Xã hội

Trường Sa, Gạc Ma và lễ tưởng niệm khó quên

13/03/2016, 19:05

Tiếng quân nhạc Hồn tử sỹ bi tráng vang lên trong không gian im lặng đến rợn người, tất cả bồi hồi, tiếc thương...

10
Lễ tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ

Dân tộc mãi tri ân các anh

Ngày 27/3/2012, tôi được Công đoàn ngành GTVT cử tham gia cùng đoàn công tác của Tổng Liên đoàn do Phó chủ tịch Hoàng Ngọc Thanh dẫn đầu đi thăm bộ đội, nhân dân huyện đảo Trường Sa. Trước chuyến đi, ngoài sự đóng góp, ủng hộ của Công đoàn ngành GTVT, tôi còn tìm hiểu, mua sắm thêm nhiều vật dụng cá nhân (sách, báo, giấy bút, khăn mặt, bánh kẹo…) làm quà tặng bộ đội, các cháu thiếu nhi và anh em gác đèn biển. Chuyến đi đặc biệt, bởi rất hiếm khi tháng 2 Âm lịch lại gặp bão - điều trái quy luật “tháng 3 bà già ra biển”.

Buổi sáng xuất quân trong nghi lễ trang trọng khi cả đoàn công tác hát Quốc ca, sau đó là ba hồi còi dài, tàu rời bến, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ quân cảng Cam Ranh (Nha Trang) lưu luyến tiễn đưa. Sau một ngày đêm vượt biển, tàu Hải quân phải quay lại vì bão số 1. Neo nghỉ ba ngày, tàu lại hành trình trong mưa bão và sóng lừng. Chúng tôi say lả lướt vì sóng dập, dù được các anh bộ đội chăm sóc tận tình.

Tạo hóa từ ngàn đời xưa ban cho đất nước ta hình chữ S, sau lưng núi non trùng điệp từ Pắc Bó (Cao Bằng), cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), núi Tam Đảo, Ba Vì đến dãyTrường Sơn hùng vĩ ôm trọn vùng đồng bằng châu thổ Bắc, Trung, Nam. Ngoài khơi xa cách đất liền 400 - 600 km là hệ thống các đảo của Hoàng Sa, Trường Sa - “cát vàng, cát dài” xếp hình vòng cung sừng sững hiên ngang, tạo thế vững chãi dựng nước và giữ nước.

“Sóng lừng thường sau bão, nhẹ tênh các chú ạ, ba hôm trước có bão, sóng to các chú đã ở lại cảng rồi, có lần chúng cháu đi gặp bão, lái tàu còn phải treo cả thùng, xô nhựa dưới cổ, tay cầm vô lăng và khăn lau vì nôn ói”, một anh kể.

Sau hai ngày đêm vượt gần 500 km, tàu cập đảo Nam Yết. Bộ đội đón chúng tôi như người nhà. Sau lễ chào cờ, tuyên thệ 10 lời thề danh dự, chúng tôi có 2 giờ giao lưu, tặng quà trò chuyện với cán bộ, chiến sỹ, công nhân đảo đèn thuộc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam.

Hành trình tiếp theo của chúng tôi là cụm đảo Sinh Tồn gồm các đảo: Sơn Ca, Len Đao, Cô Lin. Tàu thả neo cách đảo Gạc Ma khoảng 5 - 6 km. Lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ anh dũng hy sinh ngày 14/3/1988 bảo vệ đảo Gạc Ma và các chiến sĩ hi sinh vì biển đảo được tổ chức trang trọng. Trên kỳ đài có cờ Tổ quốc, bàn thờ, vòng hoa linh thiêng. Tôi chợt nhận thấy sau nền hoa văn trang trí là hình bóng Thiếu úy chỉ huy Trần Văn Phương ôm lá cờ Tổ quốc cùng 63 anh em siết chặt tay nhau như trụ tháp bất tử. Tiếng quân nhạc Hồn tử sỹ bi tráng vang lên trong không gian im lặng đến rợn người, tất cả bồi hồi, tiếc thương các anh đã ngã xuống trong trận hải chiến không cân sức giữa một bên là các chiến sỹ Việt Nam chỉ có vũ khí tự vệ, cùng cuốc xẻng xây dựng đảo với bên kia là những tàu chiến, đại bác hiện đại cùng giã tâm hắc ám.

