Thi viết về GTVT

Từ cánh đồng ngập nước đến Đại lộ Đông - Tây

10/08/2022, 08:00

Đại lộ Đông - Tây hoàn thành đã kéo giảm ùn tắc khu vực trung tâm TP.HCM và là điểm nhấn ở cửa ngõ vào Thủ Thiêm.

img

Đại lộ Đông - Tây hoàn thành thay đổi diện mạo bộ mặt đô thị, nhiều cao ốc mọc lên hai bên đường

Thuê xe cho dân đi khánh thành đại lộ

Hơn 10 năm nay, cứ tầm 4h chiều hàng ngày, ông Nguyễn Tường Cát, 75 tuổi nguyên Bí thư phường 16, quận 5 đều đặn ra công viên nằm bên Đại lộ Đông - Tây gần đường Huỳnh Mẫn Đạt tập thể dục cùng bạn bè.

Theo ông Cát, công viên nằm bên bờ kênh có nhiều cây xanh tỏa bóng mát, nhiều máy tập thể dục nên người dân rất hào hứng.

Ông Cát nhớ lại, sau năm 1975, người dân từ các tỉnh miền Tây tập trung đến đây sinh sống, mua bán ngày một đông. Họ chủ yếu đi bằng ghe, xuồng chở rau củ quả từ miền Tây lên thành phố bán rồi chở các sản phẩm trang trí nội thất, lư đồng xuôi về miền Tây.

Dần dà, các căn nhà nhỏ lụp xụp được dựng lên sát nhau hai bên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé khiến lòng kênh hẹp lại, chỉ còn đủ cho hai tàu qua lại.

Ông Danh Cư, 64 tuổi, nguyên Bí thư phường 16, quận 8 kể, trước đây người dân muốn đi vào trung tâm thành phố phải đi theo đường An Dương Vương vốn là đường đất, ra vòng xoay Phú Lâm, rất xa và mất thời gian.

Phường 16 cách chợ Bến Thành khoảng 14km, trước đây bị chia cách với quận 8 bởi bao quanh là kênh Lò Gốm, rạch Ruột Ngựa. Nơi đây hơn 15 năm trước là những ruộng đồng, dừa nước, mỗi lần thủy triều là ngập nặng.

“Khi có thông tin mở Đại lộ Đông - Tây, người dân rất phấn khởi, việc giải phóng mặt bằng rất thuận lợi, không có vụ thưa kiện nào xảy ra. Ngày khánh thành tuyến đường, lãnh đạo phường 16 còn thuê một chiếc xe ô tô lớn đưa người dân về quận 1 tham dự.

Trước đây, không ai nghĩ sẽ có ngày cánh đồng thường xuyên ngập nước biến thành con đường rộng đẹp như giờ!”, ông Cư chia sẻ.

img

Ông Nguyễn Tường Cát, P16, Q.5 đi tập thể dục mỗi ngày tại công viên nằm bên đại lộ

Ngồi trước nhà (số 100 Võ Văn Kiệt, quận 5) ngắm dòng xe qua lại trên đại lộ rộng thênh thang, bà Trần Thị Cẩm Vân, 68 tuổi cho biết, gia đình bà sống tại căn nhà này từ năm 1932, đến bà là đời thứ 4.

Theo bà Vân, trước năm 2000, từ bến Hàm Tử, quận 1 đi dọc kênh Bến Nghé đường chỉ đủ cho hai xe tải qua lại, người dân chủ yếu sống bằng nghề mua bán than củi. Nhà cửa lụp xụp, lấn ra kênh Tàu Hủ, nước sinh hoạt xả thẳng xuống kênh gây ô nhiễm nặng. Khi hay tin có dự án làm Đại lộ Đông - Tây, người dân đều vui mừng, nhận tiền đền bù và chuyển đi nơi khác sinh sống.

“Nhà tôi dài 18m, bị cắt chỉ còn 6m dài và 3m ngang. Cả nhà ai cũng buồn nhưng vì cái chung, giờ đường to, thông thoáng, kênh sạch sẽ.

Khi công nhân thi công đường dựng lán trại để ở, nước sạch thiếu nên phải xin của dân. Suốt mấy năm, tình cảm trở nên gắn bó. Bây giờ các anh em thi công đường lúc đó đều lớn tuổi, thi thoảng vẫn có người đến thăm, nhắc chuyện về con đường này”, bà Vân tâm sự.

Đại lộ mở, đô thị khang trang

img

Đại lộ Đông - Tây giảm ùn tắc giao thông khu vực trung tâm thành phố, kết nối với các tuyến đường huyết mạch Đông - Tây

Đại lộ Đông - Tây phần đường Võ Văn Kiệt chạy dọc kênh Tàu Hủ - Bến Nghé từ nút giao QL1 huyện Bình Chánh đến ngã ba đường Yersin gần cầu Calmette, quận 1; vượt sông Sài Gòn bằng hầm Thủ Thiêm phần đường Mai Chí Thọ nối vào Xa lộ Hà Nội tại ngã ba Cát Lái, TP Thủ Đức, có tổng chiều dài 22km.

Toàn tuyến đi qua địa bàn các quận 1, 5, 6, 8, Bình Tân, huyện Bình Chánh và TP Thủ Đức, tạo thành một tuyến trục giao thông Đông - Tây và kết nối hai đầu Đông Bắc - Tây Nam thành phố.

