Xem - ăn - chơi

Truyện ngắn: Một khúc đàn cầm

06/05/2018, 06:46

Tháng 3 năm 1813, trên đường dẫn đầu đoàn sứ bộ sang Trung Hoa, Nguyễn Du trở lại đất Thăng Long.

38

Ảnh minh họa

Thăng Long thuở ấy phảng phất nét u hoài của một kinh thành cũ. Kể từ khi nhà Nguyễn dời đô về Phú Xuân, chốn kinh kì vốn sầm uất bỗng trở nên thưa vắng người qua lại. Những phủ đệ thênh thang với lầu son gác tía, những hội hè tế lễ tấp nập ngựa xe, tất cả chợt tan nhanh như giấc mộng. Lúc đoàn sứ bộ đi ngang qua nền đất cũ từng có dinh cơ của phụ thân là quan Đại tư đồ Nguyễn Nghiễm, Nguyễn không khỏi bàng hoàng như mình vừa từ một giấc mộng lớn bước ra.

Đoàn sứ bộ chỉ dừng chân lại Thăng Long được một ngày. Chiều hôm đó, Nguyễn ăn vận thường dân, tay cầm quạt lụa, thong thả đi dạo quanh Giám hồ. Đây là nơi 20 năm trước Nguyễn từng lưu lại nhân ra thăm người anh là Nguyễn Nễ đang làm quan cho Tây Sơn. Khi đó Tây Sơn còn đang thịnh, hội hè yến tiệc tưng bừng suốt đêm, một góc Giám hồ đèn hoa rực rỡ. Thế mà qua một cơn gió bụi phút chốc đã chẳng còn gì, người xưa đến thăm cảnh cũ lòng không khỏi ngậm ngùi tiếc nuối.

Từ gian quán trọ trống trải ven hồ, một người đàn ông tuổi khoảng ngũ tuần, tóc búi tó bằng khăn lụa mộc, chậm rãi bước ra chào Nguyễn:

- Phải chăng vị khách phương xa đang muốn tìm chỗ nghỉ?

Nguyễn mỉm cười đáp lễ rồi nói:

- Giá như ngài nói câu này sớm hơn thì hẳn ta sẽ gật đầu. Nhưng giờ đây ta đã trót dấn thân lên đường, muốn dừng lại e cũng không được nữa.

- Tôi nghe Đức Phật dạy rằng, mỗi chúng ta đều là một khách lữ hành đi ngang qua cõi trần bụi bặm. Gặp gỡ rồi chia ly, tan rồi lại hợp, đi mãi rồi cũng có lúc dừng, tất cả đều là duyên tiền định chẳng thể nào tránh được. Vậy sao ngài không vào đây uống cùng tôi một chén trà.

Người chủ quán rót trà vào chiếc chén nhỏ làm bằng đất nung, thứ trà mạn ngược pha bằng nước mưa đun nhỏ lửa, ánh lên một màu xanh biếc. Nguyễn nâng chén trà mà thấy nao nao.

- Ngài chủ quán đây quả là người lịch duyệt. Phải, ta đến từ một nơi rất xa và còn phải đi xa nữa, nhưng trên chặng đường dài dằng dặc đó ta chỉ có một mình mà nỗi nhớ quê hương không lúc nào vơi được.

- Xin cho phép kẻ tiểu nhân này nói thật.Trông ngài không những giống một người lữ hành đơn độc mà giống một vị trích tiên bị lưu đày xuống cõi trần ai. Nhưng dù sao ngài vẫn còn một chốn xa xôi để nhớ, còn tôi sống trên đất Thăng Long này mà không lúc nào nguôi nỗi nhớ Thăng Long.

Cả hai người cùng lặng lẽ nhìn ra phía xa. Dưới ánh tà dương, những gợn sóng ven hồ nhuốm màu đỏ ối. Bên kia hồ Giám là Vọng Nguyệt đài, xa hơn nữa là Cố cung, giờ đây một dải tàn thành cỏ lấp. So với mấy trăm năm hưng vong của kinh thành thì một đời người thật ngắn ngủi. Đứng giữa đất trời lại càng thấy đời người ngắn ngủi biết bao.

Nguyễn trầm ngâm như tự nói với chính mình:

- Lưu lạc trong cõi phong trần đâu chỉ có mình ta.

Phía trước con đường mòn chợt có hai người sai nha cưỡi ngựa đi tới. Họ buộc ngựa vào gốc liễu ven hồ rồi bước vào cung kính chào Nguyễn:

- Bẩm đại nhân, quan Phó sứ Thiêm sự Bộ lại Trần Văn Đại xin mời ngài về phủ. Tối nay Tổng đốc Hà thành tổ chức bữa tiệc tiễn đưa đoàn sứ bộ, xe ngựa đang chờ.

