Điện ảnh

Truyền hình đạt doanh thu khủng, bất chấp Covid-19

30/09/2020, 23:00

6 tháng đầu năm 2020, doanh thu của thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam đạt 4.400 tỷ, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

img
Thống kê số lượng thuê bao truyền hình phát sinh cước hàng tháng

Theo Báo cáo Hoạt động quản lý nhà nước lĩnh vực truyền hình trả tiền giai đoạn 2019-2020 của Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử (Cục PTTH&TTĐT) - Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện cả nước có 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền với 13,8 triệu thuê bao phát sinh cước phí hàng tháng.

Thống kê cho thấy, doanh thu năm 2019 của toàn thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam ước đạt 8.600 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu của thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam đạt 4.400 tỷ, tăng 5,7% so với con số 4.160 tỷ đồng ở thời điểm cùng kỳ năm ngoái. Số lượng thuê bao sử dụng dịch vụ tăng trưởng 27% so với cùng kỳ năm 2019.

Cục PTTH&TTĐT đánh giá, thị trường cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong giai đoạn 2019-2020 cơ bản ổn định. Tuy nhiên, doanh nghiệp quy mô nhỏ đang gặp nhiều khó khăn do chịu sự tác động của Covid-19. Do vậy, trong thời gian tới, một số doanh nghiệp có quy mô nhỏ có thể không vượt qua được khó khăn sẽ rút lui khỏi thị trường.

Ông Nguyễn Chấn, Trưởng phòng Quản lý dịch vụ (Cục PTTH&TTĐT) nhận định, trong giai đoạn vừa qua, thuê bao truyền hình truyền thống gắn với hạ tầng mạng viễn thông cơ bản bão hoà, thậm chí có xu hướng giảm nhẹ. Thuê bao truyền hình internet sẽ tăng trưởng mạnh cùng với sự phát triển của dịch vụ internet băng rộng. Song, loại hình này vấp phải nhiều thách thức, đặc biệt là tình trạng ăn cắp bản quyền trên mạng internet đang ngày càng gia tăng với nhiều phương thức tinh vi, phức tạp.

Đơn cử, trong năm qua, phía Cục PTTH&TTĐT đã xử lý 1 vụ việc vi phạm bản quyền, phối hợp các nhà mạng để chặn 28 website vi phạm bản quyền. Không dừng lại ở đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình internet trong nước còn đang phải chịu sức ép của dịch vụ truyền hình trả tiền xuyên biên giới như: Netflix, WeTV, Iflix...

Trước thách thức này, ông Lê Đình Cường, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình Trả tiền Việt Nam kỳ vọng, cần có biện pháp quản lý quảng cáo và doanh thu để yêu cầu các doanh nghiệp truyền hình xuyên biên giới chịu tác động quản lý một cách bình đẳng như các doanh nghiệp Việt Nam. “Hy vọng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2016 sắp ban hành sẽ giúp giải quyết được tình trạng trên”, ông Lê Đình Cường nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.