Quản lý

Trường hợp nào chở hàng nguy hiểm bằng đường thủy được miễn giấy phép?

13/04/2020, 16:13

Từ 1/6, phương tiện thủy vận chuyển hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa nguy hiểm phải có giấy phép vận chuyển, song một số trường hợp được miễn.

img
Xăng, dầu thuộc danh mục hàng hóa nguy hiểm - Ảnh minh họa

Theo quy định tại Nghị định số 42/2020 của Chính phủ (quy định danh mục hàng hoá nguy hiểm, vận chuyển hàng hoá nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, vận chuyển trên đường thuỷ nội địa), hàng hóa nguy hiểm được phân thành 9 nhóm (chất nổ và vật phẩm dễ nổ, khí, chất lỏng dễ cháy và chất nổ lỏng khử nhạy, chất độc, chất phóng xạ…). Tổ chức, cá nhân vận chuyển hàng hóa nguy hiểm thuộc danh mục được quy định tại nghị định trên phải có giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm.

Tùy theo loại hàng hóa (gồm 9 nhóm), cơ quan cấp giấy phép vận chuyển là Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Cơ quan cấp giấy phép căn cứ vào loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm để quyết định tuyến đường và thời gian vận chuyển.

Liên quan đến yêu cầu đối với phương tiện, người tham gia vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy, nghi định quy định phương tiện phải dán biểu trưng hàng hóa nguy hiểm ở hai bên phương tiện. Thuyền viên làm việc trên phương tiện vận chuyển hàng hoá nguy hiểm phải được đào tạo và có chứng chỉ chuyên môn đặc biệt về vận tải hàng hoá nguy hiểm theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT.

Thủ kho, người áp tải, người xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm trên phương tiện và tại cảng, bến thủy nội địa phải được tập huấn và cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình tập huấn về loại hàng hoá nguy hiểm do mình áp tải, xếp, dỡ hoặc lưu kho bãi theo quy định.

Tuy nhiên, đáng chú ý, nghị định cũng quy định một số trường hợp vận chuyển hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa nguy hiểm nhưng không phải xin giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm. Bao gồm: vận chuyển hàng hoá nguy hiểm là khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) và khí thiên nhiên nén (CNG) có tổng khối lượng nhỏ hơn 1.080 ki-lô-gam; khí dầu mỏ hoá lỏng (LPG) có tổng khối lượng nhỏ hơn 2.250 ki-lô-gam; nhiên liệu lỏng có tổng dung tích nhỏ hơn 1.500 lít; hoá chất bảo vệ thực vật có tổng khối lượng nhỏ hơn 1.000 ki-lô-gam. Nghị định có hiệu lực thi hành từ 1/6/2020.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.