Tài chính

Từ biệt 2020 đầy biến động, đón 2021 chuyển đổi số

Dù trải qua một năm đại dịch Covid-19 đầy thử thách khắc nghiệt, Việt Nam vẫn đạt nhiều thành tựu đáng tự hào.

img

Một số kết quả phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2020

Đó là: Tăng trưởng dương về kinh tế, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Chủ tịch luân phiên ASEAN và Thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đây sẽ là tiền đề để Việt Nam chào đón năm 2021 trên một tầm cao mới…

Tìm cơ hội trong thử thách nghiệt ngã

Việt Nam đã ngăn chặn đại dịch lây lan trong cộng đồng, kịp thời chuyển từ cách ly toàn xã hội sang cách ly nghiêm ngặt từng khu vực hạn chế, cho phép kinh tế hồi phục từng bước, tạo việc làm và thu nhập cho người dân và tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài. Chính phủ đã kịp thời có gói cứu trợ cho các doanh nghiệp gặp khó nhưng giải ngân còn hạn chế.

Với nỗ lực của toàn dân, Việt Nam trở thành nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng GDP 2,91%, cao nhất Đông Nam Á trong khi đại dịch đã gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu, GDP toàn cầu tăng trưởng âm, đầu tư nước ngoài sụt giảm đến -40%.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá GDP của Việt Nam năm 2020 sẽ đạt 240 tỷ USD, vượt qua quy mô kinh tế của Singapore (GDP khoảng 337 tỷ USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư ở Đông Nam Á.

Chiến lược đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế đã đem lại kết quả tích cực: Việt Nam đã ký kết 14 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) trong đó có Hiệp định Hợp tác kinh tế toàn diện Xuyên Thái Bình Dương CPTPP, Hiệp định Thương Mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã kịp thời mở ra cơ hội rộng lớn cho xuất khẩu của Việt Nam các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, dệt may, da giày, điện tử vì cơ cấu kinh tế EU và Việt Nam chủ yếu bổ sung cho nhau.

Nông nghiệp đã có đóng góp xuất sắc cho tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực, đóng góp vào ổn định xã hội, vượt qua bão lũ ở miền Trung, xâm nhập mặn ở ĐBSCL, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 42 tỷ USD.

Năm 2020 cũng cho thấy những diễn biến bất lợi của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xói lở bờ sông, khô hạn… đòi hỏi phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thích nghi với những biến động khó lường này. Nông dân ĐBSCL đã chuyển từ hai vụ lúa sang một vụ lúa, một vụ tôm, đạt thu nhập cao hơn so với trước đây.

Trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam, các ngành giao thông vận tải, du lịch, khách sạn, nhà hàng chịu thiệt hai nặng nề nhất; du lịch bằng du thuyền đã từ một dịch vụ sang trọng trở thành phá sản vì khách hàng lo ngại bị lây lan virus trên tàu.

Xe đạp điện đắt khách trong khi dịch vụ xe buýt công cộng ế ẩm vì người dân tránh tiếp xúc với đám đông. Làm việc từ xa, học trực tuyến, thương mại điện tử, giao hàng trực tuyến… phát triển nhảy vọt, nhu cầu về máy tính và dịch vụ công nghệ thông tin tăng mạnh. Hàng dệt may ế ẩm nhưng nhu cầu về khẩu trang, nước diệt khuẩn, dịch vụ y tế tăng cao… Có thể thấy trong khó khăn vẫn xuất hiện cơ hội có thể nắm bắt và tận dụng.

Thích nghi với trạng thái bình thường mới

Đại dịch còn tiếp diễn phức tạp, không ai biết vaccine có hiệu lực đến đâu và khái niệm “hậu Covid-19” xuất hiện trong một số giới học thuật và báo chí là chưa chính xác và gây nhầm lẫn vì chưa biết đại dịch sẽ được kiểm soát và kết thúc lúc nào.

Tết Nguyên đán Tân Sửu năm nay chắc chắn sẽ khác trước, phải tránh tụ tập đông người dẫn đến lây lan bệnh dịch. Đại dịch đã và sẽ tiếp tục làm thay đổi hành vi và thói quen của hàng triệu người trên thế giới, thay đổi thói quen tiêu dùng, mua bán trong xã hội, đòi hỏi Nhà nước, doanh nghiệp và người dân phải linh hoạt và thích nghi.

Cái gì còn đúng cho ngày hôm qua có thể sẽ không phải là giải pháp thích hợp cho hôm nay hay ngày mai. Linh hoạt, kịp thời vượt qua những tập tục, thói quen cũ, kịp thời thích nghi với trạng thái bình thường mới là cách ứng xử thích hợp hiện nay, chính khách gặp nhau vẫn đeo khẩu trang, không còn bắt tay mà chỉ chào nhau và động vào khuỷu tay…

Trong cuộc khủng hoảng đó, chủ nghĩa dân tộc trong kinh tế trỗi dậy, đòi hỏi mỗi nước cần tự chủ tối thiểu về thuốc men, thiết bị y tế để đối phó với đại dịch, quan điểm tuyệt đối hóa ưu thế giá rẻ của hàng hóa và dịch vụ để ưu tiên nhập khẩu từ nước ngoài bị phê phán và được xem xét lại khi nhập khẩu về không kịp thời, thuốc men đã đặt mua bị khách hàng khác trả giá cao hơn lấy mất... Toàn cầu hóa bị phán xét nghiêm khắc, vai trò của Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO bị thách thức và đòi hỏi phải cải tổ. Vị thế của các nền kinh tế trên thế giới thay đổi trong đại dịch này.