Hơn 100 cán bộ và bộ đội dự lễ lặng lẽ, rơi lệ, tay run run thả những nhành hoa xuống biển gửi tới các anh lời tri ân của cả dân tộc: Thể phách gửi biển khơi, Nhân dân đời đời ơn nhớ; Linh hồn quy đất mẹ, Tổ quốc mãi mãi ghi công. Mới đây thôi mà 28 năm rồi, biển khơi mênh mông, các anh còn nằm đâu đó. Xin các anh phù hộ cho các thế hệ mai sau và nhắc nhở mọi người phải giữ trọn biên cương Tổ quốc Việt Nam.

Ấm tình quân dân

Tiếp tục hành trình ngày đêm, tàu đưa chúng tôi lần lượt đến thăm 11 đảo và nhà giàn DK1. Tới đảo nào cũng vậy, bộ đội đón chúng tôi rất thiện tình. Tại đảo Trường Sa lớn (thị trấn Trường Sa), bộ đội tổ chức chào cơ, diễu binh, giao lưu, liên hoan mặn có thực phẩm tươi sống do anh em tăng gia chăn nuôi và các sản phẩm cây nhà, lá vườn.

Tôi rất vinh dự là ủy viên thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Công đoàn GTVT Việt Nam, một trong những đại biểu lớn tuổi, cựu chiến binh được giới thiệu nói chuyện, giao lưu đến thăm bộ đội, các gia đình và anh em làm việc tại các đảo đèn biển: Nam Yết, Sơn Ca, Trường Sa… Anh em gác đèn phấn khởi chia sẻ: Điều kiện làm việc bây giờ tốt hơn trước nhiều. Tổng công ty rất quan tâm, hàng năm cử 3 - 4 chuyến tàu ra thăm, động viên, tiếp vận, anh em được nghỉ luân phiên về thăm gia đình, chế độ lương thưởng, các danh hiệu thi đua, phụ cấp đặc biệt đều đảm bảo. Ngoài ra, sống cùng với bộ đội, quân dân hòa đồng, các chuyến tàu ra thăm Trường Sa, bộ đội, nhân dân trong đó có anh em gác đèn đều có quà của đất liền.

Rời Trường Sa lớn, chúng tôi đến thăm các đảo và nhà giàn DK1. Sóng to, gió lớn và diện tích nhỏ hẹp, chỉ một số người lên được nhà giàn. Bộ đội phải nhường chỗ cho khách, các em rất phấn khởi vì nhà giàn nằm xa đảo vẫn được đón đoàn.

Đi thăm bộ độ, nhân dân Trường Sa, vì điều kiện đảo nhỏ và nhiệm vụ quốc phòng nên tàu Hải quân phải chạy suốt ngày đêm. Tới đảo nếu có cầu tàu thì đi bộ, chưa có cầu phải tăng bo thuyền nhỏ do bộ đội điều khiển và đẩy tay. Thời gian thăm hỏi, giao lưu chỉ kéo dài khoảng 1 - 2 tiếng, sau đó xuống tàu ngay.

Có một số đảo bố trí nhân dân ở, mỗi đảo 7 hộ được chính quyền trong đất liền xét duyệt trên cơ sở tự nguyện. Mỗi hộ ở một nhà rộng, thoáng 200 m2, Nhà nước hỗ trợ hàng tháng, các con được ăn học miễn phí. Các hộ dân đều phấn khởi.

Sau 18 ngày lênh đênh trên biển, thăm hỏi giao lưu với bộ đội và nhân dân Trường Sa, tàu Hải quân cập cảng Cam Ranh trong sự đón tiếp trang trọng, ân cần của Bộ Tư lệnh Hải quân. Chào tạm biệt các đồng chí lãnh đạo Hải quân, tôi nhớ mãi kỷ niệm Trường Sa, kỷ niệm Gạc Ma và thực sự với tôi, “say trên bờ không ngờ hơn say sóng”.

Kỷ niệm 28 năm ngày Hải chiến Gạc Ma 14/3/1988 - 14/3/2016

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.