Vận tải

Truyền thống là bệ phóng để Vận tải ô tô lớn mạnh

31/08/2021, 06:37

Trải qua 70 năm, ngành Vận tải ô tô dù mang những tên gọi khác nhau, nhiệm vụ cũng thay đổi, nhưng đều chung mục đích vận tải.

Thành lập trong những năm kháng chiến chống Pháp, trải qua 70 năm (25/12/1951 - 25/12/2021) ngành Vận tải ô tô có nhiều đóng góp trong các cuộc chiến giải phóng dân tộc cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

img

Ngành Vận tải ô tô đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng

Từ 20 chiếc ô tô và 1 xưởng sửa chữa…

Ngay sau Cách mạng tháng 8/1945 thành công, ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định thành lập Bộ Giao thông Công chính thuộc Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đánh dấu sự khởi đầu cho một truyền thống vẻ vang, anh hùng của ngành GTVT.

Đến ngày 25/12/1951, Bác Hồ ký sắc lệnh 72/SL thành lập Sở Vận tải thuộc Bộ Giao thông Công chính - tiền thân của ngành Vận tải ô tô, trong đó xác định “Sở vận tải là một doanh nghiệp quốc gia, có nhiệm vụ tổ chức việc vận tải quốc gia, hướng đẫn các tổ chức vận tải của tư nhân theo chính sách và kế hoach kinh tế tài chính”.

Chia sẻ với Báo Giao thông, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN Nguyễn Văn Thanh cho biết, giai đoạn khởi đầu, ngành Vận tải ô tô non trẻ chỉ có 20 chiếc ô tô, 1 xưởng sửa chữa.

Tuy nhiên, những phương tiện thô sơ đó đã đảm nhiệm nhiệm vụ quan trọng là vận chuyển hàng hóa, người phục vụ các chiến dịch, tiến tới chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

“Dù đất nước còn nghèo, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, lạc hậu, số đầu xe ô tô rất khiêm tốn, nhưng với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, hàng chục vạn cán bộ chiến sỹ ngành Vận tải ô tô vẫn làm tốt nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm chi viện cho các chiến trường từ Điện Biên Phủ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tới chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hàng vạn cán bộ chiến sỹ bị thương và hy sinh trên các chiến trường. Những cống hiến, hy sinh thầm lặng đó là trang sử tự hào của ngành Vận tải ô tô Việt Nam”, ông Thanh nói.

Chiến tranh kết thúc, công cuộc xây dựng đất nước đặt ra cho ngành GTVT những nhiệm vụ rất nặng nề. Một lần nữa, tinh thần “dũng cảm, thông minh, sáng tạo” của các cán bộ, kỹ sư, công nhân viên ngành GTVT được phát huy.

Trong những năm qua, đặc biệt là từ khi đất nước bắt đầu công cuộc “đổi mới”, ngành GTVT luôn “đi trước mở đường” phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các tuyến đường, cây cầu, sân bay, bến cảng, nhà ga, bến xe được xây dựng mới tạo ra những “mạch máu” giao thông quan trọng cho nền kinh tế đất nước.

“Sự phát triển nhanh chóng và đa dạng các hoạt động vận tải cũng giúp việc đi lại của người dân thuận tiện hơn. Các tuyến vận tải đường bộ tỏa đi khắp nơi, tới mọi “hang cùng, ngõ hẻm” với nhiều loại ô tô hiện đại, tiện nghi. Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, mỗi cán bộ, kỹ sư, công nhân viên ngành Vận tải ô tô đều có quyền tự hào, góp phần quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước”, ông Thanh nói.

Bà Phan Thi Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN chia sẻ, truyền thống 70 năm “dũng cảm, thông minh, sáng tạo” vừa là bệ phóng, đồng thời cũng đặt lên vai các thế hệ cán bộ, công nhân, viên chức, lao động ngành Vận tải ô tô hôm nay trọng trách nặng nề.

“Đó là phải làm sao cho xứng đáng với truyền thống cha anh. Các thế hệ cán bộ, công nhân, viên chức, lao động ngành vận tải ô tô hôm nay đều nhận thức sâu sắc, có được những thành tích trên là bao mồ hôi, xương máu, truyền thống “anh dũng, thông minh, sáng tạo”, những bài học kinh nghiệm của thế hệ cha anh”, bà Hiền nói.

