Xem - ăn - chơi

Truyện ngắn: Chiếc ví nhặt được

25/11/2018, 10:05

Luân dọn đồ xong trời sập tối, vội vã giục vợ con nhanh còn về quê để sáng mai giỗ cụ.

4

Hình minh họa

Trên đường đi vợ chồng Luân tính tạt qua siêu thị mua hộp sữa cho con. Đang đi với tốc độ khá nhanh bỗng Luân phanh gấp, cúi xuống nhặt chiếc ví rơi dưới đường đưa cho vợ. Xuân ngồi sau xe chồng, một tay ôm con đang ngủ gật một tay mở chiếc ví ra. Một chiếc ví rách bươm những lớp nilon bên trong, lép kẹp. Xuân lẩm bẩm “ví người ta vất đi anh nhặt làm gì”. Nhưng rồi kéo khóa ngăn ví khác chị bỗng nhìn thấy mấy tờ năm trăm ngàn mới cóng. Cú sóc ổ gà làm bé Na giật mình gọi mẹ trong cơn ngủ gật, Xuân vội vàng vòng tay ôm con. Nhét chiếc ví vào túi xách đeo bên hông, Xuân khoác lại áo cho con vì sương bắt đầu xuống nhiều.

Đường đê hun hút gió sông, Xuân chìm vào nỗi lo toan tiền bạc với trăm khoản cần chi. Đời người khó khăn nhất là lúc mua đất làm nhà. Bao nhiêu khoản phát sinh ngoài dự tính, để dở dang thì không được mà cố quá sợ thành quá cố. Dạo này Xuân hay mất ngủ, cứ đêm đến nằm vắt tay lên trán nghĩ ngợi cho đến sáng chẳng thể nào chợp mắt nổi. Gối đầu giường là cuốn sổ ghi các khoản chi tiêu, khoản nợ. Vợ chồng Xuân ở nhờ nhà ngoại lúc làm nhà. Cứ tầm bốn rưỡi sáng là Luân dậy để xuống nhà trông coi thợ cũng là lúc Luân lay vợ dậy hỏi tiền. Tiền công thợ, tiền gạch, tiền xi măng sắt thép cho đến tiền mua đinh, dây buộc, tiền cơm trưa mỗi ngày… Nếu Xuân chưa kịp xoay xở để có tiền đưa, Luân bực tức đá thúng đụng nia khiến cả nhà thức giấc.

Luân mở chiếc ví nhặt được khi đã ngà ngà rượu. Anh xé hết những mảnh nilon rách trong ví, lục hết ngăn trong ngăn ngoài. Mười tờ năm trăm ngàn mới cóng, Luân lẩm bẩm “tiền này sắc lắm, cứa đứt tay như chơi”. Luân úp xấp tiền lên trán, hỏi vợ:

- Tiền nhặt được là tiền của mình đúng không vợ?

- Là tiền của người ta. Mình đi chợ đánh rơi mười nghìn còn thấy xót nữa là năm triệu. Biết hoàn cảnh người ta thế nào? Có khi cũng túng bấn như vợ chồng mình hiện tại thì sao?

- Nhưng giấy tờ tùy thân không có, biết ai mà trả.

- Mình muốn trả là trả được thôi mà. Người ta sẽ đăng tin tìm ví trên trang facebook của thị xã. Mà cái thị xã này đâu có rộng lớn gì, chẳng nhẽ không tìm ra chủ nhân cái ví mà trả sao anh.

Luân nằm vật ra giường lẩm bẩm than ngày mai chưa có tiền ứng cho thợ cửa. Chỗ xi măng lấy sau để lát sân họ cũng gọi đòi mấy lần, khất nữa cũng ngại. Cô giáo lớp con cũng giục đóng tiền ăn, tiền học, tiền đồng phục, tiền bảo hiểm. Đủ các loại tiền thúc giục mà trong nhà chẳng còn đến vài trăm nghìn. Chỗ nào vay được cũng đều đã vay. Giờ chỉ còn nước cắm sổ đỏ lấy tiền để trang trải hoàn thiện nốt căn nhà. Nhưng Xuân không muốn vay ngân hàng vì sợ khoản lãi phải trả mỗi tháng. Vay anh em họ hàng lúc không có còn khất được, cũng chẳng ai lỡ lấy lãi lờ gì. Mà Xuân có bao nhiêu tiền, trang sức đều đã bán để mua đất làm nhà cả rồi. Giờ nhà không chỉ là nơi ăn chốn ở mà còn là tài sản duy nhất để phòng thân. Tính Xuân hay lo xa, lúc khỏe mạnh phải lo cho lúc bệnh tật, ốm đau. Đời người ai tránh khỏi những lúc khốn cùng. Nếu đến cái nhà cũng cầm cố ngân hàng nhỡ lúc vợ chồng con cái chẳng may bệnh nặng thì biết phải xoay xở thế nào. Gia đình hai bên nội ngoại đều khó khăn, nếu không có bạn bè thương thì có khi Xuân chẳng dám xây nhà. Đời Xuân luôn được cưu mang bởi lòng tốt ở đời. Lúc ngã có người nâng, sai lầm có người bao dung, nghèo khổ có người dang tay bao bọc. Nên Xuân không muốn làm bất cứ điều gì phải áy náy với lương tâm. Xuân phải sống tử tế thì mới nuôi dạy được con cái nên người.

