Thời sự Quốc tế

Trước thềm Hội nghị G20, Indonesia siết an ninh đến mức "con ruồi khó lọt"

Ngày mai (15/11) sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G20 trên đảo Bali, Indonesia với sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao.

Bảo đảm an ninh chặt chẽ

Theo thông báo từ giới chức Indonesia, quốc đảo này đã chuẩn bị tất cả biện pháp an ninh, phòng ngừa trước mọi nguy cơ có thể xảy ra trong thời gian diễn ra sự kiện như ném bom, tấn công khủng bố, biểu tình hay thảm họa tự nhiên.

“Chúng tôi rất lạc quan và đã sẵn sàng trước sự kiện lớn của đất nước”, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto bày tỏ tin tưởng vào công tác chuẩn bị an ninh trước sự kiện.

Theo thống kê, Indonesia đã huy động hơn 18.000 cảnh sát, binh sĩ làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Nusa Dua, đảo Bali, Indonesia ngày 15-16/11.

img

Cảnh sát Indonesia tuần tra khu vực xung quanh khu nghỉ dưỡng Nusa Dua, đảo Bali trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G20. Ảnh - Straits Times

12 tàu chiến, 16 máy bay chiến đấu F-16, 13 trực thăng sẽ làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, vùng trời xung quanh đảo Bali trong thời gian sự kiện diễn ra trong khi xe bọc thép Anoa được huy động để sẵn sàng thực hiện công tác sơ tán trong trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra, một tàu chiến được điều về vùng biển bên ngoài khu nghỉ dưỡng Nusa Dua đảm nhiệm chức năng của một "bệnh viện nổi".

Indonesia sẽ huy động 42 ô tô điện, 126 xe máy điện để hộ tống các phái đoàn tham gia hội nghị. Theo quân đội Indonesia, 84 xe máy điện trang bị đầy đủ mũ bảo hiểm, trang phục, găng tay cần thiết sẽ được sử dụng làm phương tiện an ninh và cứu hộ.

18 cảnh sát sẽ cưỡi ngựa tuần tra khu vực an ninh trọng yếu xung quanh khách sạn Apurva Kempinski Bali - nơi tổ chức cuộc họp chính của hội nghị, để hỗ trợ đảm bảo trật tự trong trường hợp xảy ra biểu tình, bạo loạn quy mô lớn.

Người dân hạn chế đi lại, trẻ em chuyển sang học trực tuyến

Đồng thời, giới chức Bali sẽ theo dõi và hạn chế hoạt động đi lại của người dân trong thời gian sự kiện diễn ra. Tại sân bay và cảng biển trên đảo, đội an ninh đặc biệt sẽ sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để theo dõi những vị khách trong nước và quốc tế tới đảo.

Giới chức Bali đã yêu cầu người dân địa phương không tổ chức nghi thức truyền thống, hoạt động tôn giáo cho tới ngày 17/11. Trường học trên đảo chuyển sang học trực tuyến, người lao động sẽ làm việc tại nhà trong thời gian diễn ra hội nghị. Để tránh tình trạng tắc nghẽn giao thông, giới chức Bali sẽ hạn chế phương tiện biển số chẵn/lẻ trên một số tuyến đường chính luân phiên theo ngày.

img

Xe bọc thép được đặt gần địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G20 trên đảo Bali nhằm phản ứng trong trường hợp khẩn cấp. Ảnh - Straits Times

Đây không phải lần đầu tiên Indonesia tổ chức sự kiện lớn mang tầm quốc tế, tuy nhiên, người dân trên đảo Bali cho biết công tác chuẩn bị nhằm đảm bảo an ninh cho hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra vô cùng kỹ lưỡng.

Người dân Bali cũng bày tỏ mong muốn sự kiện sẽ giúp phục hồi kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực du lịch - ngành mang lại thu nhập cho 2/3 dân số trên đảo. Từ sân bay tới địa điểm tổ chức hội nghị, đường phố Bali ngập tràn biển quảng cáo và biểu ngữ “Chào mừng đến với Bali”.

img

Cảnh sát Indonesia cưỡi ngựa tuần tra đường phố trước thêm Hội nghị Thượng đỉnh G20. Ảnh - VCG

Ông Ketut Suardika, tài xế xe bus, cho biết ngành du lịch Bali bị ảnh hưởng nặng nề trong dịch Covid-19 và hội nghị thượng đỉnh G20 là cơ hội để người dân Bali truyền thông điệp tới thế giới rằng ngành du lịch trên hòn đảo đã sẵn sàng trở lại.

Đây là lần đầu tiên Indonesia đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên của G20 - nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ít nhất 17 lãnh đạo thế giới đã xác nhận tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Indonesia bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Anh Rishi Sunak…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.