Làm báo cùng Giao thông

Trường Sa nơi tôi đến

23/06/2018, 11:35

Mỗi người Việt Nam khi được đặt chân đến Trường Sa đều như được bồi đắp thêm tình yêu Tổ quốc.

các cháu thiếu nhi  đảo Trường Sa

Các cháu thiếu nhi tham gia một tiết mục văn nghệ giao lưu với khách tới thăm đảo Trường Sa

Lễ tưởng niệm trên biển 

Đúng 7h45 sáng, Đoàn công tác số 10 gồm lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, đại diện một số cơ quan báo chí trong đó có Báo Giao thông, Tổng cục Thuế-Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Quân chủng Hải quân do Chuẩn đô đốc Ngô Sỹ Quyết - Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân làm Trưởng đoàn xuất bến từ Quân cảng Cam Ranh - Khánh Hòa trên con tàu kiểm ngư KN 490. 

6 giờ 15 phút ngày 27/4/2018, trên sân boong tàu Kiểm ngư 490, Lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo tại quần đảo Trường Sa được trang trọng tổ chức.

Vùng biển mà cách đây 30 năm về trước, ngày 14/3/1988, đã diễn ra cuộc chiến đấu và hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sỹ hải quân nhân dân Việt Nam vì sự toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thân yêu.

Đoàn công tác số 10 chuẩn bị xuất phát tại cảng Ca

Đoàn công tác số 10 chuẩn bị xuất phát tại cảng Cam Ranh-Khánh Hòa

Trong giờ phút thiêng liêng, xúc động, Chuẩn đô đốc Ngô Sỹ Quyết - Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Trưởng đoàn công tác đã ôn lại sự hy sinh anh dũng trong cuộc chiến không cân sức giữa cán bộ, chiến sỹ các tàu vận tải và lực lượng công binh xây dựng đảo, trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng,  súng bộ binh với lực lượng tàu chiến hùng hậu của Trung Quốc có trang bị vũ khí hiện đại. Dù biết rằng có thể sẽ hy sinh nhưng các anh quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường, chiến đấu bảo vệ biển, đảo đến hơi thở cuối cùng.

Rất nhiều thành viên trong đoàn chúng tôi đã trào nước mắt. Giữa gió biển nắng rát, chưa bao giờ chúng tôi thấy Tổ quốc thiêng liêng như lúc này.

Binh nhất Tạ Văn Tuấn

Tác giả chụp ảnh lưu niệm cùng Binh nhất Tạ Văn Tuấn

Những chàng trai Thủ đô trẻ măng giữ đảo

Tại đảo Trường Sa Đông, tôi tình cờ gặp chàng trai binh nhất Đinh Văn Chức. Em sinh năm 1997, quê ở Phú Xuyên, Hà Nội. Chức nhập ngũ tháng 2/2017 và được phân công ra Đảo Trường Sa Đông tháng 1/2018. Nhà Chức có truyền thống quân đội, chú ruột và anh trai cũng phục vụ trong quân đội. Chức nói khi được cấp trên điều động ra Trường Sa Đông tâm trạng vừa buồn vừa vui lẫn lộn. Buồn vì phải xa đất liền nhưng vui, phấn khởi và hãnh diện khi được làm người lính hải quân canh giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình tới đảo An Bang. Ban chỉ huy đảo và các chiến sỹ ra đón tận chân cầu tầu. Tôi bắt chuyện với Tuấn, một chiến sỹ có vẻ trẻ nhất đoàn. Thật bất ngờ khi giữa bao la trùng dương tôi lại gặp tiếp một chàng trai Hà Nội. Tuấn sinh năm 1997 ở xã Ngọc Liệp, Quốc Oai. Tuấn tâm sự, em nhập ngũ tháng 2/2017. Hôm trước ngày ra đảo, em rất hồi hộp, nhất là khi được mang trên mình bộ quân phục hải quân. Tuấn cho biết, sau khi hết thời gian nghĩa vụ, em sẽ thi vào trường hải quân để có cơ hội là sỹ quan hải quân chuyên nghiệp.

các nghệ sỹ đoàn chèo Thái Bình giao lưu với chiến

Các nghệ sỹ đoàn chèo Thái Bình giao lưu với chiến sĩ Trường Sa

Gặp lính giao thông hàng chục năm bám đảo

Một vinh dự lớn lao, ý nghĩa với Đoàn công tác số 10 chúng tôi là được tham dự lễ kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng Trường Sa, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước ngay tại đảo Trường Sa lớn đúng vào ngày 30/4/2018. Cũng trong buổi tối đã diễn ra chương trình giao lưu văn nghệ đặc sắc, ấm áp tình quân dân giữa các nghệ sỹ, diễn viên đoàn chèo Thái Bình và cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo. Gần một chục cháu thiếu nhi, những mầm non trên đảo với khuôn mặt vui tươi, phấn khởi đã ca vang bài hát Ai yêu Bác Hồ Chí Minh, Như có Bác trong ngày vui đại thắng...

Biết trên đảo An Bang có ngọn hải đăng do TCT Bảo đảm An toàn hàng hải miền Nam quản lý, sau buổi tiếp đón chính thức, tôi vội sang ngay khu vực trạm hải đăng. Cùng là người giao thông, chúng tôi tay bắt mặt mừng như gặp người nhà. Anh Trần Quang Hải, Trạm trưởng cho biết, Đảo An Bang là đảo nổi cấp 3, có khí hậu vô cùng khắc nghiệt, nóng nhất trong tất cả các đảo, mùa Đông Bắc thì sóng lớn nước vỗ lên rất cao.

