Quản lý

Trường hợp nào bị tịch thu phương tiện theo Nghị định 100?

07/01/2020, 09:47

Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định rõ các trường hợp tịch thu phương tiện.

img
Nghị định 100 bổ sung nhiều mức phạt đối với chủ phương tiện - Ảnh minh họa

Nghị định 100/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt thay thế Nghị định 46/2016 quy định rõ các trường hợp bị tịch thu phương tiện.

Cụ thể, phạt tiền từ 2 - 4 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 - 8 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô đưa phương tiện không có Giấy đăng ký xe tham gia giao thông hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng; đưa phương tiện có Giấy chứng nhận đăng ký xe tạm thời tham gia giao thông quá thời hạn, tuyến đường, phạm vi cho phép.

Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung trong trường hợp không có Giấy đăng ký xe hoặc có Giấy đăng ký xe nhưng không do cơ quan có thẩm quyền cấp, không đúng số khung, số máy của xe hoặc bị tẩy xóa (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) mà không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện (không có giấy tờ, chứng từ chuyển quyền sở hữu xe hoặc giấy tờ, chứng từ nguồn gốc xe hợp pháp) thì bị tịch thu phương tiện.

Cùng hành vi này, đối với xe mô tô, phạt tiền từ 800.000 - 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1,6 - 4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tương tự ô tô.

Phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 8 - 12 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô đưa phương tiện có Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe nhưng không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa tham gia giao thông; đưa phương tiện có Giấy đăng ký xe nhưng không đúng với số khung số máy của xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) tham gia giao thông.

Cùng hành vi này, xe máy sẽ bị xử phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức.

Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung tương tự hành vi nêu trên là tịch thu phương tiện. Trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng GPLX (khi điều khiển xe cơ giới), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 1 - 3 tháng.

Một hành vi khác cũng bị xử phạt từ 8 - 12 triệu đồng là đưa xe ô tô quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông và chịu hình phạt bổ sung là tịch thu phương tiện.

Hành vi đưa phương tiện có giấy đăng ký xe nhưng không đúng với số khung số máy của xe tham gia giao thông, nếu không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ sẽ bị tịch thu phương tiện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.