những TTĐK cách nhau chưa đến 1km. Điển hình như TTĐK 29-03S (ở đường Lê Quang Đạo, quận Nam Từ Liêm) và TTĐK 29-25D (ở đường Trần Vỹ, quận Nam Từ Liêm). Gần khu vực này còn có 2 TTĐK khác là 29-01S và 29-27D cùng nằm trên đường Phạm Văn Đồng.

Trong khi đó, tại các tỉnh Hoà Bình, Lai Châu, Hà Giang địa hình vùng núi khó khăn, chia cắt, phức tạp nhưng đến nay mới chỉ có 1 TTĐK (trực thuộc Sở GTVT) được đặt tại khu vực thành phố trung tâm tỉnh.

Anh Nguyễn Chuyên (trú tại huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình) cho biết, TTĐK tỉnh Hoà Bình nằm trên QL6 (phường Đồng Tiến, TP Hoà Bình) phía đầu tỉnh trong khi nhà anh lại ở cuối tỉnh, giáp ranh với Sơn La.

Trước đây, mỗi lần đến hạn kiểm định xe, anh phải bố trí thời gian đi từ sáng sớm cho kịp kiểm định trong ngày. Gần đây, để tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, anh phải đưa xe sang TTĐK 26-03D ở xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La vì gần hơn trạm của Hoà Bình.

Tương tự, anh Tú Anh (trú tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) cũng gặp khó khăn khi kiểm định xe do sống cách TP Lai Châu (nơi có TTĐK 25-01S duy nhất của tỉnh) đến hơn 30km.

Doanh nghiệp than “khó sống”

Đại diện TTĐK ở Hưng Yên cho biết, từ khi đi vào hoạt động đến nay, trung bình mỗi tháng sản lượng chỉ đạt 250 xe, tháng đỉnh điểm đạt 450 xe.

Tính ra chỉ khoảng hơn 10 xe/ngày, ước tính mỗi tháng, TTĐK này lỗ đến trăm triệu đồng do chi phí đầu tư dây chuyền kiểm định, cơ sở hạ tầng, các loại phí dịch vụ và lương cho nhân viên rất lớn.

Lãnh đạo một TTĐK ở Hà Nội cho biết, việc gia tăng nhanh chóng các TTĐK trên địa bàn trong khi lượng phương tiện không tăng nhiều khiến sản lượng kiểm định xe của trung tâm này giảm đến 30% thời gian gần đây.

Đại diện một TTĐK khác ở Hà Nội cũng than lượng phương tiện vào trạm thực hiện kiểm định ngày một thấp, việc cạnh tranh giữa nhiều TTĐK trong một diện tích nhỏ ngày càng khó khăn. Trong khi đó, để đầu tư một TTĐK với một dây chuyền đăng kiểm ở Hà Nội cần ít nhất 6 tỷ đồng.

Ngoài ra, để một dây chuyền kiểm định hoạt động còn cần gần 10 người, gồm lãnh đạo, đăng kiểm viên (tối thiểu duy trì 3 người/dây chuyền) và nhân viên nghiệp vụ, bảo vệ.

Khi trung tâm đi vào hoạt động phải chi thường xuyên cho các khoản tiền lương, điện, bảo dưỡng thiết bị, thuế, lãi vay… Mỗi ngày trung bình cần khoảng 40 - 50 xe đến kiểm định mới đảm bảo cân bằng các khoản chi trên, còn thấp hơn sẽ bị lỗ.

Nhà đầu tư một TTĐK ở Thanh Hoá cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị phải bù lỗ và tiết giảm tối đa các chi phí do lượng xe đăng kiểm ít ảnh hưởng đến tất cả các nguồn thu.

Mặc dù theo quy định, các phương tiện có thể thực hiện kiểm định ở bất kỳ TTĐK nào không nhất thiết phải trong cùng tỉnh, tuy nhiên do các tỉnh xung quanh đều có nhiều TTĐK nên rất khó thu hút xe.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 139

img

Theo Cục ĐKVN và Bộ GTVT cần nghiên cứu đề xuất bổ sung, sửa đổi Nghị định 139/2018/NĐ-CP để nâng cao công tác quản lý trong lĩnh vực đăng kiểm

Theo Cục Đăng kiểm VN, từ khi Nghị định 139/2018 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới (thay thế Nghị định số 63/2016) không còn quy định điều kiện khi xây dựng TTĐK phải thỏa mãn Quy hoạch tổng thể mạng lưới các đơn vị đăng kiểm như trước đây.

