Xem - ăn - chơi

Truyện ngắn: Thêm mùa trái ngọt

09/12/2018, 09:05

Thư ứa nước mắt khi nghĩ về sự đơn độc tàn khốc của tuổi già nên đã bàn với Phan đón mẹ lên...

Minh họa truyện ngắn

Ảnh minh hoạ

Cái ao nằm sau vườn dâu, rộng năm mét, dài bảy mét và sâu đến ngực Phan. Trước đó ao để thả cá và nuôi vịt đàn. Mỗi năm thu được hai tạ cá, nuôi ba trăm vịt đẻ. Tiền bán trứng trừ tiền giống má và thức ăn thì lãi chẳng được là bao. Bà cụ coi như lấy công làm lãi, chăm chút thêm cho bớt nhàm chán tuổi già. Chứ thật ra nguồn thu chính của bà là vườn dâu tằm rộng cả mẫu. Mùa lá thì nuôi lấy chục nong tằm, tằm chín đến đâu bán túc tắc cho dân làng đến đó. Mùa quả bán cho mấy cửa hàng rượu dưới thành phố, còn đâu con dâu ngâm siro bán dần qua mạng. Năm nào được mùa, được giá, bà chả lo tiền thuốc thang lại còn để dư ra đút lợn cho thằng cháu đích tôn. Nó ở dưới thành phố lâu lâu mới về thăm quê nội một lần. Nhìn con lợn đất môi má hồng hào, nó thích lắm cứ ôm chạy vòng quanh nhà mấy lượt. Giờ con lợn đất nằm đó bụi bặm phủ đầy. Tiếng bước chân thằng nhỏ cũng chỉ còn vang trong ký ức. Ngôi nhà vốn vắng vẻ giờ càng thêm thưa thớt người về. Vườn dâu chín rũ ngoài kia bà không buồn gọi người đến hái. Bà không dám bước ra vườn để tránh nhìn thấy cái ao. Nơi đã nhấn chìm thằng nhỏ năm tuổi của bà ngập sâu dưới nước. Để đêm nào bà cũng nghe thấy tiếng nó vùng vẫy trong tuyệt vọng. Hôm đó, bà còn mải hái dâu…

Cứ vài tháng, Phan lại bắt xe về thăm bà cụ một lần. Anh mang theo ít quần áo, dầu gió, thuốc bổ và đồ ăn sẵn mà Thư đã chuẩn bị đầy đủ. Bà nhìn đống đồ, khẽ đưa tay dụi mắt, miệng run run hỏi “cái Thư còn giận mẹ lắm đúng không?”. Phan không nói gì vì biết có giải thích cả trăm lần bà cụ vẫn cứ giữ mãi trong mình thứ mặc cảm tội lỗi ấy. Làm sao để bà hiểu sự ra đi của bé Bo là tai nạn. Thằng bé đã được đến thế giới của những thiên thần nên người ở lại vẫn phải tiếp tục sống cho ra sống. Phan vỗ về nỗi đau của mình cũng đã đủ kiệt sức huống hồ còn phải ôm thêm nỗi đau của người mẹ già, người vợ trẻ. Căn nhà ba gian âm u, lạnh lẽo này từng là nơi đầy ắp tiếng cười mỗi lần sum họp. Giờ mạng nhện giăng đầy, tiếng mọt cọt kẹt nghiến gỗ phát ra từ khắp các ngõ ngách trong nhà. Tưởng như chúng có thể chiếm hữu và đục ruỗng căn nhà. Chỉ cần một cơn gió lớn cũng có thể làm đổ sụp nơi này. Phan ngồi ngoài hiên ngó tóc mẹ màu mây lơ thơ những sợi buồn câm nín. Lá khô bay từ ngõ vào sân, cỏ dại mọc lên tận những bậc thềm phủ rêu trơn trượt. Áo mẹ phơi phất phơ ngoài gió phần phật giữa nền trời u ám cuối thu. Tưởng như nếu mẹ khoác tấm áo đó lên người thì cả cơ thể gầy gò sẽ tan theo sương đêm nắng sớm ngấm trên từng sợi vải. Lúc thằng nhỏ còn sống, chẳng ai có thời gian để ý đến khung cảnh xung quanh. Dắt nó tập đi ở góc sân kia, trông nó chơi tha thẩn ngoài đầu ngõ, ngó nó cắm cúi nghịch ngoài vườn. Mọi thứ trở nên sinh động và tươi vui hơn. 

