Văn hóa - Giải Trí

Truyền hình thực tế, miếng mồi ngon béo bở cho thương hiệu?

05/05/2016, 21:10

Với sự phát triển mạnh mẽ, truyền hình thực tế đang là miếng mồi ngon béo bở cho nhiều nhãn hàng, thương hiệu.

Truyền hình thực tế “sống” nhờ đâu?

Trước tình trạng truyền hình thực tế đang “làm mưa làm gió”, nhiều người cho rằng rồi cũng sớm rơi vào giai đoạn bão hòa. Nhưng từ đầu năm 2016 tới nay, việc các phiên bản mới liên tiếp lên sóng truyền hình đã cho thấy miếng bánh thị phần này vẫn cực kỳ hấp dẫn đối với các nhãn hàng và nhà tài trợ.

Điểm sơ qua đã có hàng loạt các chương trình thực tế đang được chiếu ở khung giờ vàng như: Thần tượng âm nhạc Việt Nam nhí, Tìm kiếm tài năng Việt Nam, Thần tượng Bolero, Song đấu, Bước nhảy Hoàn vũ, Gương mặt thân quen, Nhân tố bí ẩn, Hoa khôi Áo dài Việt Nam...

Và sắp tới đây, The Face - một chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm gương mặt người mẫu quảng cáo cho các thương hiệu Việt Nam của “ông trùm” Cát Tiên Sa cũng sẽ tiếp tục lên sóng.

1934594102015316078893784664665635688788071n_14588

The Face - chương trình truyền hình thực tế chuẩn bị lên sóng của nhà sản xuất Cát Tiên Sa

Nhìn vào mật độ các chương trình truyền hình thực tế phủ sóng dày đặcnhiều scandal liên quan, chẳng khó khăn để nhận thấy, công thức thành công của truyền hình thực tế đó là người nổi tiếng và scandal.

Khi áp dụng công thức này vào nhiều chương trình, nó không hề sai và dĩ nhiên, với những chương trình không có 1 trong 2 yếu tố, hoặc tệ hơn, chẳng có yếu tố nào “giữ chân” người xem thì cơ hội thành công gần như là con số 0. Vậy đương nhiên, các ông trùm truyền thông hay NSX chẳng dại gì mà thay đổi. Thậm chí, màu sắc scandal sẽ biến hóa khôn lường hơn.

Với The Face, hoàn toàn thấy cả hai yếu tố trên đều được ưu ái. Có thể thấy, nhà sản xuất đang lợi dụng chính những gương mặt nhiều scandal để tạo sự chú ý. Lượng fan hay antifan của những nhân vật ngồi ghế nóng kể trên cũng không hề ít, đó đã là một lợi thế lớn mà chương trình nghiễm nhiên có được.

Thứ nhà sản xuất cần ở đây là rating của chương trình là bao nhiêu, có thu được nhiều quảng cáo và đem về lợi nhuận như thế nào. Vì vậy, một bài toán khó luôn khiến các nhà sản xuất đau đầu đó là tìm kiếm các “mạnh thường quân” tài trợ cho chương trình. Một chuyên gia truyền thông cho biết: “Chỉ số rating sẽ được tổng hợp và chào hàng tới các doanh nghiệp sản xuất thương mại. Dựa trên đó, họ sẽ quyết định có tham gia quảng cáo hay không và có lẽ, không ai dại dột mà mang sản phẩm hay cụ thể hơn là tiền bạc của mình vào chốn không người”.

Theo bảng giá tính đến ngày 15/4/2016 của Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ Truyền hình (Đài Truyền hình Việt Nam), nhãn hàng phải bỏ ra từ 90 cho đến 260 triệu đồng cho một clip quảng cáo từ 10 - 30s lên sóng trong các chương trình truyền hình thực tế trong khung giờ vàng và ngày vàng.

Như vậy, tính ra sau hơn 2 giờ phát sóng, chương trình đã có thể thu về cả chục tỷ đồng (chưa trừ các chi phí). Như vậy, trước lợi nhuận khổng lồ như trên, việc doanh nghiệp đầu tư vào truyền hình thực tế là điều dễ hiểu.

bang gia vtv

Bảng giá của Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ Truyền hình (cập nhật ngày 15/4/2016)

Format độc đáo, nội dung hấp dẫn, người tham gia nổi tiếng, và cả những chiêu trò scandal đằng sau chương trình, đều nhằm mục đích chính là tăng rating (chỉ số người xem) cho chương trình. Số lượng và sự quan tâm của khán giả chính là thước đo quyết định giá quảng cáo lên hay xuống. Từ đó cũng gián tiếp quyết định sự sống còn của mỗi chương trình.

Nhà tài trợ “hốt bạc” nhờ truyền hình thực tế

Trong kinh doanh, lợi nhuận là trên hết. Trước khi đầu tư vào một chương trình truyền hình thực tế, các thương hiệu cần cân nhắc kỹ càng các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả: Ngoài nội dung và mức độ ăn khách, chương trình đó cần phải có sự phù hợp với tính cách, thông điệp của thương hiệu cũng như các hoạt động tương tác, hỗ trợ khác phải được tổ chức liền mạch và mang lại hiệu quả liên kết, để đảm bảo hoạt động truyền thông luôn đi đúng định hướng và mục tiêu.

Cái lợi ở đây thì ai cũng thấy rõ. Không thể phủ nhận nhờ những rùm beng ì xèo mà nhiều cuộc chơi đang thiếu người xem, doanh thu quảng cáo lẹt đẹt bỗng tăng rating vùn vụt. Nhiều chiến thuật quảng cáo có thể gây ra những phản ứng trái chiều với đủ những khen - chê, thán phục - nghi ngờ nhưng vẫn đạt được mục đích ban đầu là càng nhiều người biết đến thương hiệu càng tốt vẫn được các nhãn hàng sử dụng, thông qua nhiều kênh, từ chính thống tới lan truyền.

Ví dụ, scandal dàn xếp kết quả của Giọng hát Việt 2012 là một trong những scandal đình đám nhất. Và đương nhiên, nhà tài trợ không dại gì mà không đáp ứng nhu cầu tăng giá của chương trình ngay sau khi scandal lên đến đỉnh điểm. Càng không dại mà rút lui. Bởi lẽ scandal - clip của Giám đốc Âm nhạc Phương Uyên - đã đẩy tỉ lệ người xem lên cao, đẩy sự tò mò và hiếu kỳ của đám đông lên đến tột đỉnh. 

Suy cho cùng, không có nhà tài trợ nào bỏ cuộc chơi đầu tư tiền nong vì chiều theo khán giả. Bởi họ “đánh hơi” thấy từ trong những ồn ào dư luận chính là tiềm năng marketing vô cùng lớn. Khán giả ghét Ban Giám khảo - cũng được, ghét người chơi - chẳng sao cả, chỉ cần chương trình không “nhạt như nước ốc” - là được.

Và trong khi cư dân mạng dậy sóng thì họ đang ngồi ung dung với tỉ lệ các spot quảng cáo dày đặc trước, trong và sau chương trình. Sự thất bại về tên tuổi đôi khi lại là sự thành công của nhà tài trợ cũng như nhà sản xuất. Nghi vấn dàn xếp lết quả, tin đồn tình ái của các thí sinh, màn kịch xin rút lui, câu tiền tin nhắn... tất thay đều phục vụ tận tình cho việc “rút hầu bao” khán giả cũng như thu hút một lượng quảng cáo lớn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.