Kinh tế

TS.Lê Đăng Doanh: Điện, xăng tăng giá ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa

19/03/2015, 06:00

Ngay trong tháng ba này, giá điện, xăng tăng cũng sẽ tác động chỉ số giá cả tăng lên khoảng 0,2%

41
TS. Lê Đăng Doanh

Tác động của giá xăng, điện sẽ ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa, nhưng có độ trễ. Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư dự báo, mặt bằng giá mới sẽ được thiết lập sau ba tháng nữa.

Người tiêu dùng chịu ảnh hưởng kép

Giá điện chính thức điều chỉnh tăng 7,5% vào ngày 16/3, theo ông việc tăng giá điện và cộng hưởng với giá xăng tăng 1.600 đồng/lít từ ngày 11/3 sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sản xuất của doanh nghiệp và chi tiêu của người dân?

Đây là mức tăng rất sốc, tác động đến toàn bộ nền kinh tế, nhất là những ngành tiêu tốn nhiều điện như sản xuất thép, xi măng, thủy sản… Chẳng hạn, trong ngành thép, điện chiếm 6-7% chi phí trong giá thành sản xuất phôi thép, nên giá điện tăng khiến thép bán giá cao lên. Giá thép tăng khiến giá nhà tăng, cứ thế tác động liên hoàn.

Tôi từng đề nghị tăng giá điện dao động từ 3-4% thì doanh nghiệp còn có thể điều chỉnh, tiết kiệm và chịu được. Nhưng tăng giá điện 7,5%, doanh nghiệp không thể tự điều chỉnh và chắc chắn sẽ tăng giá hàng hóa.

Cùng với xăng, giá điện tăng người tiêu dùng chịu ảnh hưởng trực tiếp là phải trả chi phí tăng thêm hàng tháng; và ảnh hưởng gián tiếp do giá hàng hóa tăng theo giá điện, giá xăng.

Tuy nhiên, giá điện tăng tác động đến mặt bằng giá cả sẽ có độ trễ. Dự báo, sau khoảng ba tháng, sẽ thiết lập mặt bằng mới, tuy nhiên mức độ tăng bao nhiêu sẽ phải tính toán cụ thể, chi tiết hơn. Ngay trong tháng ba này, giá điện, xăng tăng cũng sẽ tác động chỉ số giá cả tăng lên khoảng 0,2%.

Sắp tới đây, thuế bảo vệ môi trường áp dụng với xăng cũng được tăng 300%, từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít. Nhiều người lo ngại, như vậy giá xăng sẽ tăng mạnh và mặt bằng giá cả tiếp tục tăng theo, ông có nghĩ như vậy?

Việt Nam đã hội nhập, do đó phải giảm thuế nhập khẩu xăng, dẫn đến thu ngân sách giảm. Vì vậy, Bộ Tài chính đã quyết định bù thu ngân sách bằng cách nâng thuế môi trường lên 300%. Việc tăng thuế lên 300% chắc chắn khiến giá xăng dầu sẽ bị tác động, bởi thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu nằm trong cơ cấu giá bán xăng, dầu. Và khi xăng, dầu, đầu vào của mọi ngành kinh tế tăng, đương nhiên mặt bằng giá cả sẽ tăng theo.

Điện tăng kéo CPI tăng 0,23%

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương): Với mức tăng giá điện 7,5%, ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến tốc độ tăng CPI năm 2015 khoảng từ 0,18-0,23%.

Đối với người tiêu dùng, các hộ tiêu thụ điện 50 kWh/tháng thì mức tăng thêm khoảng 4.800 đồng, tiêu thụ 100 kWh, tăng 9.800 đồng. Đối với các hộ thuộc diện đối tượng nghèo, đối tượng chính sách, mức hỗ trợ hiện nay là 30 kWh mỗi tháng theo biểu giá bậc một của giá điện sinh hoạt, nên không bị ảnh hưởng bởi giá điện tăng.

Hải Quỳnh

Tôi thấy việc tăng thuế xăng, dầu để bù ngân sách Nhà nước rõ ràng là câu chuyện “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Việc giảm thuế nhập khẩu, cần phải tìm cách khác bù thu ngân sách, chứ không nên nâng thuế bảo vệ môi trường lên 300%. Vì như vậy sẽ dẫn đến giá xăng dầu ở các nước khác khi thuế nhập khẩu giảm xuống sẽ rẻ hơn, còn xăng dầu của Việt Nam “cõng” nhiều thuế nên giá bán sẽ cao hơn các nước.

Trước tình hình này, chúng ta phải đề nghị Quốc hội có Đề án về tái cơ cấu ngân sách làm sao cho nguồn thu phải được xem trước, nguồn chi phải được điều chỉnh, nhất là cắt giảm biên chế, cắt giảm chi tiêu không cần thiết.

Việc cắt giảm thuế nhập khẩu xăng dầu này đã biết từ những năm trước, đã có lịch trình từ trước nhưng tại sao đến thời điểm này “nước đến chân mới nhảy”, lại có sáng kiến tăng thuế môi trường? Đây là một trong những xử lý lúng túng, có tính chất ứng phó để đáp ứng tình huống phát sinh mặc dù tình huống này đã có trong dự liệu từ trước. Rồi thì các chi phí sẽ tăng theo, mớ rau, quả trứng tăng lên, chỉ số giá cả tăng lên.

42

Doanh nghiệp không thể tự điều chỉnh và chắc chắn sẽ tăng giá sản phẩm khi giá điệntăng “sốc” tới 7,5% - Ảnh: Trần Hải

Nếu minh bạch, dân sẽ không bức xúc

Mỗi lần giá điện tăng thường kéo theo sự bức xúc từ dư luận. Theo ông, tại sao lại có thực trạng này?

Bên cạnh lý do người dân tăng chi phí thì sẽ bức xúc theo tâm lý thông thường, còn lý do khác tạo nên bức xúc lớn, dai dẳng là ngành Điện chưa minh bạch. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng năng suất lao động, giảm tổn thất điện năng, đề nghị EVN giải thích rõ. Đặc biệt, phải làm rõ, trong giá thành không tính các chi phí đầu tư ngoài ngành.

Ngay cả việc ngành Điện áp dụng biểu giá thu tiền điện theo giờ tức là giờ cao điểm giá cao, giờ thấp điểm giá thấp, đề nghị ngành Điện thông báo rõ khả năng ghi chỉ số của công tơ điện theo giờ, theo giá như thế nào để người dân yên tâm tiết kiệm điện.

Đại diện Tập đoàn Điện lực (EVN) mới đây từng cho biết, EVN cũng muốn minh bạch giá điện nhưng điện có đặc thù sản xuất, tiêu thụ, đồng thời với số lượng hộ tiêu thụ lớn và có đặc thù tiêu thụ điện năng riêng. Quan điểm của ông lý giải này như thế nào?

Việc minh bạch về kỹ thuật hoàn toàn có thể làm được. Trên thế giới nhiều nước đã làm, chỉ có điều tại Việt Nam, EVN độc quyền, không bị giám sát dĩ nhiên không có động cơ để minh bạch.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.