Nguyễn gấp chiếc quạt lụa trên tay, quay sang phía người chủ trọ khẽ nói:

- Lần này trở lại Thăng Long được gặp ngài quả như gặp một người bạn cũ. Giờ đã đến lúc phải cáo từ, xin hẹn ngày tái ngộ.

* *
*

Khi đoàn sứ bộ đến nơi Tuyên phủ đã được trang hoàng lộng lẫy. Bên ngoài đại sảnh treo bốn ngọn đèn lồng lớn bọc bằng giấy đỏ, bên trong mỗi góc phòng lại có một giá đồng trên cắm mười hai cây nến trắng. Bàn ghế trải bằng lụa điều đỏ thắm, bát đĩa cốc chén bằng sứ sáng bóng, xem ra chẳng thua gì yến tiệc trong cung. Dự tiệc có đủ mặt các quan viên lớn nhỏ của Hà thành, lại mời thêm đội nhạc có hơn 30 người. Tiếng hát, tiếng đàn, những lời chúc tụng nối nhau không ngớt.

Bỗng một khúc đàn cầm trong trẻo nổi lên dường như đưa Nguyễn ra khỏi giấc mơ. Quan khách dự tiệc đều dừng chén, nhìn về phía cuối góc phòng. Người gảy đàn là một ca nữ đã già, hình dong tiều tụy, áo quần xơ xác, ngồi khuất sau đám người mặt hoa da phấn. Duy chỉ có tiếng đàn của nàng là không thể lẫn vào đâu được, lúc dịu dàng như nước chảy, lúc xạc xào như gió thoảng qua cây, lúc lại buồn bã như một tiếng thở dài trong đêm thăm thẳm. Từng âm thanh cứ thổn thức ngân lên giữa căn phòng, vỡ òa trong trái tim của Nguyễn. Tuổi trẻ ở Thăng Long. 10 năm gió bụi đất Thái Bình. Tháng ngày làm quan mà đau đáu nhớ quê hương. Nguyễn đặt cốc rượu trên tay xuống bàn. Một giọt rượu tràn ra, sóng sánh.

Người ca nữ dừng đàn. Nàng nhìn Nguyễn. Nguyễn nhìn nàng. Một khoảnh khắc trôi qua.

“Lẽ nào đại nhân còn nhận ra tiện thiếp?”

“Có một người vừa nói với ta rằng, mọi sự trên đời đều là cơ duyên. Phải chăng tất cả chúng ta đều bị ràng buộc bởi chữ duyên đó. 20 năm trước ta tình cờ nghe được khúc đàn nàng gảy trong bữa tiệc bên Giám hồ, 20 năm sau quay lại tiếng đàn vẫn không đổi khác. Chỉ có điều giờ nàng gảy đàn giữa kinh thành tàn lụi, người nghe đàn xưa tan tác chẳng còn ai. Nếu không có khúc nhạc vừa rồi biết có nhận ra nhau nữa hay không”.

“Thiếp từ khi vật đổi sao dời lưu lạc chốn phong trần, sương gió nắng mưa thật không kể xiết. Những tưởng phải ôm mối sầu hận này đi hết kiếp hồng nhan lận đận, nào ngờ còn có ngày được gặp lại đại nhân. Tiếng đàn tri âm chỉ cần một người tri âm thôi cũng đủ.”

Người gảy đàn đó chính là nàng Nguyễn Cầm, bậc kì nữ phong lưu của kinh thành Thăng Long thuở trước. Nàng học đàn từ năm 9 tuổi, đến năm 13 tuổi trở thành cung nữ trong hậu cung vua Lê, tài đánh đàn nổi tiếng khắp trong triều ngoài phủ. Nhưng cuộc sống giữa cung vàng điện ngọc không được ấm êm mãi mãi. Nhà Lê suy vong, quân Thanh kéo vào, Tây Sơn dẹp loạn. Sau bao cuộc binh biến can qua đội nữ nhạc hoàng cung phiêu dạt mỗi người một hướng. Nàng Cầm trở về cùng mẹ già ở một túp lều nhỏ mé Tây kinh thành Thăng Long, đem những khúc cung phụng trước kia vẫn dành cho vua nghe gảy trong dân gian để lần hồi kiếm sống.

Nguyễn Du đã gặp nàng vào quãng năm 1793, một lần trong bữa dạ tiệc linh đình của các quan tước Tây Sơn và một lần tại nhà của người anh trai là Nguyễn Nễ. Nàng không những đàn hát hay mà còn múa khéo, lại có cốt cách cao sang khác hẳn nhi nữ thường tình. Sau đó thì phong yên nổi dậy, Tây Sơn sụp đổ, Nguyễn Nễ cùng gia quyến trốn khỏi kinh thành, Nguyễn Du lưu lạc suốt 10 năm gió bụi ở quê vợ Thái Bình rồi về ở ẩn trên Hồng Lĩnh. Nàng Cầm cũng tiếp tục ôm đàn trôi dạt khắp nơi. Không ngờ 20 năm sau Nguyễn gặp lại nàng tại Thăng Long trên đường đi sứ sang Trung Quốc.

