Xã hội

TS Nguyễn Thành Sơn: "TKV đánh trả tôi như vậy là hèn"

15/08/2015, 13:33

TS Nguyễn Thành Sơn cho rằng vì những phản biện của ông, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam TKV đã "đánh trả".

34
TS Nguyễn Thành Sơn

“Khai thác than lộ vỉa, nói thẳng như mang dao chặt vào chân mình thôi chứ tác động của thiên nhiên chỉ một phần”. TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên Trưởng Ban Chiến lược Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã khẳng định như vậy khi trò chuyện với Báo Giao thông.

“Đòn đánh trả” của TKV?

Ông có gặp khó khăn, cản trở vì phản biện lại nhiều vấn đề trong chính Tập đoàn của mình không?

“Trước mặt” thì không thấy ai ngăn cản cả, vì họ đều thấy rằng tôi nói không sai. Nhưng “sau lưng” tôi, họ cũng tìm cách gây khó dễ, ví dụ không đưa “ông” Sơn tài liệu này hay không cho “ông” Sơn dự cuộc họp kia… Gây khó khăn trong tiếp cận thông tin cũng là một rào cản cho tôi trong cả hoạt động chuyên môn cũng như tiếp tục phản biện về ngành.

Điều làm tôi băn khoăn nhất, không phải cho bản thân, mà là vì mình mà bạn bè, chiến hữu bị ảnh hưởng lây. Đã có tâm lý, cứ “ông” nào chơi thân với “ông” Sơn tức ông đấy cũng là “đối thủ” của TKV. Thế nên nhiều anh em cũng trở nên dè dặt, thiếu cởi mở với mình.

Điều đó có làm ông thấy cô đơn khi lên tiếng vì lợi ích chung mà trở thành “cái gai” trong mắt nhiều người ở chính nơi ông đã gắn bó, cống hiến?

Không, tôi không thấy cô đơn. Thậm chí, tôi nhận thêm được nhiều sự đồng cảm, chia sẻ từ nhiều nhà khoa học cũng như nhiều bạn đọc quan tâm tới lĩnh vực này. Sở dĩ vậy, là bởi tôi đã quen với tư duy cần có góc nhìn đa chiều trước mỗi vấn đề, sự kiện. Mặt khác, cần rạch ròi, sòng phẳng giữa chuyện yêu - ghét cá nhân với hiệu quả công việc cũng như lợi ích tập thể.

* Đánh giá về con số thiệt hại 1.200 tỷ đồng của ngành Than sau trận lụt tại Quảng Ninh vừa qua, ông Sơn cho rằng, ngành Than sẽ phải bỏ ra nhiều chi phí cải tạo mặt bằng, gia cố hầm mỏ, mua sắm thiết bị...“. Tuy nhiên, ngại nhất là tâm lý “té nước theo mưa” nếu công tác quản lý, giám sát không tốt”, ông Sơn nói.

* Trải qua nhiều vị trí quan trọng của ngành Than cho đến khi nghỉ hưu (Trưởng Ban Chiến lược Tập đoàn; Phó TGĐ CTCP Nhiệt điện Cẩm Phả; TGĐ Tổng công ty Than Đồng bằng sông Hồng…), song TS Nguyễn Thành Sơn luôn thẳng thắn phản biện nhiều vấn đề về ngành, từ vấn đề yếu kém đến thất thoát, lãng phí trong quản lý, khai thác; Hậu quả kinh tế - xã hội của dự án bauxite Tây Nguyên… Và hầu hết những đánh giá, nhìn nhận, dự báo của ông đến nay đều được xác thực.

Chẳng hạn với vấn đề bauxite, không phải mãi tới năm 2008 mà từ trước đó cả chục năm, tôi đã từng đề cập trong số báo 11 phát hành năm 1988 của Tạp chí Năng  lượng. Trong bài viết về năng lượng cho Tây Nguyên, tôi đã nêu quan điểm: “Loại bauxite ra khỏi tiềm năng kinh tế của Tây Nguyên”.

