Xã hội

"Trước khi bàn triết lý, cần đưa ra nguyên tắc giáo dục không nói dối"

30/05/2019, 11:40

ĐBQH cho rằng chúng ta đang bàn về triết lý giáo dục, song điều trước tiên là nên đưa ra nguyên tắc đơn giản: một nền giáo dục không nói dối.

img
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang)

Sáng 30/5, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại hội trường. Nhiều vấn đề dân sinh bức xúc mà cử tri gửi gắm đã được các ĐBQH chuyển tải tới nghị trường.

Nghi ngại với gần 100% học sinh đạt loại giỏi

Nêu bức xúc của cử tri về gian lận thi cử tại kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đề nghị Bộ GD-ĐT xử lý nghiêm, chỉ ra thiếu sót trong kỳ thi và chỉ rõ trách nhiệm cụ thể.

“Không thể nói lỗi hoàn toàn thuộc địa phương khi gian lận xảy ra ở nhiều tỉnh. Nếu phúc tra trên cả nước, tôi tin còn nhiều vi phạm trong kỳ thi vừa qua", ĐB nêu ý kiến.

Cũng theo ĐB Hiếu, trong giáo dục, việc đánh giá kết quả hết sức quan trọng. Vừa qua có nhiều cải cách, nhưng phương pháp chưa đúng. “Đúng sao được khi mà một lớp gần có 100% học sinh đạt loại giỏi. Trong phiên thảo luận về Luật Giáo dục, chúng ta bàn nhiều về triết lý giáo dục, nhưng trước mắt cần đưa ra nguyên tắc giáo dục đơn giản là nền giáo dục không nói dối. Không thể tạo nên một sản phẩm hoàn hảo khi chấp nhận nói dối ngay từ những năm các con cắp sách đến trường”, ĐB Nguyễn Lân Hiếu gay gắt.

Cũng đề cập về những bất cập trong giáo dục, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ GD-ĐT cứ loay hoay với nhiều vấn đề nhưng dường như ít mang lại kết quả để đạt được mục tiêu phát triển giáo dục. Tiếp xúc cử tri trước kỳ họp này, nhiều cử tri phàn phàn nàn về chất lượng giáo dục, bệnh thành tích cũng như tiêu cực trong giáo dục. Người dân không yên tâm với giáo dục.

“Thử hỏi nền giáo dục sẽ đi về đâu khi nền giáo dục như vậy, tiêu cực giáo dục nặng nề, thị trường văn bằng chứng chỉ giả rất sôi động. Công an Hà Nội bắt có một vụ mà thu được cả tấn phôi bằng” – ĐB Cương đặt câu hỏi và tỏ rõ băn khoăn: Sau sai phạm năm 2018, Bộ GD-ĐT đang rất nỗ lực cải tiến kỳ thi 2019, nhưng ai dám bảo đảm sai phạm đó sẽ không xảy ra nữa?

Đề nghị áp dụng trí tuệ nhân tạo trong xây dựng pháp luật

img
Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định)

Góp ý về việc xây dựng thể chế, chính sách, ĐB Lê Công Nhường (Bình Định) cho răng chất lượng xây dựng văn bản pháp luật còn hạn chế. Nhiều dự án luật còn chồng chéo, không khả thi, thời gian “sống” của luật chỉ 3- 5 năm sau đó phải sửa đổi. Nguyên nhân xuất phát từ tư duy chính sách, năng lực của một số cán bộ làm luật chưa tốt.

Cho rằng hiện vẫn còn tư duy "không quản lý được thì cấm", vẫn có chuyện cài cắm lợi ích ngành, lợi ích nhóm khi làm luật, xây dựng chính sách, ĐB Nhường đề xuất khi xây dựng văn pháp luật cần thêm nhiều đối tượng khác như luật sư, doanh nghiệp, người dân… cùng tham gia vào quá trình soạn thảo theo tỷ lệ cao hơn.

“Cần bố trí lại cơ cấu, bộ phận làm chính sách tách biệt với bộ phận thực thi để tránh việc cài cắm lợi ích. Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ phải chủ trì xây dựng các dự án luật”, ĐB đề xuất.

