Văn hóa - Giải Trí

Truyện tranh Việt online dò đường tìm khán giả

29/08/2018, 08:09

Ứng dụng đọc truyện tranh trên điện thoại di động vừa được ra mắt bởi nhóm họa sĩ trẻ đam mê thử thách...

23

Ứng dụng đọc truyện tranh bản quyền trên điện thoại di động khá mới mẻ ở Việt Nam

Tự dò đường đi

Ở các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, độc giả đọc truyện tranh trên mạng phát triển khoảng 8 năm. Tại Việt Nam mới đây, nhóm họa sĩ trẻ Công ty Comicola đã cho ra đời Comi.mobi, một ứng dụng (app) đọc truyện tranh trên điện thoại di động. Đây là app đọc truyện tranh Việt đầu tiên tại Việt Nam, với những tác phẩm được sáng tác độc quyền.

"Định dạng chúng tôi đang làm là webtoon, không phải truyện tranh xuất bản truyền thống hay sách điện tử. Đây là dòng sản phẩm mới đầu tiên xuất hiện trên thị trường, chưa từng có tiền lệ. Tôi đang theo sát các thông tin từ phía cơ quan quản lý để mong sớm xây dựng khung pháp lý cần thiết cho sản phẩm này”.

Họa sĩ Khánh Dương

Theo họa sĩ Khánh Dương, người sáng lập Comicola đã nảy sinh ý tưởng làm app cách đây một năm, khi anh nhìn vào sự phát triển truyện tranh mạng của các nước bạn. Văn hóa đọc qua app đã “xâm lăng” thị trường độc giả Việt. Điển hình là webtoon, một thể loại truyện tranh kỹ thuật số của Hàn Quốc, họa sĩ này đã quyết định tạo ra app riêng của mình.

“Tôi mất nửa năm để thuyết phục các thành viên trong nhóm chịu tham gia dự án này. Mọi người đều ngại vì muốn làm truyện tranh loại này, người đọc phải có thói quen trả tiền bản quyền. Trong khi, độc giả Việt thường quen đọc lậu. Chưa kể, các tác giả tốt bên tôi, nếu nhận các công việc quảng cáo, vẽ thuê cho nước ngoài thì thu nhập 1 tháng không dưới 1.000 USD. Làm dự án này, tôi không đủ bằng đó lương trả cho họ, hình thức này quá mới nên không biết có thành công không”, họa sĩ Khánh Dương trải lòng.

Anh cũng cho biết thêm, sản xuất truyện tranh xuất bản truyền thống tốn kém ở khâu in ấn. Làm app đỡ tốn kém nhưng rủi ro hơn vì không biết người đọc có chấp nhận trả tiền bản quyền hay không. Được biết, phí bản quyền sẽ là 3.000 đồng/chương của truyện. Mỗi chương có khoảng 50 - 60 khung hình. Độc giả sẽ được đọc 1-3 chương miễn phí để quyết định có mua chương tiếp theo không. Số tiền bản quyền thu được sẽ là đồng sở hữu giữa Comicola và tác giả. Đây có thể coi là tiền đề để thay đổi thói quen đọc truyện tranh miễn phí của người Việt.

Chấp nhận rủi ro

Trước nghi ngại về khả năng thành công của ứng dụng, đại diện Comicola cho hay, trường hợp không thành công, nhóm sẽ sắp xếp lại các khung hình để chuyển thành bản truyện tranh in giấy. Tuy nhiên, anh khá tự tin rằng, đọc trên mạng là tương lai của truyện tranh. Hơn nữa, các tác giả của nhóm đều có lượng fan khá lớn và biết độc giả của mình thích gì. Độc giả thích tác giả nào sẽ vào mua truyện của tác giả đó. “Nếu không so sánh với những người hàng đầu thì chất lượng hình vẽ, nội dung của các họa sĩ Việt không thua kém Hàn Quốc hay Trung Quốc. Tôi tin nếu mình làm sản phẩm tốt sẽ không bị mọi người bỏ rơi”, anh khẳng định.

Là họa sĩ từng có 3 năm làm gia công cho các webtoon của Hàn Quốc, nhóm họa sĩ Trạch Nam Trạch Nữ đã quyết định rời bỏ đơn vị Hàn để xin gia nhập đội ngũ sáng tác truyện tranh trên ứng dụng di động lần này. Họa sĩ Nguyễn Minh Chơn của Trạch Nam Trạch Nữ tiết lộ, khi làm việc cho đơn vị truyện tranh của Hàn Quốc, nhóm của anh sẽ làm theo kịch bản có sẵn chứ không được tự do sáng tác. Nhóm tham gia dự án lần này vì muốn có những sáng tác của riêng mình cho người Việt.

Theo Minh Chơn, sáng tác truyện tranh của Hàn Quốc thoải mái hơn khi làm truyện tranh Việt vì nội dung của Hàn phong phú hơn, còn Việt Nam lại phải đảm bảo các yếu tố về thuần phong mỹ tục nên độ tự do sáng tác cũng có phần bị bó hẹp. Bản thân anh thực tế khá hoang mang và lo lắng về sự đón nhận của độc giả, sợ bị độc giả bỏ qua. Do đó, thời gian đầu, nhóm sẽ sáng tác những tác phẩm đi theo xu hướng yêu thích của khán giả là thể loại hài hước, lãng mạn. Về sau sẽ phát triển dần các thể loại khác như hành động, giả tưởng. “Chuyện gì cũng phải thử, phải có người đi đầu mới có nền tảng phát triển sau này. Đây là tâm huyết, đam mê của chúng tôi vì muốn làm một cái gì mới mẻ hơn cho nền truyện tranh Việt Nam. Bởi thế, chúng tôi chấp nhận rủi ro”, anh nói.

Trong khi đó, họa sĩ Đặng Ngọc Minh Trang lại tỏ ra hào hứng với dự án này vì với truyện online, tác giả sẽ biết hiệu quả tác phẩm của mình mỗi ngày thông qua những số liệu về lượt mua, lượt thích, lượng bình luận, chia sẻ. Thậm chí, tác giả còn có thể tương tác trực tiếp với độc giả của mình. Minh Trang cũng khá lạc quan khi nhắc tới vấn đề tiền bản quyền bởi theo cô, ở  Việt Nam, việc vẽ và sống được bằng tiền bản quyền khi xuất bản truyện tranh truyền thống chưa phải là dễ dàng. Bởi thế với hình thức truyện online, khi hiệu quả của tác phẩm thể hiện rõ ràng và nhanh chóng, cô hy vọng đây sẽ là con đường mới mở ra tương lai cho nghề hoạ sĩ truyện tranh, để các tác giả có thể toàn tâm, toàn ý sáng tác mà không phải lo trang trải cuộc sống.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.