Cũng trong thời điểm đó, tôi đã đề xuất xây dựng đường dây siêu cao áp Bắc - Nam; đưa than lên Tây Nguyên cho đồng bào sử dụng để hạn chế phá rừng…

Tổng công ty Than đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) (có con dấu, tài khoản riêng) do ông làm Tổng giám đốc bất ngờ bị chuyển đổi thành Ban Quản lý dự án. Ông nhìn nhận như thế nào về câu chuyện này?

Đấy có thể nói là “đòn đánh trả” của TKV cũng được. Sau khi nhận được quyết định, tôi đã gọi điện thoại cho mấy ông trong HĐQT của TKV, nói thẳng: “Các anh xử sự như vậy là hèn. Anh không thích tôi ngồi đây thì đưa tôi đi chỗ khác, nhưng đừng vì chuyện của cá nhân tôi mà ảnh hưởng đến công việc chung”. Bởi Tổng công ty được thành lập để đi theo đúng hướng được nhiều người ủng hộ là tập trung phát triển bể than ĐBSH. Nhưng với quyết định của TKV, ngoài việc “thu” con dấu, tài khoản riêng, trung tâm đã bị giới hạn rất nhiều chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để thực hiện mục tiêu đó.

Lãnh đạo TKV trả lời ông ra sao?

Nói chung, cũng như hầu hết những câu hỏi của tôi với TKV thì đều được lãnh đạo lẩn tránh hoặc trả lời quanh co. Họ chỉ nói vấn đề này đã quyết định rồi, mà không giải thích gì cả. Hơn nữa, có giải thích cũng chả có lý do gì xác đáng cả.

Mục tiêu khai thác bể than ĐBSH được triển khai đến đâu rồi, thưa ông?

Cùng một công việc, mục tiêu, mỗi người sẽ có một cách tiệm cận, tư duy, cách làm khác nhau. Nhưng dưới nhìn nhận của tôi, hiện dự án khai thác than ĐBSH của TKV đang ở tình trạng “đẽo cày giữa đường”.

Ngày trước, tôi và anh Kiển (Đoàn Văn Kiển, nguyên Chủ tịch Tập đoàn TKV) đã rất công phu chứng minh với Bộ Công thương rằng, ĐBSH không thể khai thác than như cách chúng ta đang làm ở Quảng Ninh được, mà phải bằng công nghệ mới là khí hóa than ngầm. Tức là chúng ta phải biến mỏ than ở dưới đất thành một mỏ khí, sau đó khai thác như khai thác khí. Còn nếu chúng ta làm như với mỏ than Mông Dương thì quanh năm phải chống nước vì toàn bộ hệ thống nước ngầm khu vực này thông thủy với sông Hồng, thậm chí thông thủy với nước biển.

Song tôi được biết, hiện những người có trách nhiệm ở trung tâm này có vẻ như muốn quay lại phương pháp khai thác than cổ điển giống như Quảng Ninh và tôi khẳng định, điều đó không thể thực hiện được.

Ân hận vì chưa nói hết nhiều vấn đề của ngành than

Có khi nào ông ân hận vì đã nói thẳng, nói thật những vấn đề của ngành?

Không, nếu có ân hận thì tôi ân hận là chưa nói hết, hoặc nói mạnh hơn nữa.

Theo ông, những vấn đề đó là gì?

Có những điều tôi đã nói rồi, là tại sao Quảng Ninh bây giờ mưa lũ lại nguy hiểm đến thế. Ngay từ khi thành lập Tổng công ty Than tôi đã nói, nói rất nhiều lần và trình bày cả bằng văn bản, là không bao giờ được khai thác than lộ vỉa (vỉa than chạy dưới đất nhưng có chỗ trồi lên mặt đất, lộ ra bên ngoài). Dưới góc độ kỹ thuật, kị nhất là động đến lộ vỉa, vì sẽ làm mất nút bên dưới hầm lò, khiến nước mặt tràn vào. Tuy nhiên, Tổng công ty Than đã chạy theo thành tích, tập trung khai thác lộ vỉa, vì chi phí thấp, không phải mất chi phí bóc, thậm chí chỉ cần gạt sang một bên là than đã trật ra rồi và cứ thế xúc thôi. Sản lượng tăng rất nhanh chi phí rất thấp, lợi nhuận cao, nhưng hậu quả về mặt kỹ thuật bây giờ mình hứng, như Mông Dương chẳng hạn. Khai thác lộ vỉa, nói thẳng là như mang dao chặt vào chân mình thôi chứ tác động của thiên nhiên chỉ một phần.

