Hồ sơ tài liệu

Truyền thông biến dạng khi phản ánh về xung đột dải Gaza

07/08/2014, 12:00

Báo chí của các quốc gia phương Tây và Mỹ không ngần ngại dành sự hậu thuẫn cho Israel nhưng cuối cùng người ta nhận ra rằng Israel lần này đã thua thực sự trong cuộc chiến truyền thông.

Xung quanh cuộc chiến ở dải Gaza, một cuộc chiến khác cũng diễn ra không kém phần mạnh mẽ là cuộc chiến truyền thông. Báo chí của các quốc gia phương Tây và Mỹ không ngần ngại dành sự hậu thuẫn cho Israel nhưng cuối cùng người ta nhận ra rằng Israel lần này đã thua thực sự trong cuộc chiến truyền thông.

Loay Mudhoon, chủ biên tờ Quantara.de – một đối tác lớn của Tập đoàn truyền thông Đức DW đã có bài viết nhận xét về sự biến dạng của truyền thông nước này quanh cuộc tấn công lần này của Israel nhằm vào Hamas. Quantara cũng là tổ chức ủng hộ xúc tiến quá trình đối thoại với thế giới Hồi giáo. Đây là quan điểm riêng của Loay Mudhoon đánh giá cách nhìn thiên lệch của truyền thông Đức về cuộc xung đột gần 30 ngày qua ở Gaza.

Gaza hoang tàn sau những trận pháo kích
Gaza hoang tàn sau những trận pháo kích

Nền dân chủ duy nhất ở khu vực Trung Đông đang chiến đấu chống lại những tên khủng bố? Có thật vậy không? Báo chí Đức thường vẽ ra bức tranh nhìn từ một phía và quá sơ sài về xung đột thực sự giữa người Israel và Palestine.

Những tít bài kiểu như “Lãnh đạo Hamas trong tầm ngắm”, “Cuộc chiến chống lại những kẻ cuồng tín người Palestine”, “Sự thù ghét dành cho Hamas”, “Cuộc chiến của Israel chống lại Hamas”… phủ kín những tờ báo lớn nhỏ ở Đức để mô tả cuộc xung đột quân sự mới nhất ở khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, quan điểm nhìn nhận như vậy là có vấn đề bởi nhiều lí do.

Điều rõ ràng nhất là ở đây không tồn tại một sự cân bằng: cả hai bên tham chiến đều bắn tên lửa vào nhau và thực tế rằng trong quá trình xung đột, rất nhiều người dân vô tội của cả 2 nước đã thiệt mạng tuy nhiên việc đó là không thể tránh khỏi. Cao hơn hết là sự xâm lược của quân đội Israel vào dải Gaza đã khiến cuộc xung đột ở đây leo thang lên một mức độ mới.

Dân thường Palestine là nạn nhân chính

Sự thật là người dân không có khả năng chống đỡ ở dải Gaza đang phải chịu đựng tổn thất nhiều nhất do bạo lực không ngừng. Điều ấy ai cũng biết nhưng nó không khiến người khác thay đổi cách nhìn về hai bên tham chiến.

Lẽ ra, để tránh bất cứ hiểu lầm nào vào thời điểm này, người ta phải nhấn mạnh rằng những con số thương vong này là quá lớn. Hãy nhớ rằng mất một mạng người thôi cũng đã là quá nhiều. Và rằng dùng bạo lực như một phương tiện để giải quyết xung đột là hoàn toàn sai lầm.

Tuy nhiên, cách viết, đánh giá về đôi bên tham chiến được thể hiện trên báo chí phương Tây nói chung đã khiến rất nhiều người Arab và người Hồi giáo cảm thấy rằng tính mạng của một người dân Palestine không có ý nghĩa gì đối với truyền thông phương Tây.

img

Hamas không phải là al-Qaeda

Điều thứ hai cần nói đó là rất nhiều tờ báo châu Âu đã mô tả Hamas như là một tổ chức khủng bố hoạt động với mục đích giết hại một cách bừa bãi, càng nhiều càng tốt những người dân Israel vô tội và vận động cho một “nền văn hóa chết chóc”. Quan điểm này sai hoàn toàn bởi vì tổ chức Hồi giáo này chỉ hoạt động trên lãnh thổ Palestine. Tuy nhiên hiện nay, báo chí phương Tây mô tả nó như một tổ chức khủng bố hoạt động trên toàn thế giới như một dạng al-Qaeda.

img

Tất nhiên, Hamas là một tổ chức tinh thần thuộc Những người anh em Hồi giáo (Muslim Brotherhood – quan điểm của những người theo đạo Hồi là người Hồi giáo trên toàn thế giới đều là anh em) nhưng nó cũng là một sản phẩm ra đời từ sự thất bại của quá trình đàm phán hòa bình và hành động xâm chiếm lãnh thổ trái phép liên tiếp của Israel. Chính những điều này đã khiến người dân Palestine sau hàng thập kỉ qua ngày càng trở nên cực đoan.

Cũng như các phe cánh vũ trang khác ở Palestine, Hamas cũng là một phe phái nhưng họ có mục đích chính trị thực dụng hơn cả. Chính vì vậy họ chiếm đa số trong quốc hội Palestine và luôn nỗ lực tham gia các cuộc đàm phán. Quan trọng hơn nữa là Israel đã từng đàm phán gián tiếp với Hamas rất nhiều lần trong quá khứ và họ cũng thu được nhiều kết quả thành công, bền vững.

img

Lí do thực sự của cuộc xung đột

Cách nhìn của báo chí Đức đối với vòng xoáy bạo lực mới này cũng có nhiều sai lầm. Bởi vì họ mặc định Hamas là một tổ chức khủng bố, điều đó làm mờ đi cuộc chiến giải phóng dân tộc, dành quyền tự quyết của người Palestine từ nhiều năm nay. Từ cách mô tả của báo chí, người đọc chỉ hình dung ra một cuộc chiến giữa Israel và những kẻ khủng bố.

Cách nhìn này cũng không chiếu thẳng vào nguyên nhân chính trị thực sự của cuộc xung đột tại khu vực Trung Đông: Người dân Palestine đang chiến đấu để thành lập nhà nước riêng, họ chỉ muốn có cơ hội giải quyết vấn đề giữa hai quốc gia là Israel và Palestine. Đây cũng chính là giải pháp được cộng đồng quốc tế ưa chuộng và khuyến khích. Tuy nhiên, ai cũng có thể nhìn thấy khả năng rút ngắn khoảng cách khác biệt giữa tư tưởng của hai bên tham chiến ở dải Gaza ngày càng mong manh.

Minh Hương (theo DW.de)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.