Xã hội

Từ chối 100 triệu, quyết tố trụ điện "bê tông trộn đất”

12/06/2016, 09:22

Hàng xóm xì xào, chê vợ chồng anh Hồi dại khi quyết định không nhận 100 triệu tiền “bồi dưỡng”...

Anh Hậu bên chiếc máy trộn bê tông mà đơn vị thi c

Anh Vũ Ngọc Hồi bên chiếc máy trộn bê tông mà đơn vị thi công trụ điện thuê để chạy nổ cho “vui tai”. Ảnh: Khánh Linh

Ngày 24/5, thông tin các trụ điện trên công trình đường dây 220KV Trực Ninh cắt đường dây 220KV Ninh Bình - Nam Định, do Công ty CP Sông Đà 11 thi công làm từ “bê tông trộn đất” được hai nông dân là anh Vũ Ngọc Hồi và Vũ Văn Thuận (xã Đại An, huyện Vụ Bản, Nam Định) tiết lộ, mở đường cho báo chí vào cuộc để rồi sau đó sự thật được làm sáng tỏ.

Vượt ruộng trong đêm ghi chứng cứ

Tìm về xã Đại An, hỏi anh Vũ Ngọc Hồi, người đứng ra tố cáo vụ trụ điện “bê tông trộn đất”, không ai không biết đến anh. Người dân nơi đây dành cho anh nhiều lời khen ngợi bởi lòng dũng cảm và sự chính trực.

Gặp anh Hồi, khi nhắc đến vụ trụ điện làm từ “bê tông trộn đất”, mắt anh Hồi chợt sáng lên: “Tính đến thời điểm này, đó là quyết định đúng đắn nhất cuộc đời tôi!”.

Anh kể, cuối tháng 2/2016, ông Nguyễn Văn Toán, Đội trưởng Đội thi công công trình hố trụ cột điện cao thế đã liên lạc với anh để thuê máy trộn cùng nhân công với giá 1,2 triệu đồng/ngày. