Chính trị

Từ bài viết của Tổng Bí thư: Củng cố niềm tin vào con đường đã chọn

01/08/2021, 12:11

Đây là nhận định của nhân dân, đảng viên và các nhà nghiên cứu lý luận khi bình luận về bài viết của Tổng Bí thư.

Ngay sau khi bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thì đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của dư luận xã hội, đặc biệt là của các nhà nghiên cứu lý luận.

img

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

Thêm tin tưởng vững chắc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội

Các nhà nghiên cứu lý luận cho rằng, bài viết luận giải đầy sức thuyết phục, sâu sắc một vấn đề lớn, rất cơ bản, quan trọng trong sự nghiệp cách mạng nước ta, trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn lý luận và thực tiễn.

PGS.TS. Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng, tổng kết là cả một quá trình cách mạng Việt Nam, đặc biệt là 30 năm đổi mới, thì trong bài viết, Tổng Bí thư đã đưa ra bằng chứng hết sức thuyết phục không thể chối cãi được, không thể phủ nhận được, đó là: thành tựu đất nước ta đạt được trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, dân chủ,…

"Tôi cho rằng những lập luận của Tổng Bí thư từ thực tiễn Việt Nam thì không ai có thể bác bỏ được là đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) là lựa chọn đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại", PGS.TS. Nguyễn Viết Thông nêu quan điểm.

PGS.TS. Nguyễn Viết Thông cũng cho biết, bài viết đã giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân ta tin tưởng vững chắc hơn dựa trên cơ sở hiểu sâu sắc, toàn diện, đầy đủ, có căn cứ khoa học và thực tiễn về "định hình chủ nghĩa xã hội thế nào, và định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh, đặc điểm cụ thể ở Việt Nam"

img

PGS.TS. Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương

Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân.​

Cũng trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết những vấn đề rất lớn về lý luận và thực tiễn của quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam, đặc biệt là thành tựu lý luận của 35 năm đổi mới, trong đó nhấn mạnh sự hoàn thiện hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân là quan điểm của Đảng ta đã được xác định từ năm 1994.

Sau đó, tại hội nghị Trung ương 8 (khóa VII) cũng đã nêu quan điểm rất rõ về nội dung này và từ đó đến nay, Đảng và Nhà nước ta không ngừng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

"Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư đã chỉ ra những điểm khác biệt cơ bản giữa Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và Nhà nước pháp quyền tư sản. Theo đó, pháp quyền dưới chế độ tư bản chủ nghĩa về thực chất là công cụ bảo vệ và phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản, còn pháp quyền dưới chế độ xã hội chủ nghĩa là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân.

Thông qua thực thi pháp luật, Nhà nước bảo đảm các điều kiện để nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị, thực hiện chuyên chính với mọi hành động xâm hại lợi ích của Tổ quốc và nhân dân", PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nói.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam đã thể hiện rất rõ trong thực tiễn đổi mới, luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết. Bằng chứng là quyền lực chính trị, lợi ích kinh tế, quan hệ xã hội, tư tưởng làm chủ của nhân dân đã được ghi trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH và cũng được ghi rõ trong Hiến pháp năm 2013.

“Có thể nói đây là vấn đề rất lớn và đáng quan tâm trong xây dựng CNXH, bởi vì trong 8 đặc trưng của CNXH ở Việt Nam mà Cương lĩnh năm 2011 đã nêu, trong đó có đặc trưng là có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư đã làm rõ bản chất tốt đẹp của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bản chất đó thể hiện quyền lực thuộc về nhân dân. Bài viết cũng trở lại những tư tưởng rất căn bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền”, ông Phúc cho hay.

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cũng nhấn mạnh, đến bây giờ, tư tưởng về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã tương đối rõ cả về nhận thức lý luận và hoạt động thực tiễn, với 6 đặc trưng cơ bản, trong đó có đặc trưng “tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”, điều này cũng đã được khẳng định trong Hiến pháp 2013.

Kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa không tách rời nhau

Cũng bàn về nội dung này, Thạc sĩ Đặng Thị Minh Hảo, Giảng viên chính Khoa Xây dựng Đảng (Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong) cho biết, Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm rõ những vấn đề cốt lõi về chế độ xã hội mà Đảng và nhân dân ta kiên định trong quá trình đổi mới.

Như vậy, kinh tế thị trường và định hướng XHCN không tách rời nhau, bảo đảm thống nhất với hai yêu cầu.

"Một là, kinh tế thị trường tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường. Hai là, định hướng xã hội chủ nghĩa "là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển";"“không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần", bà Hảo cho hay.

Theo bà Hảo, đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc phù hợp với quan điểm “phát triển nền kinh tế nhân văn” để làm cho mỗi người dân và cả dân tộc được hưởng thành quả của công cuộc đổi mới.

Tổng Bí thư cũng nêu rõ việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là "công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân”. Quan điểm này giúp chúng ta nhận thức rõ hơn về bản chất nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - không đồng nhất nhà nước pháp quyền với nhà nước tư sản.

"Sự lý giải rõ ràng, thuyết phục những vấn đề lý luận, thực tiễn trong bài viết khiến chúng ta càng thấm thía hơn về giá trị của chủ nghĩa xã hội và niềm tin sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện thắng lợi những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra", Thạc sĩ Đặng Thị Minh Hảo nhìn nhận.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.