Đáng chú ý, ĐB Nhường cho rằng cần áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ cho công tác xây dựng luật. “Có thể lập trình tạo ra mục tiêu, từ đó AI lập luận giải quyết, phát hiện những vấn đề không tương thích với hiến pháp, các luật khác, các vấn đề chống chéo. Luật ban hành ra cũng được minh bạch”, ĐB nói.

Cũng liên quan đến vấn đề xây dựng pháp luật, ĐB Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho rằng việc chuẩn bị một số dự án luật của Chính phủ chưa tốt. Một số dự án Luật phải bổ sung, đưa ra khỏi chương trình, lùi thời gian. Ngoài ra, công tác ban hành văn bản dưới luật còn chậm sau khi luật có hiệu lực.

Điển hình như Luật Quy hoạch có hiệu lực từ 1/12019 nhưng phải đến ngày 7/5, Chính phủ mới ban hành nghị định chi tiết hướng dẫn. Hay Luật Quản lý tài sản công có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, đến nay Chính phủ vẫn chưa ban hành nghị định hướng dẫn đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) gây khó khăn tổ chức thực hiện.

Một ví dụ khác về việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn được ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) nêu là Luật An ninh mạng.

Nhấn mạnh người dân mong chờ và ủng hộ luật này, siết chặt hơn nữa an toàn trên môi trường mạng, ĐB nêu ý kiến: "Thực tế, ngày càng xuất hiện nhiều đối tượng phát tán hình ảnh, nội dung xấu, bài viết phản cảm, bạo lực, bịa đặt làm ảnh hưởng xấu đến lối sống, trật tự, an toàn xã hội. Đề nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Luật An ninh mạng, đề nghị Bộ Thông tin - Truyền thông phối hợp với Bộ Công an tăng cường hơn nữa công tác quản lý an ninh mạng".

Cử tri bất an vì nhiều án mạng nghiêm trọng liên tục xảy ra

img
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu)

Ở một góc độ khác, ĐB Tạ Văn Hạ - Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng phản ánh: Cử tri cảm thấy lo lắng, bất an khi chỉ trong ít tháng đầu năm đã xảy ra hàng loạt vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng, thương tâm liên quan ma tuý, ngáo đá.

Những vụ án nghiêm trọng được đại biểu liệt kê là vụ nữ sinh giao gà bị sát hại chiều 30 Tết ở Điện Biên; phó phòng Ngân hàng truy sát cả nhà ở Nghệ An; vụ sát hại bà ngoại, bạn gái, bà nội, bố đẻ ở Long An; gần đây do cãi nhau với mẹ mà con trai ra tay sát hại mẹ, dì, bà ngoại ở TP.HCM...

Cũng theo ĐBQH tỉnh Bạc Liêu, tội phạm ma tuý cũng diễn biến phức tạp. Nhiều vụ mua bán, vận chuyển, tàng trữ ma tuý số lượng lớn xuyên quốc gia với thủ đoạn, hoạt động tinh vi. Chỉ trong quý I/2019, cơ quan chức năng đã phá được hơn 6.500 vụ (hơn cả năm 2018), trong đó có vụ án lớn như triệt phá tập đoàn ma tuý 1,1 tấn ở TP HCM. Viện khoa học hình sự (Bộ Công an) đã phát hiện nhiều chất ma tuý cực mạnh mới xuất hiện ở Việt Nam, chưa có trong danh mục ở nghị định 73, gây ảo giác cực mạnh...

"Đề nghị Chính phủ cho biết nguyên nhân, giải pháp căn cơ đẩy lùi tình trạng nêu trên, ĐB Hạ cũng đề nghị Quốc hội giám sát công tác phòng, chống ma tuý trong giai đoạn hiện nay", ĐB nêu ý kiến.

Trước đó, ĐB Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cũng cho biết cử tri bày tỏ sự quan ngại về tình hình phạm pháp, hình sự tăng gây bức xúc dư luận, chủ yếu liên quan đến việc sử dụng ma túy. Tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em cũng ngày càng diễn biến phức tạp, trong khi mức xử phạt đối với loại tội phạm trên chưa đủ sức răn đe. Bà Xuân đề nghị Chính phủ cần tiếp tục theo dõi, chỉ đạo và yêu cầu Bộ Công an tập trung nắm, phân tích, dự báo tình hình tội phạm.

“Tôi đề nghị Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; khẩn trương sửa đổi Luật Phòng chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính”, ĐB Xuân kiến nghị.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.