Phan vào bếp, xếp lại đống củi dâu khô đổ tung bành. Bếp ga sắm bao năm nay bà cụ không dùng cứ lem luốc củi lửa nhìn đến tội. Cơm nguội để lâu đã khô khốc rời rạc, nồi cá kho mặn chát cháy đen sì đáy. Trứng gà quả nào cũng loãng, mớ rau cải để héo queo trên chạn. Sờ vào chum thì gạo hết, động đuối mắm cũng chẳng còn gì. Mẹ đã sống đầy đọa bản thân mình đến mức này ư? Mắt Phan cay xè, anh cảm thấy tim mình đau từng cơn một. Thằng nhỏ mất đã ba năm rồi, nỗi đau nhẽ ra đã có thể nguôi ngoai. Nhưng hai người đàn bà trong gia đình cứ luôn muốn đánh thức nỗi mất mát ấy bằng sự giày vò không đáng. Phan mường tượng ra cảnh mẹ già lầm lũi sớm tối một mình, nhà nằm gần sông gió thổi tứ bề đều lạnh. Sáng nay, lúc về đến đầu làng, có người níu Phan lại thì thầm to nhỏ. Họ nói tuần trước chẳng hiểu sao bà cụ tha thẩn đi ra ao. Bà lội xuống ao, cứ lội ra giữa cho đến khi gần chìm nghỉm thì may quá có người sang xin lá dâu tằm chữa hen suyễn nhìn thấy liền hô hoán mọi người đến cứu. Phan rùng mình trước những tai họa bất ngờ ập đến. Đớn đau làm bà cụ lẩn thẩn rồi. Nên lúc ăn cơm xong Phan bàn với mẹ:

- Con tính gọi người lấp cái ao đi. Đằng nào cũng không thả cá và nuôi vịt nữa.

- Biết vậy lấp nó từ vài năm trước có phải…

Bà cụ buông thõng câu nói bằng một tiếng thở dài héo hắt. Bà thừa biết cái ao có được lấp đất bằng phẳng thì cũng không sao lấp được hết ký ức đau buồn. Bà vẫn sẽ nghe thấy tiếng đứa cháu bé nhỏ quẫy đạp trong tuyệt vọng. Chắc hẳn nó đã hoảng sợ gọi “bà ơi”. Nhưng gió sông thổi ù ù bên tai, tiếng lái buôn mặc cả giá dâu ràn rạt. Bà đã không nghe thấy tiếng kêu cứu thảng thốt của thằng nhỏ vì vẫn mải hái dâu. Nước ao mùa thu lạnh buốt. Lúc vớt lên cơ thể thằng nhỏ tím bầm. Đã nhiều lần bà muốn ào xuống mặt nước ôm lấy thằng nhỏ vào lòng…

Phan nói sẽ lấp ao để trồng cây. Hoa trái dịu ngọt biết đâu sẽ làm vơi đi phần nào nỗi đau của lòng người. Mảnh đất đó không cần thêm bất cứ giọt nước mắt nào cũng đủ mặn chát rồi. Phan muốn nơi thằng bé nằm xuống là vùng đất lành ôm ấp giấc ngủ sâu của nó. Cái hố sâu hoắm trong lòng người rồi cuộc sống sẽ lấp đầy bởi những niềm vui. Nếu không tin vào những điều tốt đẹp như thế thì Phan biết phải lấy gì làm động lực mà sống tiếp mỗi ngày…

Đã lâu Thư không về quê chồng bởi chị sợ chạm vào những ký ức đau buồn. Thằng nhỏ từng là cuộc đời, là hơi thở chị. Chín tháng mười ngày vật vã trong cơn nghén chị vẫn không quên cảm giác hạnh phúc khi có con tồn tại bên đời. Giờ ăn món gì cũng nghĩ tới con. Đêm ngủ vẫn quờ tay che chắn để con không lăn xuống đất. Ba năm không đủ để quên những thói quen bao bọc. Mới đầu mùa thu đã lôi áo rét cũ của con ra giặt lại thơm tho. Nhưng mấy hôm trước Phan mang chúng vứt hết đi rồi. Đống đồ chơi của con cũng không còn nữa. Phan thu dọn, lau chùi mọi thứ khỏi tầm mắt Thư chỉ càng làm chị đau đớn đến tận cùng. Sáng đi chợ thấy người ta bán ít bòn bon chị nhớ ra thằng nhỏ khoái món này ghê lắm. Thấy bà cụ bán mấy xâu cá rô đồng mà ước chi thằng nhỏ còn sống, chị sẽ mua về rán ròn rụm ăn cả xương nhai kỹ. Lần nào đi qua hàng bánh giò nóng hổi cũng tưởng như có bàn tay bé xíu níu mình lại: “Mẹ ơi, Bo thèm ăn bánh giò”. Chỉ chừng đó thôi cũng khiến Thư không muốn bước vào chợ. Gặp chỗ nào cũng đứng chùng chình dù không biết mua chi. Có lần, thấy chị như người mất hồn, người ta hỏi có mất gì không? Chị khẽ lắc đầu nặng nhọc bước đi, không lẽ nói với người dưng rằng tôi không mất tiền, mất gạo mà mất đứa con mình thương yêu đứt ruột. Về đến nhà, xắn tay vào bếp nấu món canh là thấy lời thằng nhỏ: “Mẹ nhớ bỏ muối tôm”. Lúc cắm cơm là thấy nhắc: “Mẹ nhớ cho nhiều nước”. Ăn cơm xong là thấy lời thủ thỉ bên tai: “Mẹ đừng quên uống thuốc”. Ngay cả khi vùi trong chiếu chăn để chìm vào giấc ngủ cũng thấy có bàn tay bé nhỏ ôm lấy lưng mình cười khúc khích. 

