Giáo dục

10 kỹ năng xã hội không thể thiếu với một đứa trẻ trước 13 tuổi

03/08/2021, 01:00

Không chỉ có mỗi kiến thức trong trường lớp mới cần thiết, kỹ năng xã hội cũng là thứ mà trẻ cần phải học hỏi rất nhiều.

1. Đấu tranh bảo vệ cho chính mình và người khác

Một trong những kỹ năng mà cha mẹ nên dạy cho con cái là phải biết đứng ra bảo vệ lợi ích cho chính mình và người khác. Nếu không muốn trở thành một nạn nhân bị bắt nạt, trẻ cần học cách chứng tỏ bản thân không dễ bị bắt nạt bởi người khác. Cha mẹ cũng có thể khuyên con mình tiếp cận với một số bạn học mới hoặc bị cô lập trong lớp, việc kết bạn sẽ giúp ích cho cả con bạn và những đứa trẻ khác.

img

2. Giải quyết vấn đề một cách “dĩ hòa vi quý”

Khi chơi với nhau, trẻ không khỏi tránh được có lúc xung đột, bất đồng ý kiến, ngay cả giữa những người bạn thân cũng không phải lúc nào cũng vui vẻ, hiểu tính nhau. Việc cha mẹ dạy con cách xác định nguồn gốc của vấn đề gây xung đột, đưa ra cách giải quyết hòa bình là điều quan trọng.

3. Trách nhiệm và sự cẩn thận

Trách nghiệm là một thuật ngữ rộng, nó có thể bao gồm bất cứ điều gì từ việc dọn dẹp đồ chơi, làm việc nhà, chăm sóc thú cưng. Cha mẹ nên dạy con cái rằng, có một số việc trẻ cần phải làm vì đó là trách nhiệm của chúng chứ không phải là yêu cầu của cha mẹ.

4. Học cách làm việc chung với người khác

Khi cha mẹ dạy con biết hòa đồng, chơi tốt với người khác sẽ giúp trẻ trở thành một người biết cách làm việc nhóm một cách hiệu quả sau này.

Học cách làm việc theo nhóm sẽ giúp trẻ có nhiều kỹ năng xã hội như tôn trọng, thỏa hiệp, khoan dung, kiên nhẫn, giao tiếp và đồng cảm. Trẻ cũng dần tự tin, biết cách tin tưởng vào người khác, những kỹ năng này sẽ giúp xây dựng tương lai tốt đẹp cho trẻ.

img

5. Xin lỗi và tha thứ

Cha mẹ cần dạy trẻ hiểu được giá trị của lời xin lỗi. Nếu chỉ nói “tôi xin lỗi” một cách mặc định thì không đủ, trẻ cần phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Bên cạnh đó, học cách tha thứ cho một người cũng quan trọng không kém. Chỉ khi dám buông bỏ, tha thứ cho người ta, trẻ mới cảm thấy thoải mái như trút bỏ một gánh nặng trong lòng.

6. Học cách lắng nghe và cảm thông

Khi bản thân cha mẹ là người biết lắng nghe, họ sẽ trở thành một tấm gương tốt cho con cái. Trẻ nên được học cách tôn trọng, thể hiện sự quan tâm với người nói, nó sẽ giúp trẻ trở thành một người biết lắng nghe.

Tương tự đối với sự đồng cảm, trẻ cũng cần học cách quan tâm tới người khác, suy nghĩ cho đối phương nhiều hơn. Sự quan tâm một cách chân thành sẽ khiến mối quan hệ 2 bên trở nên tốt đẹp hơn nhiều.

7. Học cách đối phó những cảm xúc tiêu cực

Trẻ nhỏ đôi khi sẽ khó quản lý được cảm xúc bộc phát bất ngờ của mình và nhiệm vụ của cha mẹ là hướng dẫn chúng vượt qua điều đó. Khi trẻ có những cảm xúc tiêu cực như tức giận, cha mẹ nên khuyến khích trẻ nói ra, chia sẻ để cùng nhau giải quyết vấn đề.

img

8. Chấp nhận sự thất vọng

Cuộc sống không thể lúc nào cũng đáp ứng hết mọi nguyện vọng của trẻ, cho dù đó là gì đi chăng nữa thì trẻ cũng cần hiểu được cảm giác thất vọng khi không đạt được điều mình muốn và học cách đối phó với nó.

Khi trẻ đang thất vọng về vấn đề nào đó, cha mẹ nên lắng nghe, nhìn nhận những gì mà con mình đang trải qua, sau đó đưa ra quan điểm và tìm kiếm giải pháp. Trẻ cần biết rằng, thất vọng là một loại cảm xúc không thể thiếu trong cuộc sống. Chỉ bằng cách đặt nó xuống, niềm tin sẽ giúp vượt qua sự đau buồn của hiện tại.

9. Lạc quan và biết yêu bản thân

Lạc quan sẽ giúp một đứa trẻ nhận thấy những mặt tích cực của mọi thứ, đôi khi thất bại cũng không sao, chỉ cần còn có niềm tin là sẽ lấy lại những gì đã mất.

Biết cách yêu bản thân cũng là điều mà trẻ cần phải học. Chỉ khi tin tưởng vào bản thân mình, nhìn nhận theo chiều hướng tích cực, trẻ sẽ thấy yêu cuộc sống này hơn.

10. Quản lý thời gian

Một người biết cách quản lý thời gian của chính mình sẽ biết cách tận dụng được từng phút giây mỗi ngày. Ban đầu, trẻ cần ý thức được thời gian bằng cách đặt giờ đi ngủ, thức dậy, tự học, ăn uống, kế hoạch cho từng việc, nhiệm vụ hằng tuần… Tất cả đều nên được sắp xếp một cách hợp lý nhất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.