- Em rơi túi xách mấy lần mà có thấy ai trả lại đâu?

- Bởi vậy nên mỗi lần rơi túi xách là em khóc sưng cả mắt vì tiếc của. Mấy đêm không ngủ được vì mong ngóng sẽ có ai đó trả lại mình.

Trong lúc Luân còn mải nhìn số sê ri các tờ tiền thì Xuân kiểm tra các giấy tờ trong ví. Không có bất cứ giấy tờ tùy thân ngoài mấy tờ giấy mỏng tanh được gấp lại gọn gàng. Kết quả siêu âm tim thai, phiếu xét nghiệm máu và mấy tờ đơn thuốc ghi ngày “3/10/2018”. Cuối cùng Xuân tìm thấy một tờ giấy cầm đồ mà mặt hàng thế chấp là chiếc xe máy Wave với số tiền năm triệu đồng trong thời hạn mười ngày.Xuân đoán đây là ví của một người đàn ông đưa vợ đi khám thai hoặc là đi đẻ. Vậy thì số tiền kia rất có thể sẽ là tiền viện phí, tiền chăm nuôi người đẻ mà anh ta phải cắm xe mới có. Ý nghĩ ấy khiến Xuân thấy mủi lòng. Mấy năm trước, lúc sắp sinh bé Na Xuân đã từng không có một đồng tiết kiệm nào để đi đẻ. Làm ăn thua lỗ, nhà trọ cũng phải trả vì không đủ tiền thuê. Vợ chồng Xuân bỏ phố về quê nương nhờ nhà ngoại. Nhưng biết bao biến cố cùng ập đến khiến hai bên nội ngoại đều lâm vào cảnh khó khăn. Luân đi làm trong khu công nghiệp lương tháng đầu chẳng được là bao. Chi tiêu trong gia đình còn không đủ nói gì việc chắt bóp để dành. Nên buổi sáng hôm sinh bé Na nhà không còn một đồng. Rỉ nước ối mà Xuân vẫn còn đi vòng vòng ngoài sân kêu với hàng xóm “cháu biết lấy tiền đâu đi đẻ?”. Bà hàng xóm thương tình dúi cho mấy trăm đi đường. Đồ của con chẳng mua thứ gì mới cả, ai cho gì dùng nấy. Mẹ phải bán con lợn cuối cùng trong chuồng để lấy tiền trả viện phí. Giờ nghĩ lại thấy bây giờ tuy nợ nần nhưng cũng chưa chắc đã khổ bằng lúc bụng mang dạ chửa còn ngay ngáy lo không có tiền đi đẻ. Xuân thở dài khi nghĩ đến một người đàn bà nào đó có thể cũng đang rơi vào hoàn cảnh như mình. Khi mấy triệu tiền đi đẻ chồng cũng làm rơi mất. Mà gái đẻ lo nghĩ nhiều thì không có sữa. Đứa trẻ vừa ra đời có khi đã khát dòng sữa mẹ. Cũng có thể do Xuân đa cảm quá.

Bé Na đang ngồi trong bọc mẹ, thấy bà nội đi vào thì hí hửng khoe:

- Bà ơi bà. Chiều nay bố mẹ cháu nhặt được chiếc ví tiền này. Cô giáo cháu dạy “nhặt được của rơi phải trả lại người đánh mất” đúng không bà?

- Đúng rồi. Cháu của bà ngoan lắm.

Luân hình như có hơi giật mình. Anh quay sang hỏi vợ:

- Những giấy tờ gì vậy? Mà sao em cứ ngẩn người ra thế?

- Toàn là giấy khám thai, giấy xét nghiệm trước khi sinh thôi anh ạ.

- Ví nam thì chắc là của ông nào đưa vợ đi đẻ đây mà.

Xuân đưa chồng xem tờ giấy cầm đồ. Luân thở dài, nhét lại số tiền vào trong ví, lẩm bẩm bảo:

- Đến mấy đồng đi đẻ mà cũng làm rơi. Em đăng lên mạng xem có ai nhận lại không?