Vì trời thương nên năm nay vợ chồng Thư đã có tin vui. Một sinh linh bé bỏng vừa đến ngủ trong lòng chị. Em của Bo đã thay anh đến vỗ về những trái tim đã chịu quá nhiều mất mát. Hôm đi siêu âm vừa nghe tiếng tim thai Thư đã trào nước mắt. Niềm hạnh phúc này Thư đã từng một lần có trong đời. Rồi cũng từng có lần ôm Bo điên loạn gào thét dí sát tai mình vào ngực con chỉ mong nghe thấy được nhịp tim hồi tỉnh. Sẽ thật bất công với đứa con bé bỏng vừa đến bên đời, nếu chị cứ luôn nghĩ đến đứa con đã mất. Nhưng Thư không biết làm sao để tim đừng nhói đau lúc ghé vào hàng ô mai Hồng Lam, lúc gọi với theo gánh hoa quả bán rong để mua vài cân cóc. Ngay cả cơn nghén cũng giống nhau đến lạ. Nên lúc đứng nhìn tiếc nuối lọ muối tôm Tây Ninh trong siêu thị Thư đã nghĩ hồi mang bầu Bo mình đã nhịn được cơ mà, ăn cay đâu có tốt. Tội nghiệp Phan không cả dám hét lên vui mừng khi lần đầu thấy em Bo đạp. Đến cả những mường tượng tương lai cũng dè dặt vì sợ lỡ chạm vào đâu đó khiến Thư chạnh lòng buồn. 

Những ngày có con bên đời, Thư bỗng thương mẹ chồng nhiều hơn. Những chuyện đã xảy ra chị chưa bao giờ trách mẹ. Nhưng suốt khoảng thời gian ba năm qua, chị không thể gồng mình mạnh mẽ để an ủi, động viên người khác. Đàn bà không thương nhau thì còn thương ai. Thư còn trẻ nên còn thời gian để quên lãng đớn đau nhưng bà cụ thì không. Càng về già tâm tư sẽ càng héo hắt, muốn trút bỏ cũng khó lòng. Thư gọi điện về quê chỉ nghe thấy bên kia tràn ngập gió. Như nghe thấy cả cái lạnh đầu mùa đang tràn về khắp không gian. Thư gọi điện đúng lúc bà cụ đang ăn cơm. Chị tưởng tượng ra cảnh bà ngồi giữa nhà, bên mâm cơm chỉ có nồi cá kho và bát canh mồng tơi lõng bõng. Hình như bà đang bị nghẹn, thói quen ăn cơm nguội Thư nói hoài không được. 

Bà luôn bảo ở có một mình nấu một bữa ăn hai. Cơm canh lúc nào cũng nguội tanh, nguội ngắt. Cuộc gọi kết thúc rồi mà trước mắt Thư vẫn hiện ra hình ảnh bà khom lưng ngồi gỡ xương cá trong buổi tối nhá nhem. Có đôi khi bà không buồn bật điện, sống lầm lũi đã tạo thành một thói quen khó bỏ. Thư ứa nước mắt khi nghĩ về sự đơn độc tàn khốc của tuổi già nên đã bàn với Phan đón mẹ lên thành phố. Mặc dù Phan nói đúng, chắc gì bà cụ đã chịu đi. Còn mồ mả tổ tiên, khói hương cúng giỗ…

Phan về quê thấy mấy hàng na trồng trên nền đất lấp ao đã cao đến đầu gối, cành lá tươi xanh. Mấy năm nữa là tha hồ hái những trái chín ngọt thơm. Bà cụ nhìn cây càng thêm nhớ đến người. Phan nói: “Thư sắp sinh rồi, chúng con nhờ mẹ lên chăm sóc ít ngày”. Bà cụ khẽ quệt nước mắt, lật đật ra sau nhà ngó mấy ổ gà đẻ nhặt thêm ít trứng. Chọn hai con gà béo nhất nhốt sẵn để mang cho con dâu. Bà tính nhờ hàng xóm thỉnh thoảng sang nhà, thắp nén hương lên bàn thờ ông cho đỡ lạnh lẽo. Đến nửa đêm, khi đã lên giường nằm bà vẫn còn ngồi dậy mò mẫm ra vườn chặt lấy ít roi dâu. Bà sợ sáng ra vội đi có khi quên, xuống thành phố kiếm đỏ mắt mà nhiều khi không có. Cành dâu vừa để dựng quanh nhà vừa để bà tiện lấy chiếc vòng dâu nhỏ xinh cho cháu nội đeo vào tay xua đuổi tà ma. Bà cứ lục đục trong buồng chuẩn bị hết thứ này đến thứ khác. Phan nằm ở ngoài nhà khẽ nhắc “ngủ thôi mẹ, mai đường dài sẽ mệt…”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.