Đại dịch đã làm thế giới thay đổi và sẽ không quay lại mô hình trước đây.

Chuyển đổi số hay là “chết”?

Mặt khác, giãn cách xã hội trong đại dịch thúc đẩy cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ hơn, nhanh hơn và sâu sắc hơn, thúc đẩy những thay đổi sâu rộng trong toàn bộ xã hội và nền kinh tế bằng vận dụng kinh tế số, thương mại điện tử xuyên biên giới vừa tránh được lây lan của đại dịch, tránh bị nhiễm bệnh, giảm bớt đi lại bằng phương tiện công cộng, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế. Làm việc từ xa, học qua mạng, thương mại điện tử, giao hàng tận nhà, khám bệnh từ xa qua mạng… phát triển nhanh chóng, tạo ra thói quen làm việc và sinh hoạt mới.

Chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tác động đến từng doanh nghiệp, từng gia đình và mỗi một cá nhân.

Nếu như trước kia các giao dịch của doanh nghiệp thường được thực hiện qua giấy tờ, máy in, máy fax, chữ ký, con dấu là những điều quen thuộc đối với doanh nghiệp thì sau khi sử dụng máy tính, mọi tài liệu được thực hiện và lưu trữ qua máy tính. Đó là quá trình tin học hóa, có thể coi là bước đầu của chuyển đổi số.

Chuyển đổi số ngày nay không chỉ là xu thế phát triển mà đã trở thành điều bắt buộc đối với doanh nghiệp để thực hiện kết nối trong nền kinh tế số hóa trong chuỗi giá trị. Có thể khẳng định rằng, nếu không chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ bị đẩy ra ngoài chuỗi giá trị toàn cầu, hội nhập quốc tế, mất cơ hội kinh doanh và bị tụt hậu. Chuyển đổi số diễn ra ở cấp độ quốc gia (Chính phủ điện tử), doanh nghiệp, gia đình và mỗi một cá nhân.

Ngày 3/6/2020, Chính phủ đã phê duyệt và ban hành “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với ba trụ cột chính gồm: Xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số. Đây là kim chỉ nam cho các định hướng phát triển, thực hiện trong thời gian tới.

Đối với kinh tế số phải đạt mục tiêu chiếm 20% trong tổng số GDP năm 2025, năng suất lao động hàng năm phải tăng tối thiểu 7%, tỷ trọng kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực tối thiểu phải đạt 10%, Việt Nam phải đứng trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu về công nghệ thông tin, thuộc nhóm 50 quốc gia dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI), thuộc nhóm 35 quốc gia dẫn đầu về chỉ số đổi mới, sang tạo (GII), thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về an ninh mạng; xã hội số đạt mục tiêu mỗi người dân có điện thoại thông minh, cáp quang đến 100% xã, phường, tỷ lệ tối thiểu 50% người dân có tài khoản thanh toán điện tử...

Chương trình xác định 8 lĩnh vực ưu tiên cho chuyển đổi số như: Y tế, giáo dục và đào tạo, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải và logistics.

Theo Chương trình này, Chính phủ chấp nhận thử nghiệm sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh doanh số khi chưa có văn bản pháp lý đầy đủ, song song với việc hoàn thiện hành lang pháp lý.

Có thể nói năm 2021 sẽ là năm chuyển đổi số của Việt Nam, máy bay, tàu hỏa, xe buýt sẽ được kết nối internet, GTVT và thông tin truyền thông sẽ kết hợp chặt chẽ với nhau, đem lại tiện ích lớn cho người dân, tiết kiệm thời gian và chi phí, nâng cao hiệu quả và năng suất lao động xã hội.

Xã hội sẽ trở nên cởi mở hơn, dân chủ hơn khi thông tin được chuyển tải và trao đổi giữa các công dân, thông tin vượt qua biên giới mở rộng tầm nhìn, hiểu biết và suy nghĩ của người dân. Người nông dân có thể tưới tiêu qua máy tính, kết nối với máy đo độ ẩm và đo mực nước. Nhà nhập khẩu trái cây, rau quả từ Nhật Bản, Hàn Quốc có thể quan sát vườn cây, thu hoạch, đóng gói từ nước họ. Mua bán trở nên công khai minh bạch hơn và tiện lợi hơn.

Nhà nước sẽ phải phản ứng trước các diễn biến trong nước và ngoài nước kịp thời hơn. Dĩ nhiên, quá trình chuyển đổi sẽ không diễn ra dễ dàng, trôi chảy, những khó khăn sẽ xuất hiện nhưng chắc chắn sẽ được vượt qua.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.