SEA Games 32

Từ chàng trai miền Tây chất phác tới kỷ lục gia SEA Games

03/06/2023, 06:30

Dù ở đâu, nhà vô địch SEA Games 32 môn cử tạ Nguyễn Quốc Toàn luôn giữ được nét hồn hậu, chân chất của người miền Tây.

Anh chia sẻ, anh không có mối quan tâm nào khác ngoài tập luyện, thi đấu thật tốt để không phụ lòng thầy cô, cha mẹ.

Màn đổi màu huy chương ngoạn mục

img

Đô cử Nguyễn Quốc Toàn giành HCV SEA Games 32 nội dung 89kg, phá 3 kỷ lục Đại hội

Tại SEA Games 32, đô cử Nguyễn Quốc Toàn là VĐV duy nhất của Việt Nam phá 3 kỷ lục Đại hội. Toàn cũng chính là cái tên gây bất ngờ lớn nhất bởi trước khi bước vào tranh tài, anh không nhận nhiều kỳ vọng của giới chuyên môn do ở SEA Games 31, anh chỉ giành HCĐ.

Nhưng nếu ai chứng kiến bài thi của chàng trai sinh năm 2002 sẽ thấy việc anh trở thành nhà vô địch ở hạng cân 89kg cực kỳ xứng đáng và thuyết phục.

Ngay ở lần cử giật đầu tiên, Toàn đã san bằng kỷ lục cũ (150kg) trước khi phá sâu với mức tạ 155kg. Sang phần cử đẩy, anh cũng thành công với mức tạ 185kg rồi 190kg, phá kỷ lục cũ là 187kg.

Tổng thành tích 345kg anh tạo nên cũng hơn kỷ lục cũ tới 8kg.

Hơn hai tuần kể từ ngày tạo nên những cú đẩy tạ xuất sắc trên đất Campuchia, Toàn chia sẻ, anh vẫn chưa hết bất ngờ: “Tôi không dám nghĩ sẽ giành HCV chứ chưa nói tới việc phá 3 kỷ lục. Ban huấn luyện không tạo áp lực cho tôi, chỉ xác định tôi nằm trong top có thể cạnh tranh huy chương. Nhưng cũng chính vì thế mà tôi thi đấu rất thoải mái, thể hiện tốt nhất khả năng của mình”.

Trong khi đó, HLV Dương Thị Bích Tuyền, người trực tiếp chỉ dạy Toàn tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Cần Thơ cho hay, việc chọn những mức tạ cao ngay từ đầu là chiến thuật của ban huấn luyện nhằm gây áp lực cho các đối thủ, đẩy họ vào thế phải bám đuổi.

“Tất nhiên, chúng tôi có cơ sở để đưa ra chiến thuật như thế. Trong quá trình tập luyện, Toàn đã thực hiện được những mức tạ tương tự. Cũng có nhiều VĐV tập tốt nhưng khi thi đấu lại không tốt. Toàn thì khác, em có tâm lý vững vàng nên dễ dàng làm chủ được sức mạnh, kỹ thuật để thực hiện tốt bài thi.

Em cũng là VĐV khá toàn diện khi sở hữu cả sức mạnh lẫn kỹ thuật rất tốt. Về mặt kỹ thuật, em còn một vài lỗi nhỏ nhưng không đáng kể và không ảnh hưởng nhiều tới thành tích”, HLV Bích Tuyền đánh giá.

Bà Tuyền cũng chia sẻ, trước đây, Toàn thi đấu ở nội dung 81kg. Tuy nhiên, nội dung này có nhiều đối thủ mạnh, đặc biệt là nhà vô địch Olympic Ramah Erwin Abdullah (Indonesia) nên cơ hội giành HCV không cao. Vì thế, ban huấn luyện đã đẩy anh lên thi đấu nội dung 89kg để rồi “hái quả ngọt”.

“Tăng hạng cân đồng nghĩa thành tích phải tăng, lúc đầu chúng tôi cũng lo lắng cho Toàn nhưng em thích nghi rất nhanh. Ngoài tố chất sẵn có, em đặc biệt cần cù, có ý thức trong tập luyện nên các bài tập, yêu cầu của chuyên gia, của ban huấn luyện em đều hoàn thành”, tiếp lời HLV Bích Tuyền.

Kể thêm về việc tập luyện của mình, Nguyễn Quốc Toàn cho hay mỗi ngày anh đều tập hai buổi sáng và chiều.

Bên cạnh các bài tập chuyên môn với tạ, anh cùng đồng đội còn tập thêm thể lực, cơ bắp, các bài tập gánh, đẩy để bổ trợ và thúc đẩy thành tích.