Đảo thường xuyên phải hứng chịu những cơn bão kinh khủng, cuốn hết mọi thứ như chảo ăng ten, dàn điện năng lượng mặt trời... nhưng anh em vẫn kiên cường bám trụ giữ đèn không bao giờ tắt.

Anh Hải sinh năm 1968, quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh, đã có gần 28 năm gắn bó với nghề. Anh nói tuy cùng nằm trên đảo An Bang nhưng chế độ sinh hoạt, ăn ở của anh em trạm hải đăng độc lập với đảo, anh em tự lo nước ngọt, tự trồng cây xanh, tăng gia sản xuất, chăn nuôi, trồng rau xanh để đảm bảo thực phẩm hàng ngày. Chỉ trong công tác thì phối hợp với cán bộ chiến sỹ đảo để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Năm 2017, tổ công đoàn Trạm hải đăng An Bang đã được Công đoàn GTVT tặng Bằng khen trong phong trào thi đua Lao động giỏi và công tác công đoàn.

Tiếp chuyện tôi, Nguyễn Hồng Minh, 40 tuổi, quê Hồng Bàng, Hải Phòng kể đã gắn bó 18 năm với các đảo đèn Trường Sa, mỗi trạm anh ở khoảng 8 - 9 tháng sau đó được nghỉ phép khoảng 2-3 tháng rồi tiếp tục nhận nhiệm vụ ở trạm hải đăng khác, gần đây nhất anh làm việc tại trạm ở đảo Tiên Nữ. 

trạm trưởng hải đăng An Bang Trần Quang hải (ngoài

Tác giả cùng trạm trưởng hải đăng An Bang - Trần Quang Hải (ngoài cùng bên phải)

"Báo thức toàn tàu, toàn tàu báo thức"

Đưa đoàn đến Trường Sa lần này là con tàu kiểm ngư KN 490 thân thương. Chúng tôi được sinh hoạt như những người lính. Đúng 5 giờ sáng hàng ngày, khẩu lệnh "Báo thức toàn tàu, toàn tàu báo thức" lại đều đặn vang lên. Mọi người nói với nhau rằng, về đất liền sẽ rất nhớ khẩu lệnh này và một số anh chị em đã thu lại âm thanh này để làm kỷ niệm.

Trong 9 ngày, chúng tôi được xếp hàng đợi phòng tắm lúc "giờ cao điểm", ăn sáng đúng 5 giờ 30 để 6 giờ ra đảo. Chúng tôi ngỡ ngàng và cảm động khi được Quân chủng Hải quân trang bị đầy đủ, không thiếu gì từ mũ cối, dép nhựa quai, cho đến xà phòng, dầu gội, bàn chải, kem đánh răng... đủ cho hành trình 10 ngày.

Và các thành viên trong đoàn công tác sẽ rất nhớ thuyền trưởng Lê Văn Dương, sinh năm 1985; thuyền phó Trần Văn Nhật, sinh năm 1988, tuy tuổi đời còn trẻ nhưng khiến cả đoàn vô cùng ấn tượng bởi sự quyết đoán, chuyên nghiệp. 

Suốt hải trình 9 ngày đêm với khoảng 2000 km trên biển, biển trời như chiều lòng đoàn công tác. Không có sóng to gió lớn, chỉ có những con sóng lăn tăn vỗ nhẹ thân tàu, để đoàn thực hiện đúng tuyến, đúng thời gian kế hoạch đề ra và an toàn tuyệt đối. Trung tá Vũ Hữu Khiêm, Phó phòng Tuyên huấn Quân chủng hải quân tâm sự, 10 năm đưa các đoàn công tác ra thăm Trường Sa nhưng chưa lần nào thời tiết thuận lợi, sóng yên biển lặng, hải trình thành công tốt đẹp như chuyến này.

"Cả nước vì Trường Sa"

Khoảng 22h ngày 30/4/2018, đoàn chúng tôi chia tay đảo Trường Sa. Khi đặt chân lên đảo Trường Sa vui mừng bao nhiêu thì giờ phút chia tay cán bộ, chiến sỹ và nhân dân sinh sống trên đảo lại xúc động, bịn rịn bấy nhiêu. Những cái bắt tay, những cái ôm thật chặt, những khúc hát chia tay tại cầu cảng quyến luyến, xúc động. Trên cầu cảng, các chiến sỹ trên đảo đồng thanh hô vang "Trường Sa vì cả nước" thì đáp lại nơi mạn tàu chúng tôi hét vang lồng ngực: "Cả nước vì Trường Sa". Và chúng tôi cùng hát vang bài "Khúc quân ca Trường Sa".

Đến với Trường Sa, chúng tôi cảm nhận được trong ánh mắt, trái tim mỗi người chiến sỹ ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Tất cả đều ý thức rất rõ ràng, được làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa là nhiệm vụ rất đỗi thiêng liêng. Nhớ đất liền, nhớ quê hương, nhớ mẹ cha, nhớ vợ con, nhớ người yêu nhưng tất cả các anh đã gác lại tình cảm cá nhân để bảo vệ từng tấc đất, biển đảo của Tổ quốc.

Giữa mênh mông sông nước, quần đảo Trường Sa hiên ngang, cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió. Mỗi người Việt Nam khi được đặt chân đến Trường Sa đều như được bồi đắp thêm tình yêu Tổ quốc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.