Thế giới

Từ bỏ cuộc sống yên ấm, về quê chống IS

01/12/2014, 11:12

Một gia đình quốc tịch Đức gốc Iraq đã rời bỏ cuộc sống hòa bình êm đềm để quay trở về Iraq dẫn đầu đội quân người Kurd chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo.

Ông Qassim Shesho (phải) và con trai út Yassir Qassim Khalaf (trái)
Ông Qassim Shesho (phải) và con trai út Yassir Qassim Khalaf (trái)

Chiến đấu vì danh dự

Một ngày cuối tháng 11, phóng viên CNN tìm đến ngôi làng Sheref ad-Din dưới chân núi Sinjar, phía Bắc Iraq, nơi có những ngôi đền linh thiêng nhất đối với cộng đồng thiểu số người Kurd theo đạo Yazidi. Tại đây, phóng viên bắt gặp hình ảnh ông Qassim Shesho đứng trên ngọn núi Sinjar hướng ánh nhìn xa xăm ra những dãy núi rộng lớn trên sa mạc.

Bề ngoài, ông Shesho tỏ ra rất bình thản nhưng sâu thẳm trong lòng, người đàn ông đã có tuổi này đang vô cùng lo lắng cho số phận của ngôi làng Shref ad-Din phía sau lưng. Nơi đây chỉ cách phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) khoảng ba km. Ông đang là chỉ huy của khoảng 2 nghìn binh lính Yazidi chống IS. 

Ít ai biết rằng, chỉ vài tháng trước, ông Shesho có cuộc sống yên bình tại Đức. Gia đình ông rời Iraq tới Đức từ năm 1990 khi con trai út mới hai tuổi và đã trở thành công dân Đức. Ông Shesho nói: “Tôi sống ở Đức đã 24 năm nay, tôi căm ghét giết chóc và chiến tranh” nhưng “tôi quay trở lại Iraq vì những người bạn của tôi ở đây. Tôi đến để bảo vệ đất nước tôi, gia đình tôi và tôn giáo của tôi. IS là bọn khủng bố”.  

Yazidis là một trong những cộng đồng tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới. Họ luôn phải chịu sự hành hạ vì nhiều người theo Đạo Hồi cho rằng họ thờ cúng ma quỷ. Phiến quân IS bắt họ phải chuyển sang đạo Hồi. Phụ nữ rơi vào tay IS đều bị coi như: Nô lệ, hãm hiếp và đem ra mua bán, còn đàn ông bị hành quyết”.

Lần quay trở lại Iraq này, ông Shesho không đi một mình mà đồng hành cùng Yassir Qassim Khalaf 26 tuổi , con trai út của ông. Có thời điểm, cả 5 người con trai của ông đều theo cha chiến đấu chống IS, ba người trong số họ đã quay trở về Đức. Yassir và anh trai cả - Haydar Qassim Shesho vẫn ở lại. 

Trước khi sang Iraq, Yassir làm bán thời gian cho một số công ty và khách sạn nơi anh sinh sống. Anh Yassir chia sẻ: “Tôi rất vui và biết ơn quãng thời gian sống ở Đức”. Tuy nhiên, Yassir đã quyết định lên đường đến ngôi làng Sheref ad-Din tháng 9 vừa qua, ngay sau cuộc tấn công người dân Yazidis đầu tiên của IS.

Trong cuộc tấn công này, IS đẩy hàng nghìn người Yazidis vào vòng vây trên núi, không có lương thực, nước và thiết bị y tế. Không quân Iraq và các chiến binh người Kurd (peshmerga) đã sử dụng trực thăng giải cứu được một số gia đình. Sau đó, quân đội Mỹ thực hiện không kích, mở đường cho hàng nghìn người khác chạy thoát sang nước láng giềng Syria và lãnh thổ người Kurd tại Iraq.

Tuy nhiên, ác mộng IS vẫn tiếp diễn đối với hàng nghìn người khác còn kẹt trên núi. Yassir chia sẻ: “Tôi thực sự muốn đến đây ngay từ khi IS tấn công ngôi làng, danh dự của chúng tôi bị bôi nhọ, gia đình và vợ con người Yassir chúng tôi bị bắt giữ”. 

Sẵn sàng chết tại Iraq

Yassir cho biết: “Tôi không thể ở Đức, sống cuộc sống xa hoa. Tôi không thể bỏ mặc bạn bè người thân đơn độc, còn mình chứng kiến tất cả những cảnh tượng đó qua TV” và khẳng định “một khi đã tới Iraq, tôi sẵn sàng chết tại đây”. “Tuy rời bỏ cuộc sống sung sướng tới vùng chiến sự không phải điều dễ dàng nhưng nếu trong hoàn cảnh của tôi, bạn cũng sẽ hành động như tôi”, Yazidis nói.

Khi được hỏi về cuộc chiến với IS, ông Shesho cho biết, “Tôi quyết định tới đây để bảo vệ Sinjar không phải để chiến đấu”…“Chúng tôi chỉ đang bảo vệ mảnh đất và những thánh địa của chúng tôi. “Họ (IS) mới chính là kẻ quyết đấu”.

Ông Shesho giận giữ nói, “IS muốn giết chết chúng tôi. Chúng muốn thành lập một Nhà nước Hồi giáo nhưng Đạo Hồi đâu phải những gì chúng đang làm. Chúng tôi mong muốn Mỹ thực hiện thêm nhiều cuộc không kích ở Sinjar và Dahouk để chúng tôi có thể quay trở về miền đất của mình, sống cuộc sống yên bình”. 

Được biết, ba cha con ông Qassim Shesho tại Iraq vẫn liên lạc với bạn bè và gia đình ở thị trấn Bad Oeynhausen, bang Bắc Rhine-Westphalia, Đức khi điều kiện cho phép. Cuộc chiến khắc nghiệt tại Iraq khiến vợ ông Shesho ngày đêm lo lắng cho an toàn của ba cha con. Và họ an ủi bà bằng cách “cứ ba lần một tuần, gửi ảnh và tin nhắn cho biết mọi chuyện vẫn ổn”. 

Xuân Minh  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.