Xuân nhìn đồng hồ đã mười một giờ đêm. Mải lúi húi dọn dẹp Xuân không nghĩ đã muộn đến vậy. Giờ này là chủ nhân cái ví chắc là đang buồn chán. Có khi còn tất tưởi xoay xở khắp nơi để bù vào số tiền đánh mất. Mà nếu xoay xở được thì có khi đã chẳng phải cắm xe. Người vợ nằm trong viện có khi đang ôm con, gạt thầm nước mắt. Đời người đàn bà buồn tủi là lúc nằm trên bàn đẻ còn nghĩ chuyện tiền nong. Xuân phải mau tìm cách trả lại cho họ chiếc ví này cùng toàn bộ số tiền. Giá mà có địa chỉ rõ ràng thì chiều mai Xuân sẽ tìm đến tận nơi trả họ. Mấy tờ giấy nhét trong ví chỉ ghi tên tuổi mơ hồ. Thôi thì Xuân cứ thử xem sao, cùng lắm thì ngày mai lần theo địa chỉ ở hiệu cầm đồ. Mà chắc gì ở hiệu cầm đồ ghi địa chỉ của ai. Đến cắm xe rồi cầm tiền về, đến ngày mà không chuộc thì mất xe. Ai quan tâm làm gì người đến cầm đồ quê quán ở đâu. Hay là đến bệnh viện thị xã dò hỏi? Bệnh viện thì đông thế, đến cả trăm bệnh nhân, họ bận bịu suốt ngày thì liệu có ai chịu giúp Xuân tìm kiếm một cái tên?

Xuân vừa dỗ con ngủ vừa viết status tìm chủ nhân chiếc ví. Rồi ôm con ngủ quên trong lúc chờ một phản hồi từ facebook. Nửa đêm Xuân thức giấc bởi tiếng điện thoại rung, mở ra đã thấy ba tin nhắn mới được gửi từ số điện thoại lạ. “Chị cho em xin lại ví”. “Chiều nay em vào viện chăm vợ đẻ, ví đút túi quần bị rơi lúc nào không biết”. “Trong ví có giấy tờ khám thai của vợ em tên “Trần Thị Lành” và năm triệu đồng toàn tờ năm trăm mới. Chị cho em xin lại”. Xuân muốn soạn một cái tin gì đó thật dài nhưng nhớ ra người đang nhắn với mình là đàn ông. Họ không quen những lời cảm thông, chia sẻ. Họ chỉ cần tìm thấy cái ví với toàn bộ số tiền trong đó. Nên Xuân nhắn gọn lỏn “mình đang đi ăn giỗ dưới quê. Trưa mai về thị xã mình sẽ trả. Yên tâm”. Xuân tắt điện thoại nằm ôm con nhưng mãi không ngủ được. Chỉ mong cho mau sáng, công việc ở quê chồng xong xuôi để có thể trả lại chiếc ví. Của người ta đánh rơi, Xuân nhặt được để phải ôm gánh nặng trong lòng. Bởi vì Xuân hiểu được nỗi khổ của phận người.

Ba giờ chiều, trời nắng như đổ lửa, người mất ví tìm đến nhà Xuân. Đó là một chàng trai trẻ, tầm tuổi em út Xuân chứ mấy. Cậu ta đứng ngấp nghé ngoài cửa, trên tay ôm một thùng sữa. Nhà bề bộn quá, đồ đạc chồng đống, đất cát còn vương vãi khắp nơi. Bộ ấm chén cáu bẩn Xuân còn chưa kịp rửa. Loay hoay còn chưa biết mời khách ngồi chỗ nào thì cậu khách bảo:

- Em ngồi đâu cũng được mà chị. Mà thật ra em cũng vội đi chị ạ.

- Vào viện chăm vợ đẻ à?

- Vâng. Vợ em sinh đêm qua. Mổ đẻ nên vẫn còn đau lắm.

- Chúc mừng vợ chồng em nhé. Hai mẹ con đều khỏe là vui rồi. Cứ nhìn con là khó khăn nào cũng vượt qua.

Xuân mang chiếc ví trả lại cho chủ nhân của nó mà quên không kịp hỏi xem cậu ta tên gì. Luân đi làm về nghe kể lại thì trách vợ:

- Em không kiểm tra giấy tờ rồi hãy trả. Biết đâu cậu ta lại chẳng phải chủ nhân của chiếc ví thì sao?

- Ừ nhỉ, em cũng quên mất. Nhưng mình làm việc đúng, chắc cũng chẳng ai lỡ lừa mình.

Xuân nhìn vào góc nhà, có thùng sữa cậu ta cứ nhất quyết để lại bảo “làm quà cho cháu nhà chị”. Nắng chiều hắt xéo một vệt dài qua đường. Quanh chỗ Xuân ngồi không thấy gì ngoài bụi. Xuân đứng dậy cầm chổi thong thả quét, chẳng mấy chốc mà ngôi nhà sẽ sạch bong. Xuân sẽ bắt đầu cuộc sống mới ở nơi này với bao nhiêu hy vọng…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.