Thời sự Quốc tế

TS Nguyễn Việt Phương: Việt Nam nên tiếp tục khẳng định vị thế đất nước

01/03/2019, 07:27

TS. Nguyễn Việt Phương, Nghiên cứu viên Trung tâm Belfer, Trường Kennedy, Đại học Harvard (Mỹ) đánh giá về kết quả HNTĐ Mỹ-Triều.

img
TS. Nguyễn Việt Phương, Nghiên cứu viên Trung tâm Belfer, Trường Kennedy, Đại học Harvard (Mỹ)

Trả lời phỏng vấn Báo Giao thông sau khi có kết quả Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều lần thứ 2, TS. Nguyễn Việt Phương, Nghiên cứu viên Trung tâm Belfer, Trường Kennedy, Đại học Harvard (Mỹ) cho rằng Việt Nam nên chủ động đề nghị làm chủ nhà các cuộc đàm phán cấp thấp hơn liên quan đến vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và biến Hà Nội trở thành một điểm đến, một cái tên quen thuộc khi cả thế giới nhắc tới quá trình phi hạt nhân hóa.

Ông đánh giá gì về kết quả Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 được tổ chức tại Việt Nam?

Thành công nhất tại sự kiện thượng đỉnh lần này là ở khâu tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam. Rõ ràng, hai bên Hoa Kỳ và Triều Tiên đã “về tay không” sau hội nghị thượng đỉnh vì đã không tìm được tiếng nói chung.

Trong khi đó, đầu tiên phải nói rằng, Việt Nam đã tổ chức rất suôn sẻ sự kiện quan trọng lần này, dù trong thời gian chuẩn bị rất ngắn, chỉ gần 10 ngày thôi.

Thứ hai là, trong các cuộc gặp với nguyên thủ quốc gia Việt Nam, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã thể hiện rõ sự thân thiện và đánh giá rất cao vai trò của nước chủ nhà trong việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần này.

Trong bối cảnh quốc tế nói chung, Việt Nam là nước được lợi rất nhiều từ sự kiện này, bất chấp kết quả thượng đỉnh chưa được như kỳ vọng ban đầu.

img
Hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên cùng nhau đi dạo trong khuôn viên khách sạn Sofitel Legend Metropole ngày 28/2

Tiến trình phi hạt nhân hóa sẽ ra sao sau cuộc gặp Trump- Kim lần này, thưa ông?

Bế tắc của cuộc đàm phán này đã cho thấy quá trình phi hạt nhân hóa sẽ còn kéo dài thêm một thời gian nữa. Điểm mấu chốt nhất là việc Triều Tiên vẫn quá cứng rắn trong việc đòi dỡ bỏ toàn bộ cấm vận trước khi phi hạt nhân hóa.

Trong tương lai, theo tôi, nếu muốn kỳ vọng về các bước tiến phi hạt nhân hóa, thì Triều Tiên phải có quan điểm mềm mỏng hơn, đưa ra lộ trình dài hạn bao gồm nới lỏng cấm vận thay vì dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh cấm vận ngay lập tức. Bởi, hầu hết trong các tuyên bố của Triều Tiên trước đây, nước này đều yêu cầu dỡ bỏ các lệnh cấm vận từ cộng đồng quốc tế.

img
TS. Nguyễn Việt Phương trả lời phóng viên bên lề Tọa đàm "Hiểu về Trump" được tổ chức tại Hà Nội

Vậy ông có thấy tín hiệu nào tích cực trong quan hệ Mỹ- Triều Tiên sau hội nghị thượng đỉnh lần này?

Tất nhiên là có tín hiệu tích cực. Dù vẫn còn chờ đợi vào thông tin của phía Triều Tiên, tuy nhiên, theo thông tin trong cuộc họp báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump chiều ngày 28/2 tại Hà Nội, tôi vẫn thấy những tín hiệu tương đối lạc quan sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều lần này.

Đầu tiên, phải nói rằng, ông Trump vẫn nói rất tốt về phía Triều Tiên, đặc biệt là vẫn bảo vệ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong vấn đề mang tính cực kỳ nhạy cảm đối với nước Mỹ, như vấn đề của sinh viên Otto Warmbier, người đã qua đời vài ngày sau khi được trở về từ Triều Tiên.

Điều này cho thấy quan điểm của ông Trump về Triều Tiên vẫn tích cực. Và một điều rất rất quan trọng cần phải nói tới là Tổng thống Trump nhấn mạnh việc sẽ không tăng thêm các biện pháp cấm vận và đồng thời, nhấn mạnh việc Triều Tiên sẽ không thử tên lửa và vũ khí hạt nhân trong thời gian tới.

Đây là một điểm rất quan trọng và tích cực sau cuộc họp thượng đỉnh lần này, mặc dù nó thấp hơn so với dự đoán cũng như kỳ vọng của tôi trước đó.

img
Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tối 27/2 tại Hà Nội. Ảnh: Nhà Trắng

Được đánh giá thành công trong việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều lần này. Vậy theo ông, Việt Nam nên làm gì tiếp theo để tiếp tục khẳng định vị thế của đất nước trên trường quốc tế?

Thứ nhất, không ai nghĩ rằng chỉ sau một cuộc đàm phán, hai bên có thể đưa ra ký kết hòa bình hay Tuyên bố hòa bình được cả. Do vậy, với kết quả hội nghị lần này, tuy hai bên chưa ra được tuyên bố chung nào mới, thì điều này có lẽ cũng không có gì là buồn hay thất vọng cả.

Lịch sử của Việt Nam cũng cho thấy, để ký kết thành công Hiệp định Paris, các bên cũng phải ngồi lại đàm phán rất nhiều và kéo dài nhiều năm trời. Trên thế giới, các cuộc hội nghị, hội đàm để mang tới các kết quả lớn, cũng phải kéo dài rất lâu.

Do đó, cách tốt nhất cho phía Việt Nam sau sự kiện lần này là phải tiếp tục chủ động, tiếp cận hai phía Hoa Kỳ và Triều Tiên, để cho thấy sự sẵn sàng của Việt Nam trong việc làm chủ nhà các cuộc đàm phán cấp thấp hơn liên quan đến vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và biến Hà Nội trở thành một điểm đến, một cái tên quen thuộc khi cả thế giới nhắc tới quá trình phi hạt nhân hóa.

Đây là việc nên làm và cần làm để tiếp tục duy trì hình ảnh của đất nước Việt Nam trong tương lai, liên quan đến sự kiện này.

Xin cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.