An ninh hình sự

Từ cánh cổng trại giam trở về làm cô giáo

21/02/2015, 10:57

Mang án 15 tháng tù, chị đã cải tạo tốt để được tự do, thành giáo viên phụ đạo được HS quý mến.

co 1
Chị Phương trong lớp học mở tại nhà. Ảnh: Hải Bình.

Hơn một năm từ lúc rời khỏi trại giam, chị Tăng Thị Lan Phương (41 tuổi, trú tại phường Quang Trung, thành phố Vinh) hiện là giáo viên dạy thêm trong căn phòng chật hẹp ở khu chung cư cũ. Hạnh phúc khi được những đứa trẻ gọi trìu mến là cô giáo, song trong sâu thẳm ký ức người phụ nữ này vẫn chưa thể quên những tiếng kêu cót két của cánh cửa trại tạm, những đêm thức trắng đếm ngược thời gian đợi ngày được tự do.

Cô kể hạnh phúc dang dở nên ở tuổi 40 khao khát tìm được một nửa song không ngờ đã lạc lối. Tháng 1/2012, chị Phương tình cờ quen Lê Thanh Hải (44 tuổi, trú tại Hà Nội) là Việt kiều trở về thăm quê mà không biết sau vẻ bề ngoài lịch lãm, Hải là tay trùm điều hành đường dây sản xuất ma túy đá lớn nhất thành Vinh. Tròn 3 tháng quen nhau, Hải và một số người bị bắt. Dù không trực tiếp tham gia đường dây nhưng có một số hành vi liên quan, Phương bị phạt 15 tháng tù, còn Hải lĩnh án 18 năm.

“Lúc bị bắt tôi đã ngất lịm bởi không nghĩ bị liên quan tới Hải. Những ngày đầu tại trại tạm giam không lúc nào nước mắt ngừng rơi. Lần đầu tiên khi nghe tiếng cánh cửa phòng giam đóng lại, tôi đau đớn tột cùng, chỉ muốn tìm đến cái chết", Phương kể.

Nhưng rồi những lời động viên của cán bộ công an, lời chia sẻ của một số người cùng buồng giam đã khiến chị thay đổi suy nghĩ. “Tình cờ một lần bị áp giải đi lấy lời khai, đang rảo bước giữa sân nắng thì gặp bạn cùng lớp thời cấp 3 làm cán bộ viện kiểm sát, tôi đứng sững lại cúi mặt nghẹn khóc, định bỏ chạy vì xấu hổ”, Phương nhớ lại.

Trước ngày hầu tòa, chị đã lâm vào trạng thái hoảng loạn. Nhưng rồi bức thư của người cha già nhận vào đêm giao thừa 2013 đã đánh thức tất cả suy nghĩ khờ dại của đứa con đang bị tạm giữ. “Cầm phong bì thư của bố mà nước mắt lã chã, đôi tay run run. Vừa khóc vừa đọc hết những dòng từ tâm can của cha mà tôi như được tiếp thêm sức mạnh", cô nói.

Sau đêm giao thừa đầy năm đó, chị quyết tâm cải tạo tốt để sớm về đoàn tụ với gia đình. Ba tháng sau khi tòa tuyên án, sáng sớm 30/6/2013, chị được tự do, ứa nước mắt khi thấy cha già đạp xe tới đón. "Hai cha con ôm riết lấy nhau không nói nên lời", chị nhớ lại.

co 2

Chị Tăng Thị Lan Phương không bao giờ quên những dòng tâm sự của người cha già đã giúp chị tìm lại ánh sáng cuộc đời. Ảnh: Hải Bình.

Biết con gái mặc cảm, không muốn con phải lang bạt ra thương trường buôn bán mưu sinh, ông Tăng Ngọc Nuôi (bố chị Phương) quyết định kèm cặp để con nối nghiệp dạy học của mình. “Lúc chuẩn bị rời trại, tôi có nói với cán bộ trại giam rằng muốn theo nghề dạy học. Thời còn nhỏ bố mẹ đã định hướng cho tôi theo nghề này rồi nhưng hoàn cảnh khó khăn phải rẽ sang một hướng khác để nhường cho các em ăn học”, chị nói.

Hiện, căn phòng chật hẹp kê gần chục bàn gỗ là nơi dạy học của hai cha con Phương. Điều đặc biệt ở lớp này là học sinh nhiều trình độ khác nhau, học nhiều môn khác nhau, bài của ai thì người đó học. Phương được ông Nuôi giao phụ trách môn Toán cho học sinh từ lớp 5 đến 9, có lúc lớp lên đến 30 em phải chia thành nhiều ca trong ngày.

Với sự tận tâm, phương pháp giảng dễ hiểu, nhiều phụ huynh đã gửi con tại đây với mức phí 20.000 đồng một buổi.

Chị Nguyễn Thị Trình (38 tuổi, trú phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh) dù biết quá khứ của cô Phương song vẫn gửi hai con. “Tôi nghĩ quan trọng là cô Phương truyền kiến thức cho các cháu như thế nào. Quá khứ đã qua rồi, đời người ai cũng có những lúc lỗi lầm”, chị Trình bày tỏ.

Cùng suy nghĩ, phụ huynh tên Trang chia sẻ qua nhiều lần tiếp xúc với cô giáo Phương thì nhận thấy là người dễ gần. Điều chị cảm phục ở người phụ nữ này là những bài học về cuộc sống truyền cho các con rất bổ ích. Hai con của chị từ ngày học tại đây đã trở nên lễ phép, chăm làm việc nhà giúp bố mẹ.

Ông Thái Mạnh Hùng, Trưởng công an phường Quang Trung, thành phố Vinh (Nghệ An) nhận xét, chị Phương và gia đình sống hòa nhập với bà con khối phố, được mọi người rất quý mến.

"Tôi muốn nhắn nhủ với những ai đã một lần lầm lỗi rằng lúc đang ở khúc quanh của con đường bóng tối nên nhìn để bước tiếp con đường có ánh mặt trời. Phía cuối sẽ là ngôi nhà, là tổ ấm với những người thân đang chờ đợi”, chị Phương tâm sự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.