Đến xã hội hóa với tốc độ nhanh

Đến nay, trải qua 70 năm, ngành Vận tải ô tô dù mang những tên gọi khác nhau, nhiệm vụ cũng thay đổi, nhưng đều chung mục đích là vận tải hàng hóa và hành khách phục vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN Nguyễn Văn Quyền nhìn nhận, cùng với sự phát triển chung của đất nước, ngành Vận tải ô tô cơ bản được xã hội hóa với tốc độ phát triển nhanh, phương tiện được đầu tư mới, chất lượng được nâng cao, số phương tiện tăng nhanh. Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng dịch vụ vận tải cũng ngày càng được nâng cao với nhiều hình thức đa dạng.

Hoạt động vận tải quốc tế cũng có những bước phát triển rõ rệt, được thực hiện bằng các hiệp định đa phương và song phương với nhiều nước.

Vận tải đa phương thức, vận tải container có bước phát triển mạnh. Vận tải hành khách công cộng tại các thành phố, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM phát triển mạnh, được xã hội chấp nhận, góp phần quan trọng làm giảm ùn tắc giao thông đô thị.

“Minh chứng rõ nhất về bước tiến mạnh mẽ của hoạt động vận tải chính là tốc độ tăng trưởng về sản lượng vận tải hành khách và hàng hóa. Giai đoạn vừa qua, tốc độ tăng trưởng này lên đến hơn 15% mỗi năm. Ngành GTVT nói chung và Vận tải ô tô nói riêng đã và đang đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng của kinh tế đất nước”, ông Quyền nói.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Phan Thị Thu Hiền chia sẻ thêm, để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong đời sống và phát triển kinh tế, chất lượng phương tiện đã được cải thiện, nhiều xe chất lượng tốt được đưa vào khai thác, dịch vụ vận tải được nâng lên rõ rệt.

“Quản lý nhà nước cũng được ứng dụng nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật như: Quản lý vận tải trên nền bản đồ số, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho các phương tiện kinh doanh vận tải, các dịch vụ công vận tải được áp dụng cấp độ 4 với nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp”, bà Hiền thông tin.

“Chìa khóa” nâng sức cạnh tranh

Những năm gần đây, mạng lưới vận tải đường bộ đang dần hoàn chỉnh, liên kết giữa các phương thức vận tải, giữa các vùng lãnh thổ, giữa đô thị và nông thôn.

Đồng thời, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải, các dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; nâng cao chất lượng khai thác vận tải, dịch vụ hỗ trợ, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt trong mọi tình huống.

Minh chứng là sản lượng vận tải hàng hoá vận chuyển luôn chiếm 60 - 65% và hàng hoá luân chuyển chiếm 12 - 15% tổng sản lượng vận tải. Sản lượng vận tải hành khách vận chuyển chiếm 75 - 82% và hành khách luân chuyển chiếm 60 - 65% so với tổng sản lượng vận tải trong cả nước.

“Cán bộ, viên chức lao động ngành Đường bộ luôn ghi nhớ lịch sử truyền thống của ngành Vận tải ô tô trong 70 năm qua, phát huy thành tích các thế hệ đi trước; Đồng thời xây dựng lĩnh vực vận tải ô tô tiếp tục phát triển về mọi mặt, phục vụ tốt nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân với chất lượng ngày càng văn minh, hiện đại”, bà Phan Thị Thu Hiền chia sẻ.

Cũng theo bà Hiền, hạn chế lớn nhất hiện nay là việc cạnh tranh gay gắt giữa các lực lượng vận tải, cùng với sự thiếu chặt chẽ, đồng bộ trong công tác quản lý của các cơ quan nhà nước khiến những mặt tiêu cực trong lĩnh vực vận tải đường bộ vẫn tồn tại.

Do vậy, trong những năm tới ngành Vận tải ô tô cần tập trung nâng cao chất lượng, với nhiều loại hình đa dạng, phong phú hơn, chất lượng tốt hơn nhưng giá thành ngày càng giảm để phục vụ kịp thời nhu cầu đi lại, vận chuyển của xã hội.

Đặc biệt cần thúc đẩy sự kết nối chặt chẽ giữa các phương thức vận chuyển, phát triển các loại hình vận tải công cộng, vận tải đa phương thức và các phương thức vận tải mới khác, trên cơ sở đó cung cấp cho người dân những dịch vụ vận chuyển văn minh, hiện đại.

“Điều này không chỉ là đòi hỏi của thị trường mà còn là một trong những “chìa khóa” để nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng”, bà Hiền nói.

Những đóng góp của các thế hệ cán bộ, công nhân viên chức và người lao động ngành Vận tải ô tô trong chiến công lớn của ngành GTVT đã được Đảng, Nhà nước đánh giá cao và tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng năm 1995; Huân chương Hồ Chí Minh năm 1990 và năm 2010; Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang; Huân chương Độc lập; Huân chương Lao động.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.