“Một vài anh chị nhà báo hỏi tôi bí quyết giành chiến thắng, tôi trả lời chẳng có bí quyết gì ngoài việc chăm chỉ tập luyện, tuân thủ chặt chẽ giáo án của thày cô và khi thi đấu thì nỗ lực hết sức. Tôi nhận thấy mình cũng may mắn vì cho tới thời điểm này của sự nghiệp, tôi gần như chưa gặp phải chấn thương nào nặng”, nhà vô địch kiêm kỷ lục gia SEA Games 32 bộc bạch.

Mỗi năm về nhà đôi ba lần

Nguyễn Quốc Toàn sinh ra và lớn lên ở huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu trong một gia đình thuần nông và cũng không có truyền thống thể thao. Tuổi thơ của anh trôi đi khá êm đềm bên những con kênh, đồng lúa.

Bước ngoặt tới khi anh học lớp 5, các thày ở Trung tâm Huấn luyện TDTT Bạc Liêu và Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Cần Thơ về Bạc Liêu tuyển quân cho môn cử tạ.

“Khi thấy các thày thông báo sẽ được tuyển chọn để tập cử tạ, tôi háo hức lắm, dù khi đó hoàn toàn chưa hiểu thế nào là thể thao, thế nào là cử tạ. Cha mẹ ban đầu cũng ngăn cấm nhưng nhờ các thày thuyết phục, cộng thêm tôi cứ khăng khăng xin đi nên cuối cùng cha mẹ đã xuôi theo”, đô cử sinh năm 2002 nhớ lại.

Nhưng rồi cuộc sống xa gia đình đã khiến cậu bé 10 tuổi cảm thấy khó khăn: “Những ngày đầu, tôi nhớ nhà, nhớ hai em, nhớ bố mẹ. Cộng thêm việc tập luyện với cường độ cao, cơ thể mỏi rã rời nên tôi đã định xin thày cho về. Nhưng các thày động viên, làm công tác tư tưởng nhiều nên tôi quyết tâm ở lại. Rồi mọi thứ cũng dần đi vào quỹ đạo”.

Nhờ sự chỉ bảo tận tình của thày cô, cộng thêm sự nỗ lực và tố chất sẵn có, Toàn nhanh chóng trở thành niềm hy vọng của trung tâm.

Anh cũng chỉ mất 3 năm để giành những tấm HCV đầu tiên ở Giải Thanh Thiếu niên toàn quốc năm 2015. Kể từ đó, anh liên tục gặt hái thành công ở các giải đấu trong nước lẫn quốc tế mà đỉnh cao là tấm HCV cùng 3 kỷ lục tại SEA Games 32.

“Cha mẹ thấy tôi có chút thành tựu thì vui lắm nhưng người miền Tây vốn chất phác nên cũng không màu mè, không nói những lời bay bổng. Cha mẹ chỉ động viên là phải cố gắng nhiều hơn, lúc nào không cố được nữa thì về chăn vịt”, Toàn cười nói.

Thời gian đầu Toàn tập tại Tiền Giang, sau đó chuyển lên Cần Thơ cho tới nay, ngót nghét cũng hơn 10 năm. Dù từ Cần Thơ về quê khoảng cách chỉ chừng 100km nhưng mỗi năm Toàn chỉ về nhà được đôi, ba lần vì bận các kế hoạch tập luyện, thi đấu.

“Xa nhà miết cũng thành quen, giờ trung tâm như gia đình, các thày cô như bố mẹ còn đồng đội là anh em. Nếu có kỳ nghỉ dài, trung tâm thường bố trí xe đưa VĐV ở xa về thăm nhà. Mỗi lần về cũng chỉ vài ngày”, Toàn kể.

Đô cử 21 tuổi cho biết thêm, dù gia đình không khó khăn về tài chính nhưng tiền lương hàng tháng hay khi có thưởng anh đều bỏ ra phân nửa để gửi biếu bố mẹ.

Khi được hỏi về định hướng cho chặng đường sắp tới của sự nghiệp, chàng trai trẻ hồn hậu đáp: “Tôi chưa nghĩ gì, song sẽ cố gắng nâng cao thành tích và hướng tới mục tiêu các đấu trường lớn hơn ở châu lục và cả thế giới”.

Vài nét về Nguyễn Quốc Toàn

- Sinh ngày 18/7/2002 tại Phước Long, Bạc Liêu.

- Cao 1m73, nặng 88kg

Từng giành:

- 3 HCV tại Giải Thanh Thiếu niên toàn quốc 2015.

- 3 HCV Giải cử tạ trẻ vô địch quốc gia 2019.

- 3 HCV Giải cử tạ Thanh Thiếu niên châu Á 2019.

- 3 HCV Giải cử tạ vô địch quốc gia 2021.

- 1 HCĐ SEA Games 31 tại Việt Nam.

- 1 HCV, 3 kỷ lục SEA Games 32 tại Campuchia.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.