Khám phá

Truy tìm băng cướp “Cánh buồm đen” trên quần đảo hải tặc

19/02/2018, 07:35

Nhắc đến “Quần đảo hải tặc”, nhiều người không khỏi “lạnh sống lưng”...

110

Tác giả trên mô hình tàu cướp biển được tái hiện ở Hòn Tre Vinh

Nhắc đến “Quần đảo hải tặc”, nhiều người không khỏi “lạnh sống lưng” bởi nơi hoang đảo này từng là sào huyệt của những băng cướp biển khét tiếng cả vịnh Thái Lan. Đặc biệt là băng cướp “Cánh buồm đen” và kho báu để lại đã đi vào huyền thoại. Giờ cái tên “Quần đảo hải tặc” lại gợi sự tò mò, thích khám phá của du khách.

Vì sao có tên “Quần đảo hải tặc”? 

Theo lời truyền của những ngư dân cố cựu sống ở Hòn Tre, băng cướp “Cánh buồm đen” hoạt động vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Trên các tàu của băng cướp này thường treo cây chổi màu đen với thông điệp: “Quét sạch tàu qua lại”. Băng cướp này tích lũy được một số vàng bạc, châu báu lớn. Sau đó, thủ lĩnh băng cướp bí mật chọn một hoang đảo trong quần đảo chôn toàn bộ báu vật rồi cho người vẽ lại sơ đồ trên một tấm da… Sau khi băng cướp “Cánh buồm đen” tan rã, có người đã quy y sám hối nơi cửa Phật, tu trong chùa đến cuối đời trên đảo.

Khoảng năm 1950, một số ngư dân lên đảo sinh sống. Ngày 28/7/1958, một phái đoàn của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đến đặt bia chủ quyền ghi tên “Quần đảo hải tặc”.

Thực hư kho báu của băng cướp “Cánh buồm đen” chưa rõ, nhưng chính quyền địa phương đang lưu hồ sơ vụ hai người nước ngoài đột nhập trái phép vào vùng đảo này. Cụ thể, một buổi chiều tháng 3/1983, quân và dân xã Tiên Hải dùng tàu vây bắt hai người nước ngoài xâm nhập trái phép bằng canô nhỏ từ hướng vịnh Thái Lan vào Hòn Tre. Một người tên là Richard Charles Knight, quốc tịch Anh và người còn lại tên là Frederick Kurt Graham, quốc tịch Mỹ. Các cơ quan chức năng thu hai máy bộ đàm, hai máy chụp hình, một máy quay phim, một ống nhòm, nhiều bản đồ, hải đồ và dụng cụ khác…

Hai người này khai nhận đang trên đường đi tìm kho báu của người thân để lại trên “Quần đảo hải tặc” bằng những tấm bản đồ chỉ dẫn…

111

Cột mốc “Quần đảo hải tặc”

Dân xứ đảo tập làm du lịch

Hơn chục năm trước, từ TP HCM ra “Quần đảo hải tặc”, phải mất mấy ngày do thiếu tàu thuyền, nhưng giờ mọi việc thuận lợi hơn rất nhiều.

Hơn 22h, tôi lên xe giường nằm ở bến xe Miền Tây (TP.HCM, hơn 200.000 đồng/vé), ngủ một giấc. Sáng hôm sau có mặt ở bến tàu Hà Tiên (Kiên Giang) ăn sáng, uống cà phê khoảng 1 giờ, rồi lên tàu (khoảng 50.000 đồng/ vé) lênh đênh trên biển thêm khoảng 1 giờ 15 phút nữa đến Hòn Tre (hòn lớn nhất nằm trong “Quần đảo hải tặc”, nơi đặt trung tâm hành chính của xã Tiên Hải). Hiện, mỗi ngày có hai chuyến tàu sắt lớn, chở khách, hàng hóa từ Hà Tiên ra đảo và trở về. Riêng những ngày cuối tuần, lễ, Tết sẽ tăng chuyến…   

“Quần đảo hải tặc” có 16 hòn lớn, nhỏ nằm trong vịnh Thái Lan, cách đất liền khoảng 20km thuộc xã Tiền Hải, TX Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Trước đây, vùng này hoang vắng, địa hình hiểm trở, nằm trên tuyến đường biển quan trọng cho các tàu buôn. Cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, bọn cướp biển chọn làm nơi cư trú, ẩn nấp, mai phục tấn công các tàu buôn qua lại.

Chiếc cầu gỗ cũ nhỏ ngày nào, nay được thay bằng cầu cảng bê tông cốt thép rộng lớn. Hơn 10 năm trước, tôi đến Hòn Tre chỉ thấy vài nhà xây, còn lại rất nhiều nhà lá dựng tạm bợ. Nay, nhiều ngôi nhà mới khang trang, nền lát gạch men sáng bóng. Con đường đất, đá nhỏ xíu chạy dọc mép nước biển ngày nào nay được đổ bê tông, mở rộng cho cả xe tải nhỏ chạy bon bon... Chúng tôi ra đảo lần này gặp lúc bà con đang dọn dẹp, sơn mới lại nhà cửa sau mấy hôm di dời để tránh cơn bão 16 và chuẩn bị đón năm mới 2018.