Người muốn đầu tư chỉ cần thành lập doanh nghiệp. Trước khi xây dựng TTĐK chỉ cần thông báo cho Cục Đăng kiểm VN về địa điểm, thời gian dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động. Khi xây dựng xong, Cục Đăng kiểm VN đánh giá phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, đáp ứng điều kiện nhân sự tối thiểu là cấp phép.

Ông Nguyễn Tô An, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết, lợi ích thấy rõ nhất của việc thực hiện xã hội hóa đăng kiểm là thuận lợi cho chủ phương tiện và người dân được lựa chọn nơi đăng kiểm gần nhất, hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn, thời gian giải quyết thủ tục nhanh hơn.

Tuy vậy, theo ông An, bất cập là một số khu vực, địa phương có nhiều trung tâm, trong khi một số tỉnh miền núi khó khăn (như Lai Châu, Hòa Bình, Điện Biên) hoặc miền Tây Nam bộ vẫn chỉ có một TTĐK, người dân các huyện vẫn phải đi xa mới có nơi kiểm định xe.

Lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN cho biết, 2 năm gần đây, nhiều doanh nghiệp thành lập TTĐK (như ở Thanh Hoá, Bình Dương, Hưng Yên) than khó khi liên tục phải bù lỗ vì lượng phương tiện kiểm định thấp.

Thậm chí, một TTĐK ở Hưng Yên còn có ý định đóng cửa một thời gian, một số TTĐK khác lại muốn bán đi một dây chuyền do xây dựng 2 dây chuyền nhưng lượng phương tiện không đủ để hoạt động.

Việc gia tăng nhanh các TTĐK khiến việc cạnh tranh diễn ra khốc liệt, họ tìm đủ mọi cách để thu hút khách hàng. Cũng từ đó xảy ra tình trạng TTĐK, đăng kiểm viên vi phạm quy trình, tiêu chuẩn trong kiểm định xe.

Cũng theo ông An, ở các nước phát triển, việc đưa xe đi kiểm định là quyền lợi và trách nhiệm của người dân. Tuy nhiên, tại Việt Nam, một số lượng lớn người dân coi kiểm định xe chỉ để “cho xong”, thậm chí xe lỗi còn sẵn sàng chi tiền để được bỏ qua dẫn đến các hành vi tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm.

“Tới đây, cần nghiên cứu để đề xuất bổ sung, sửa đổi Nghị định 139, theo hướng quy định khoảng cách nhất định giữa 2 TTĐK tránh trường hợp nơi có quá nhiều còn nơi lại quá ít khiến người dân vẫn gặp khó khăn trong kiểm định xe. Tuy nhiên, để có thể đưa ra quy định về khoảng cách hợp lý cần phải nghiên cứu đánh giá một cách bài bản, toàn diện”, ông An nói.

Trong văn bản trả lời cử tri tỉnh Thanh Hoá mới đây, Bộ GTVT cho biết, từ thời điểm Nghị định 139/2018 có hiệu lực, số lượng các đơn vị đăng kiểm được thành lập mới tăng đột biến, vượt quá nhu cầu ở một số địa phương, có nguy cơ dẫn tới việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các TTĐK làm ảnh hưởng đến chất lượng đăng kiểm phương tiện.

Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị định 139, trên cơ sở đó tổng hợp báo cáo Chính phủ những nội dung cần xem xét điều chỉnh (nếu có) nhằm tăng cường công tác quản lý trong lĩnh vực đăng kiểm phương tiện giao thông đường bộ, bao gồm cả việc xem xét báo cáo Quốc hội bổ sung quy hoạch tổng thể các TTĐK xe cơ giới vào Luật Quy hoạch trong trường hợp cần thiết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.