“Trên vầng trán đại nhân có nhiều nếp nhăn u uẩn, lẽ nào cuối cùng đại nhân vẫn không được vui, khi giờ đây đường hoan lộ của đại nhân đã thênh thang rộng mở. Đại nhân đã có chỗ đứng vững chắc chốn quan trường”.

“Nàng nhầm rồi. Đất trời rộng lớn thế này ta đi mãi vẫn không tìm được chốn dung thân, nàng cũng không có một chốn để dung thân, nàng bảo ta không đau lòng sao được. Cuộc đời đầy rẫy bất công, ngang trái, đầy những chiến tranh rồi chết chóc, đói kém rồi dịch bệnh. Người tài hoa chính trực bị vùi dập, kẻ cơ hội tàn nhẫn ngóc đầu lên. Tại sao ta không thể rũ bỏ tất cả mà đi. Tại sao ta cứ phải ràng buộc mình mãi thế?”

“Năm xưa trong bữa tiệc tại nhà Nguyễn Nễ đại nhân, đại nhân nói rằng, tất cả bọn họ đều tỉnh chỉ một mình thiếp say. Giờ tất cả bọn họ say cả rồi thì một mình đại nhân phải tỉnh. Cũng như tiện thiếp đây nhiều lúc ngẫm mình lại thấy cay đắng cho mình, muốn đập nát cây đàn cầm này đi để kết thúc một đời hồng nhan bạc phận. Nhưng thiếp hiểu, chừng nào còn sống chừng đó thiếp vẫn còn phải gảy những khúc bi thương này, đó là định mệnh không thể nào rũ bỏ. Đại nhân, đại nhân hiểu rõ hơn ai hết là dù có rời bỏ chốn phồn hoa đô hội để về ở ẩn nơi lâm tuyền thì lòng đại nhân có thanh thản được không?”.

“Nàng nói đúng. Ta sẽ đi tìm sự thanh thản trong cõi lòng mình, tìm sự bình yên trong phong ba bão táp. Nàng không đáng thương. Ta không đáng thương. Không có bậc tài hoa lỡ vận nào đáng thương trên cõi đời này cả. Trước kia nàng bị coi là bông hoa điểm trang cho bữa tiệc. Giờ hãy nhìn xem khi bữa tiệc đã tàn đèn hoa đã tắt thì người còn lại là ai. Hãy gảy đàn tiếp đi, nàng Cầm. Nếu không phải hôm nay thì chắc chắn mai sau, hậu thế sẽ có người hiểu được tiếng lòng ta như tri âm tri kỷ”.

Nàng Cầm gảy khúc đàn thứ hai. Nguyễn khẽ nâng chén rươụ. Lần đầu tiên, Nguyễn ngạc nhiên nhận ra rượu lại nồng đến thế. Nguyễn xuống núi làm quan từ khi vua Gia Long lên ngôi, thoạt tiên là Cai bạ Quảng Bình, sau đó dịch đi chuyển lại mãi đầu năm nay có chỉ triệu về kinh thăng hàm Cần Chánh Đại học sĩ rồi cử đi sứ Trung Quốc. Quê hương đã xa lại càng xa. Mấy người anh em của Nguyễn, sau khi cha là Nguyễn Nghiễm qua đời, nhất là sau khi huynh trưởng Nguyễn Khản mất, mỗi người lưu lạc một phương. Không biết rồi đây ai sẽ về thắp nén hương trên phần mộ tổ tông nơi quê nhà Hà Tĩnh. Tuổi Nguyễn cũng đã ngũ tuần vậy mà vẫn dặm dài rong ruổi, cuộc đời dâu bể tang thương ai biết trước được ngày mai.

“Tại sao đại nhân lại khóc?”

“Nàng hãy vì ta mà gảy khúc “Phượng Cầu”.

“Tại sao?”

“Đó là khúc nhạc đoàn viên sum họp, khúc nhạc cho những kẻ tha hương cô độc một mình. Xưa Tư mã Tương Như gảy khúc “Phượng cầu” mà gặp được Trác Văn Quân, để đất Lâm Cùng trở thành nơi dừng chân cho một đời phiêu bạt. Nay nàng hãy gảy khúc “Phượng Cầu” cho một kẻ sắp đi xa mong sớm có ngày trở về quê hương bản quán”.

Sáng hôm sau, đoàn sứ bộ lên đường tại cổng thành phía Bắc. Trông lên quan ải bụi cuốn mù trời. Người ta kể lại rằng, năm 1814 trên đường về Nguyễn Du cũng dừng lại Thăng Long. Người chủ quán trọ bên Giám hồ đã mất còn nàng Cầm không rõ đi đâu. Kể từ đó Nguyễn không bao giờ nghe đàn nữa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.