Xã hội

Trường hợp nào ứng viên ĐBQH bị xóa tên khỏi danh sách chính thức?

17/05/2021, 12:33

Khi ứng viên vướng lao lý, mất năng lực hành vi dân sự, tử vong hoặc vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bầu cử sẽ bị rút khỏi danh sách ứng cử.

img

Hội đồng Bầu cử quốc gia có thẩm quyền xóa tên người ứng cử ĐBQH trên danh sách chính thức

Vừa qua, Hội đồng bầu cử quốc gia ban hành Nghị quyết cho ông Nguyễn Quang Tuấn (Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) rút tên khỏi danh sách ứng cử ĐBQH khóa XV.

Lý do cho ông Tuấn rút tên khỏi danh sách ứng cử được lý giải "vì lý do sức khỏe và một số lý do khác". Cá nhân ông Nguyễn Quang Tuấn đã có đơn và Ủy ban bầu cử TP Hà Nội đã có văn bản đề nghị gửi tới Hội đồng bầu cử quốc gia.

Từ trường hợp của ông Tuấn, nhiều người đặt câu hỏi về việc khi nào ứng viên buộc phải rút tên khỏi danh sách đại biểu?

Theo Điều 60 Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND 2015, người có tên trong danh sách ứng cử chính thức, đã được Hội đồng bầu cử quốc gia công bố mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị khởi tố bị can, bị bắt, giữ vì phạm tội quả tang, mất năng lực hành vi dân sự, chết hoặc vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bầu cử thì Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ xóa tên họ khỏi danh sách những người ứng cử.

Đối với những người ứng cử đại biểu HĐND mà không đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 60 luật này, Ủy ban bầu cử sẽ thống nhất ý kiến với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp trước khi xóa tên họ khỏi danh sách ứng cử đại biểu HĐND.

Ngoài ra, Khoản 5, Điều 30 luật này cũng quy định về trường hợp xóa tên khỏi danh sách cử tri.

Theo đó, người đã có tên trong danh sách cử tri mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị tòa án tước quyền bầu cử, phải chấp hành hình phạt tù hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì UBND cấp xã sẽ xóa tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri.

Hiện Hội đồng bầu cử quốc gia đã thống nhất thôi không ứng cử đối với Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội do điều kiện sức khoẻ, hiện chưa thể thực hiện được nhiệm vụ ứng cử viên ĐBQH.

Trường hợp thứ hai là ứng cử viên Phạm Thị Bích Ngọc, Vụ trưởng Vụ Đối ngoại của Văn phòng Quốc hội. Ứng cử viên này sau hiệp thương vòng 3 có đơn gửi Hội đồng bầu cử quốc gia xin rút vì lý do gia đình không tạo điều kiện và không thuận lợi cho việc tham gia ứng cử ĐBQH.

Trường hợp thứ ba là ông Nguyễn Thế Anh (SN 1973), là Tỉnh uỷ viên; Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang cũng xin rút khỏi danh sách ứng cử khoá XV do có vấn đề về sức khỏe, ứng cử viên đã có đơn trình bày lý do và xin rút khỏi danh sách ứng cử.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.