Có thể nói, trong 20 năm qua, TKV khai thác khoảng 150 triệu tấn than lộ vỉa lẽ ra không được khai thác. Thế nên nhìn bản đồ GPS bây giờ của Quảng Ninh khác hẳn. Các mỏ lộ thiên làm xáo trộn đất đá và ngay cả các mỏ hầm cũng bị xới tung lên. Nước đổ ập vào, kể cả khi trời không mưa, bơm không kịp. Như mỏ than Mông Dương, bây giờ đang “chết”, do ngập lần thứ hai toàn mỏ.

Hay chuyện tôi có phần ân hận khác, là về tư duy phát triển của TKV. Chính tôi là một trong những người chắp bút cho dự án “Đổi mới tổ chức, tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh, tiến tới 10 triệu tấn than vào năm 2000”. Dự án được thông qua như một chiến lược phát triển của Tổng công ty bấy giờ.

Chính trong dự án này, tôi đề xuất TKV phải kinh doanh đa ngành và tăng cường nhiệt điện than tại các mỏ than.

Song, chiến lược kinh doanh đa ngành bị hiểu sai đi. Bản chất như tôi đề xuất là kinh doanh đa ngành để kéo dài đầu vào của sản xuất than cũng như kéo dài đầu ra sản phẩm. Ví dụ, dùng than để thắp điện - là kéo dài đầu ra sản phẩm. Hay kéo dài phần đầu vào sản xuất, như gỗ chống lò, thay vì phải đi mua thì mình đi trồng rừng. Hoặc thép chống lò phải nhập thì mình sản xuất thép..., chứ không phải nhảy sang bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, chả dính dáng gì đến than.

Theo ông, có cách nào hạn chế những thiệt hại đã và có thể còn tiếp tục xảy ra không chỉ với ngành Than mà với cả môi trường, dân sinh…?

Đầu tiên tôi cho rằng phải thay đổi tư duy kinh tế kế hoạch thời bao cấp vì mình đã chuyển sang cơ chế thị trường rồi. Theo đó, vai trò của TKV - công ty mẹ là phải quản lý chiến lược chứ không phải quản lý sản xuất kinh doanh, giao từng kế hoạch, mũi khoan, mũi lò… như hiện nay. Như thế, Tập đoàn chỉ cần ít người thôi, nhưng phải giỏi. Còn chống lũ lụt, xử thải…, mỏ phải lo. Muốn vậy, phải phân cấp đàng hoàng và họ phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, giờ TKV đang “ôm” hết. Thậm chí kế hoạch kinh doanh của TKV còn nặng nề hơn kế hoạch thời bao cấp ngày xưa. Tập đoàn vẫn quản lý chi tiết đến từng cái áo bảo hộ lao động và đó không phải cách tư duy, hành xử của một tập đoàn.

Trong số nhiều ý kiến đóng góp, phản biện của ông, có nội dung nào được TKV tiếp thu không?

Tôi nghĩ là có, dù có thể thầm lặng (cười). Tôi có viết riêng đề án tái cơ cấu TKV, chỉ gửi riêng hai lãnh đạo của Tập đoàn. Và tôi thấy TKV đang thực hiện một số công việc như tôi đã đề xuất trong đề án này, chẳng hạn như chuyển trung tâm y tế thành bệnh viện ngành Than; sáp nhập các trung tâm đào tạo, trường đào tạo thành một và bây giờ chuẩn bị sáp nhập các mỏ như: Hà Tu, Đèo Nai, Cọc Sáu…

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.