Theo ông Danh Cư, từ ngày tuyến đường Võ Văn Kiệt hoàn thành, giao thông đi lại dễ dàng, đặc biệt là kết nối về thương mại dịch vụ với các tỉnh ở miền Tây, giúp phát triển kinh tế phường 16, quận 8 nói riêng và TP.HCM nói chung.

Tính sơ bộ riêng phường 16 hiện nay có 8 chung cư cao tầng như: Carina, City Gate, Avila, Dimon Plaza, Vạn Phúc… thu hút hàng nghìn cư dân về sinh sống. Bên cạnh đó, còn có 5 dự án đang triển khai xây dựng. Phường 16 trước chỉ có 4 khu phố và 48 tổ dân phố, nay tăng lên 6 khu phố và 68 tổ dân phố.

Bên cạnh việc người dân xây sửa nhà cửa khang trang, hai bên Đại lộ Đông - Tây mọc lên hàng chục dự án chung cư lớn nhỏ san sát nhau với hàng nghìn căn hộ, có mức giá bán chênh lệch khá lớn, dao động từ 26 - 150 triệu đồng/m2 tùy phân khúc, vị trí, chất lượng, thời điểm bàn giao.

Dọc Đại lộ Võ Văn Kiệt từ nút giao QL1 đến hầm Thủ Thiêm hiện đã thay đổi hoàn toàn so với 15 năm trước. Từ đầu tuyến thuộc địa bàn quận Bình Tân, quận 8 trước kia được xem là vùng ven, đất đầm lấy, dừa nước… nay là những khu đô thị hiện đại như Akia vừa mới xây dựng, Ehome 3 đã vào hoạt động nhiều năm, khu dân cư Nam Hùng Vương…

Chạy dọc đại lộ qua các quận 8, 6, 5, những khu ổ chuột đã bị xóa sổ, thay vào đó là những lớp nhà mặt phố khang trang. Kênh Lò Gốm - Tàu Hủ - Bến Nghé đã dần thay màu nước. Quận 8 còn quy hoạch một khu vực phía bên kia bờ kênh, ngay đường Bến Bình Đông để khôi phục lại chợ hoa ngày Tết, cảnh trên bến dưới thuyền đã bắt đầu nhộn nhịp. Sở GTVT còn quy hoạch cả một tuyến buýt trên sông từ bến Bạch Đằng đến cảng Phú Định.

Ngoài xây dựng tuyến đường Võ Văn Kiệt, hầm Thủ Thiêm, Đại lộ Mai Chí Thọ… dự án còn xây dựng hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt của một khu vực rộng lớn ở quận Bình Tân, 5, 6, 8, 1… ngăn xả thải ra kênh rạch, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.

Qua hầm Thủ Thiêm, sang phía TP Thủ Đức là một diện mạo hoàn toàn khác. Dọc đường Mai Chí Thọ rộng thênh thang là những khu đô thị “tỷ đô” như Đại Quang Minh, đảo Kim Cương, Empri City… Ở đây có những căn biết thự đến trên 100 tỷ đồng, những căn chung cư hạng sang cũng hàng chục tỷ đồng.

Dự án lớn nhưng không có khiếu kiện đền bù

img

Hình ảnh trên bên dưới thuyền mỗi dịp Tết trở nên quen thuộc với người dân TP.HCM

Đã nhiều năm trôi qua, song ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.HCM, trước đây là Giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây vẫn còn nhiều cảm xúc khi kể về quá trình xây dựng đại lộ huyết mạch này.

Ông Phúc cho biết, công trình dự án Đại lộ Đông - Tây sử dụng 61.000 tấn thép, 450.000m3 thép bê tông, đào đất 3.300.000m3 đất đá và thời điểm cao nhất huy động tới 1.500 cán bộ công nhân viên phối hợp với 25 đơn vị cơ quan của thành phố để thi công.

Đây cũng là dự án mà công trường diễn ra trong phạm vi rộng nhất là 22km, từ bãi đúc Nhơn Trạch (Đồng Nai) đến khu vực hầm Thủ Thiêm.

“Đây là dự án đầu tiên sử dụng vốn vay ODA khi chưa có những chính sách và cơ chế rõ ràng, nhất là đối với công tác giải tỏa, đền bù với khối lượng di dời rất lớn.

Tuy nhiên, đây là một trong những dự án khá thành công trong công tác đền bù, GPMB vì không xảy ra bất kỳ một khiếu nại hay tranh chấp nào lớn”, ông Phúc nói và cho biết, cái được lớn nhất là TP đã có đội ngũ nhân sự học hỏi được nhiều kiến thức, kinh nghiệm, làm chủ được những công nghệ hiện đại và mới từ các đối tác nước ngoài, trong đó có việc làm đường, hầm Thủ Thiêm để có thể làm những công trình lớn sau này.

Dự án Đại lộ Đông - Tây có vốn đầu tư hơn 14.843 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Nhật Bản chiếm 69,14% tổng mức đầu tư.

Được khởi công từ tháng 1/2005, dự án hoàn thành và đưa vào khai thác phần đường phía Tây (nay là đường Võ Văn Kiệt) vào tháng 9/2009. Sau đó tiếp tục thực hiện và đưa vào khai thác đường hầm Thủ Thiêm và tuyến đường phía Đông (nay là đường Mai Chí Thọ) vào tháng 11/2011. Để thực hiện dự án, thành phố đã GPMB, tổ chức tái định cư cho hơn 10.000 hộ dân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.