Xem - ăn - chơi

Truyện ngắn: Tiếng đàn đau

07/04/2018, 08:46

Cậu đã quá chai lỳ trước mọi thái độ “trên tiền” của thượng đế, phận hát rong, chẳng khác ăn mày, ăn xin...

39

Ảnh minh họa

Gắt gỏng đến lần thứ bốn, thứ năm, thấy Đạt vẫn nằm ườn trên giường, anh Công sinh nghi, lại gần, đặt tay lên trán Đạt, hạ giọng: “Mày ốm à? Nhưng đầu đâu có nóng!”. Anh làm như hễ ốm là đầu phải nóng. Đạt gạt tay anh, nằm lật sấp vào trong, mắt vẫn nhắm nghiền nhưng miệng lại thở dài chán nản: “Em không ốm, chỉ là không muốn ăn. Anh cứ ăn trước đi, kệ em!”. Anh Công dài giọng, bực bội hơn cả lúc quát vừa nãy: “Kệ em! Kệ em! Nói thế mà cũng nghe được. Kệ em!”, Đạt chợt thấy lòng mềm lại. Người lo lắng cho cậu hết lòng giờ đây chỉ có anh Công. Hai anh em nương nhau mà sống đã gần chục năm rồi. Người dưng mà hơn cả ruột rà, máu mủ. Mọi hôm đi làm về, Đạt và anh vẫn rủ rỉ chuyện trò. Hôm nay, bỗng dưng cậu dở chứng nằm lì, hỏi không nói, gọi không thưa, trách gì anh chả cáu. Nhất là khi đếm tiền xong, thấy tối nay thu nhập hơn hẳn mọi tối khác, mà Đạt vẫn cứ có cái vẻ chán đời, bất cần khó hiểu. Nhìn gương mặt lầm lầm giận dữ của anh Công, Đạt thấy mình cư xử không phải với anh. Cậu ngồi dậy, vươn vai, lấy vẻ mặt tươi tắn nhất có thể để ngồi xuống mâm cơm muộn. Nhưng anh Công vẫn thỉnh thoảng liếc xéo sang cậu dò xét với vẻ không yên tâm một chút nào.

Làm sao Đạt có thể nói chuyện này với anh Công được, dù rằng hai anh em đã không giấu nhau bất cứ điều gì. Tối nay, lúc hát bên trong quán nhậu lớn nhất thành phố biển này, Đạt được một khách hàng luống tuổi, đầu hói và bụng phệ ra hất hàm: Có hát được bài gì mà “ở hai đầu nỗi nhớ, yêu và thương sâu hơn” không? Nhìn xấp tiền khách thả vào chiếc hộp đặt trên chiếc loa thùng, Đạt gật đầu nhè nhẹ. Gần 10 năm lang thang đi hát kiếm tiền ở quán nhậu, cậu đã quá chai lỳ trước mọi thái độ “trên tiền” của các thượng đế. Phận hát rong, cũng chẳng khác ăn mày, ăn xin là mấy. Có điều, lời đề nghị ấy làm tim Đạt nhói lên một thoáng. Ngày xưa, khi còn yêu nhau, Ngân đã bao lần nũng nịu đề nghị Đạt ôm ghi ta hát bài hát ấy. Em bảo: Sao giống chúng mình ghê anh nhỉ! Đúng là ở hai đầu nỗi nhớ! Hai trường đại học nằm hai đầu thành phố.

Ngày ấy, mỗi khi ôm đàn say sưa hát cho Ngân nghe, Đạt đã thấy cả thế giới này không có ai hạnh phúc bằng mình.

Nhưng 23 tuổi, làm sao Đạt lường trước được những bất trắc của cuộc đời. Khi cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp đại học là khi Đạt mất Ngân vĩnh viễn. Ngân bảo: Chúng mình phải chia tay thôi! Không phải em không còn yêu anh nữa, nhưng cả quê anh quê em, nhà anh và nhà em đều nghèo xơ xác thế, chúng mình lấy nhau sống bằng gì?

Chỉ ít lâu sau, Đạt đã được bạn bè báo tin rằng, Ngân chuẩn bị lấy chồng. Chồng Ngân đã có một đời vợ, già lắm nhưng giàu lắm. Làm kinh doanh nên tiền của chẳng thiếu gì, chỉ thiếu vợ trẻ đẹp và có học thức thôi. Ngân kiêu hãnh bước vào cuộc sống như mơ trong khi Đạt nước nuốt mắt vào trong. Bạn bè thương Đạt và chửi Ngân tham vàng bỏ ngãi. Nhưng Đạt chỉ chua chát bảo Ngân không có lỗi. Cô ấy có quyền chọn cho mình một cuộc sống sung sướng, nhất là khi cô ấy có nhan sắc thế. Lỗi ở đây là do Đạt. Do Đạt quá nghèo, do Đạt quá ngây thơ tin vào cái thứ gọi là tình yêu...