Chị Minh, chủ nhà trọ Phương Thảo vừa đón khách, vừa vui miệng: “Tụi em mới tập làm du lịch kiểu dân quê, có gì không vừa lòng mong mấy hia, mấy chế (anh và chị) thông cảm, góp ý chân tình cho tụi em nhen...”. Chị Minh còn nhiệt tình dặn đứa con gái đầu lòng giới thiệu những con cá tươi ngon vừa câu dưới biển lên cho khách xem chọn nấu canh chua. Bữa cơm trưa được dọn ngay trên bờ biển, dưới những tán dừa xanh khiến du khách luôn miệng khen…

“Ở đây ngoài hải sản, cái gì cũng chở từ đất liền ra, kể cả ổ bánh mỳ và cục nước đá. Nhưng giá cả không đắt đỏ như nơi khác đâu nên mấy hia, mấy chế cứ “quất” cho thẳng bụng rồi nằm ngủ một giấc cho đã, chiều đi câu tôm, tối về nướng…”, chị Minh tiếp thị.

Anh Nguyễn Văn Bảo, du khách quận 7 (TP HCM) cho biết, đoàn của anh 5 người, thuê hai phòng ngủ lớn, ăn ba bữa sáng, trưa, chiều và cả cà phê, nước uống nhưng chỉ hơn 1 triệu đồng cho cả đoàn (phòng quạt máy, đảo chưa có điều hòa). Muốn đi một vòng quanh đảo bằng xe điện khoảng 20 phút, mỗi người chỉ tốn 20.000 đồng là được chiêm ngưỡng toàn bộ vẻ đẹp của đảo.

Suốt cả buổi chiều thuê ghe giá chỉ 500.000 đồng đi lặn ngắm san hô và câu cá ở một hòn đảo không người sinh sống, anh Nguyễn Văn Dũng, du khách đến từ Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, san hô ở đây nhiều màu sắc tuyệt đẹp, các nơi khác không thể sánh bằng. Hơn 1 giờ nhóm của anh Dũng gồm 6 người say sưa bắt con nhum và câu cá ở các rặng san hô, chiến lợi phẩm cả thùng cá mú và nhum nặng hơn chục ký. Anh Dũng dặn chủ nhà trọ đốt bếp lửa than, nướng để cùng nhóm bạn nhâm nhi…

Đột nhập sào huyệt băng cướp “Cánh buồm đen”

Trao đổi với PV, ông Phan Hồng Phúc, Chủ tịch UBND xã Tiên Hải cho biết, toàn xã có khoảng 500 hộ gia đình, khoảng 2.000 nhân khẩu. Hiện, vẫn còn một số nơi trên quần đảo chưa có người sinh sống. Trong năm 2017, đã có hơn 50.000 khách du lịch tham quan đảo.

Cũng theo ông Phúc, đàn ông trai tráng trên đảo trước đây phần nhiều làm nghề đánh bắt hải sản, phụ nữ ở nhà nội trợ. Vừa qua, xã đã tổ chức 4 khóa học làm du lịch theo kiểu homestay cho dân. Từ trước đến giờ, “Quần đảo hải tặc” chưa có điện lưới quốc gia, nhưng năm 2018 sẽ thi công lưới điện từ đất liền ra đảo.

Ông Phúc thông tin: Xã đang xây dựng trung tâm du lịch tại Hòn Tre, đầy đủ dịch vụ lặn biển, xem san hô, câu cá, mực… Đặc biệt, sẽ tái hiện mô hình những chiếc tàu, những tên cướp biển đã đi vào huyền thoại. “Đây là điểm nhấn bởi cái tên “Quần đảo hải tặc” đã đi vào huyền thoại, chúng tôi hy vọng du khách đến đây sẽ thích thú khi chụp hình lưu niệm với nhóm cướp biển đựợc tái hiện.

Theo dân đảo, nơi băng cướp “Cánh buồm đen” chọn làm sào huyệt nay là Hòn Tre Vinh. Từ Hòn Tre lớn, chúng tôi thuê tàu đánh cá của ngư dân “đột nhập” sào huyệt này. Đến gần bờ, một chiếc tàu màu đen dần dần lộ ra, trên tàu treo cờ đen, vẽ những chiếc đầu lâu trắng, những thanh kiếm nhìn rất rùng rợn.

Bỗng dưng có tiếng thét lớn: “Không được vào”! Sau một hồi thuyết phục, chúng tôi mới được cập bờ. Qua trò chuyện,“nữ chúa đảo” thông tin: Hòn Tre Vinh có diện tích khoảng 70.000m2 được một doanh nghiệp thuê làm điểm đến cho khách du lịch từ đất liền theo tour của khách sạn 3 sao tại Hà Tiên. Khách ra đây ăn trưa, tắm biển lặn san hô, chiều về lại đất liền. Khách hạng sang nên ông chủ hạn chế khách thông thường lên “sào huyệt” là thế…

Theo lời “nữ chúa đảo”, nơi đây hiện chỉ có ba người được chủ thuê trông coi, phục vụ khi có khách du lịch đến. Thuyền “cướp biển” cũng được tái hiện. Có thể nói, cảnh quan Hòn Tre Vinh tuyệt đẹp, biển xanh, cát trắng như những viên ngọc lấp lánh giữa đại dương. Chúng tôi rời “sào huyệt” khi hoàng hôn chuẩn bị tắt. Thời khắc này khiến hòn đảo trở nên thanh bình, lãng mạn và huyền bí vô cùng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.