Xã hội

Trùng tu di tích: Không phải cứ “bơm” tiền là làm được!

26/02/2020, 06:53

Thời gian gần đây, hàng loạt công trình di tích lịch sử gây tranh cãi sau khi trùng tu với vẻ ngoài lạ lẫm, sai hoàn toàn so với nguyên bản.

img
Di tích quốc gia đình Trùng Hạ sau khi được sơn đỏ loè loẹt

Có thể nhắc đến đình Trùng Hạ, xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình vừa được địa phương sơn lại với hai màu đỏ và vàng. Toàn bộ các cấu kiện gỗ chạm trổ tinh xảo rất đẹp đã bị những lớp sơn này phủ lên. Trong khi đó, giới nghiên cứu còn đánh giá nghệ thuật điêu khắc kiến trúc ở đình Trùng Hạ nằm ở giai đoạn chiếm lĩnh đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc dân gian Việt Nam (thế kỷ 16,17).

Cách đó ít ngày, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT & DL) tỉnh Nam Định đã phải yêu cầu các đơn vị liên quan phục hồi theo nguyên mẫu cây cầu Ngói chợ Thượng ở thôn Thượng Nông, xã Bình Minh, huyện Nam Trực. Đây là di tích lịch sử, văn hóa quốc gia hàng trăm năm tuổi, được xây dựng từ thời Hậu Lê, với sự đóng góp công đức của bà chúa Nguyễn Thị Ngọc Xuân, cung phi của chúa Trịnh. Tuy nhiên, trong quá trình tu sửa đã bị làm mới, sai lệch so với kết cấu ban đầu. Phần cổng vào đã bị trát phẳng và sơn giả đá lên, làm mất toàn bộ hoa văn và vẻ đẹp cổ kính của cây cầu. Phần bậc thang bằng gạch cũng được lát lại bằng đá xanh.

Đây không phải lần đầu tiên diễn ra “thảm họa” trùng tu di tích. Đây là câu chuyện của những di tích được trùng tu một cách ồ ạt theo kiểu hiện đại hóa và hoàn toàn thiếu vắng sự hỗ trợ về chuyên môn. Đó còn chưa kể đến việc địa phương ngang nhiên thực hiện mà chưa được sự cho phép của cơ quan quản lý.

Việc tu bổ đình Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) hồi tháng 8/2018 cũng khiến giới chuyên môn và người dân phải ngao ngán. Hay việc trùng tu Chùa Trăm Gian (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) năm 2012; trùng tu Lăng Ngô Quyền (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) năm 2014; trùng tu Bia Quốc học Huế (phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) năm 2017; tự ý xây mới tượng Bà Chúa Xứ thứ 2 trên núi Sam (phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang) cuối năm 2017…

Trao đổi về vấn nạn này, PGS. TS. Đỗ Văn Trụ, Phó chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết, khi trùng tu, tu bổ di tích cần tuân thủ theo các quy định trong Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng và các văn bản quy định khác.

Thực tế, việc trùng tu di tích xảy ra ở nhiều địa phương, không chỉ được cấp kinh phí bởi nhà nước mà còn được hỗ trợ từ việc xã hội hóa. Tuy nhiên, PGS. TS. Đỗ Văn Trụ cho rằng: “Việc xã hội hóa bảo tồn, trùng tu là cần thiết nhưng nhà quản lý cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng, giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện. Không thể cứ có tiền là muốn “vẽ” gì vào di tích, văn hoá lịch sử cũng được”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.