Éo le thay, hôm bố mẹ Đạt làm mâm cơm kính cáo họ hàng, Tổ tiên về chuyện thằng con trai cả đã ra trường, nhận bằng tốt nghiệp đại học, cũng chính là hôm Ngân xúng xính váy cưới bước lên xe hoa. Thằng bạn thân cùng phòng thông báo cho Đạt tin ấy đúng lúc Đạt chuẩn bị cùng bố mang con gà, đĩa xôi ra miếu thờ thành hoàng làng làm lễ tạ. Đạt lén ra sau nhà, gạt vội hai giọt nước mắt chát mặn vừa lăn, đứng lặng như hóa đá chừng vài phút rồi lại quay vào, sửa soạn đồ lễ cùng bố. Từ lúc đó, Đạt thấy tim mình cũng như hóa đá. Và rồi bao nhiêu năm sau này, anh vẫn không thể rung động trước bất cứ cô gái nào.

Đạt vừa so dây đàn, bắt đầu cất lên tiếng ca đầu tiên thì cô gái đi cùng người đàn ông hói đầu bụng phệ ngoảnh mặt lại. Cô ta ngồi quay lưng ra phía cửa quán nên từ lúc vào, Đạt không nhìn thấy mặt. Đến khi cô quay lại, Đạt giật mình, câu hát ngắt làm đôi. Chỉ mấy giây ngắn ngủi thôi, Đạt lấy hơi hát tiếp, nhưng trong đầu anh như vừa có một tiếng nổ kinh hoàng, khiến mọi giác quan tê liệt. Ngân đấy! Ngân đang ngồi trước mắt Đạt kia. Ngân đang ngồi bằng xương bằng thịt và người đàn ông bụng phệ, hói đầu đang ân cần gắp thức ăn cho Ngân và hình như đang ân cần hỏi Ngân câu gì đấy. Chỉ một thoáng hai ánh mắt chạm nhau, nhưng Đạt biết Ngân cũng đã nhận ra mình. Mà giả sử Ngân không quay lại, bài hát ấy, giọng ca ấy cũng thừa đủ để Ngân nhận ra anh. Bốn năm yêu nhau, Đạt đã hát cho Ngân nghe bài hát này không biết bao nhiêu lần. Đây là bài hát Ngân yêu thích nhất. Từ khi mất Ngân, từ khi lang thang với nghiệp hát rong quán nhậu, Đạt đã tuyệt nhiên không hát lại bài này. Nhưng nay anh hát là vì ông khách yêu cầu. Ông khách bụng phệ, hói đầu với một nắm tiền mệnh giá lớn thả vào hộp gỗ của hai anh em Đạt. Tiền nhiều như thế yêu cầu hát bài gì mà Đạt chả hát.

Anh Công không nhận ra điều gì bất thường lúc ấy, ngoại trừ câu hát đầu tiên của Đạt bị nghẹn ngắt giữa chừng. Thậm chí, cậu hát còn da diết hơn mọi ngày. Cũng phải thôi! Biết bao nước mắt, biết bao tủi hờn dồn lại trong bấy nhiêu năm, giờ vỡ bùng ra trong những câu hát xa xót và ai oán. Ngân cũng không thể ngờ lại có ngày gặp Đạt trong tình huống oái oăm này. Hai vợ chồng Ngân chắc là đi du lịch. Ở thành phố du lịch sầm uất này, khách du lịch lúc nào cũng nườm nượp. Họ đến với một phong cách rất riêng, nhất là những khách du lịch thật lắm tiền. Còn Đạt, hiện diện trước mắt Ngân là một kẻ hát rong, cho dù là kẻ hát rong lịch sự với quần âu và sơ mi trắng đi chăng nữa, cũng vẫn là kẻ dưới tận cùng xã hội. Chắc Ngân cũng đang tự hỏi vì sao Đạt không trở thành một kỹ sư, một chuyên viên văn phòng, một công chức Nhà nước mà lại là một kẻ hát rong lang thang khắp các nhà hàng, đường phố thế này. Ngân làm sao hiểu được! Cũng như Đạt đã từng không hiểu nổi vì sao mà tình yêu đột ngột tan vỡ, vì sao mà Ngân thay lòng đổi dạ nhanh đến thế. Bạn bè nói chỉ vì tiền… Có thật là chỉ vì tiền không?

Hát xong bài hát ấy, Đạt định bảo anh Công đi ra, nhưng vị khách đầu hói bụng phệ chưa chịu buông tha. Ông ấy lại ra, lại thêm mấy tờ tiền nữa và lại thêm yêu cầu hát hai bài nhạc vàng rất sến. Hát thì hát. Sau nỗi xa xót ban đầu, Đạt lại thấy lòng mình đóng băng. Như thể người ngồi ngay trước mắt Đạt kia không phải Ngân mà là một người hoàn toàn xa lạ. Như thể cái ông khách hào phóng hói đầu bụng phệ kia không phải chồng Ngân, không phải là người đoạt được Ngân từ vòng tay Đạt, mà chỉ là một tảng đá vô tri. Hát như thể ngay từ kiếp trước, Đạt đã mang thân phận hát rong đường phố chứ không phải là một cử nhân đã từng tốt nghiệp một trường đại học lớn gần 10 năm về trước. Anh Công vô tư khen Đạt hát hay hơn mọi ngày và hào hứng trước món tiền thưởng lớn. Rốt cuộc, vợ chồng Ngân rời quán sớm hơn Đạt nhiều, khi thức ăn trên bàn vẫn còn quá nửa chưa đụng đũa.

“Thằng này, hình như hôm nay mày bị làm sao ấy”, anh Công vẫn cứ nhìn lom lom vào mặt Đạt, thắc mắc. Chắc tại anh thấy Đạt trệu trạo nhai cơm như nhai rơm. Hôm nào cũng vậy, giờ làm việc buổi chiều của hai anh em bắt đầu từ 15h. Trước khi vác đồ nghề ra phố, hai anh em làm tạm lưng cơm nguội để có sức mà hát với hò. Đêm về mới bắt đầu lúi húi nấu nướng. Bữa tối nào cũng khuya lắc khuya lơ. Ngoại trừ những hôm trời mưa gió, quán sá đóng cửa sớm vì khách nhậu thưa thớt. Về đến nhà là đói mèm nên cả hai anh em đều ăn ngon miệng lắm. Can cớ gì hôm nay Đạt uể oải thế kia? Nhưng Đạt không thể nói với anh Công được.

Ngày ấy, lang thang bao tháng ngày không xin được việc, Đạt đã tính buông xuôi. Thôi thì về quê cùng bố mẹ làm ruộng, nuôi lợn và nuôi cá. Ở đâu cũng thấy nói muốn xin được việc thì phải mất rất nhiều tiền để mà lo lót. Tiền thì Đạt không có. Rất nhiều tiền lại càng không. Bố mẹ đều là nông dân, dưới Đạt lại còn hai đứa em đang học phổ thông. Ở quê Đạt, mọi người đều coi việc đầu tư cho con đi học đại học là cách để cho bố mẹ, con cái đổi đời. Cũng chính những ý nghĩ về bố mẹ đã bao lần ngăn Đạt không dại dột làm liều. Đạt phải có trách nhiệm với bản thân, với bố mẹ, với cả khoản nợ ngân hàng bố mẹ thế chấp nhà cửa để vay cho Đạt đi học đại học bốn năm đằng đẵng… Một lần, tiếng đàn hát của anh Công vẳng đến. Tự dưng trong đầu Đạt lóe lên ý định xin anh Công cho đi hát cùng. Cậu vốn là cây văn nghệ của trường, của lớp ngày xưa… Cùng cảnh nghèo lại cùng quê miền Trung cơ cực, anh Công nhận lời cưu mang Đạt. Nhất là khi thấy Đạt có giọng hát trời ban, rất hợp với “nghề”. Hai anh em cứ thế dựa vào nhau mà sống. Thu nhập của nghề hát rong không tồi, nhất là khi gánh hát của hai anh em nổi tiếng ở thành phố du lịch này là hát hay nhất, chịu chơi nhất. Tháng tháng Đạt có tiền gửi phụ giúp bố mẹ trả nợ và nuôi hai đứa em ăn học.

Có điều, với cha mẹ, với họ hàng, làng xóm, Đạt vẫn đóng vai là một công chức Nhà nước, mỗi năm chỉ về thăm quê một lần duy nhất được hai ngày. Chỉ thằng em trai kế sau Đạt là biết sự thật trong lần nó nhảy xe vào thăm anh đột ngột. Hai anh em ôm nhau khóc tròn buổi tối. Rồi Đạt bắt em giữ kín sự thật để bố mẹ không phải đau lòng. Thằng em sau đó nhất định đòi bỏ học, đi làm công nhân, không ai ngăn nổi. Nó nói riêng với Đạt: Em sợ học xong đại học lại như anh. Thà đi làm công nhân kiếm tiền ngay bây giờ còn đỡ mất thời gian. Đạt không can em mà vận động bố mẹ đừng từ mặt thằng em tội nghiệp nữa. Nó có quyền đi con đường riêng của nó, miễn không phạm pháp hay hư hỏng. Nhưng Đạt biết, bố mẹ vẫn rất đau lòng. Ông bà cứ lấy Đạt làm gương cho hai đứa con sau. Ông bà mong chúng cũng học đại học, cũng ra trường đi làm Nhà nước như Đạt để bố mẹ mở mặt, mở mày, chứ đi làm công nhân thì cũng khác gì làm nông nghiệp ở quê.

Ánh mắt thảng thốt lúc chiều của Ngân cứ xát muối vào lòng Đạt, dầu cho anh tự nhủ đã quên chuyện cũ rất lâu rồi. Ngân nghĩ gì khi ấy? Chắc Ngân vẫn tưởng Đạt đang sống yên vị một cuộc sống bình lặng như biết bao người, dẫu không giàu có thì cũng yên ổn. Chắc chẳng bao giờ Ngân nghĩ ra nổi hoàn cảnh éo le này. Đạt dọn dẹp bát đũa xong cũng là lúc anh Công lôi cây đàn ra, thử lại dây để mai lại tiếp tục công cuộc mưu sinh. Đạt giằng lấy cây đàn trên tay anh Công, gảy bừa lên dây đàn những động tác vô nghĩa. Tiếng đàn nức nở òa lên đau đớn!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.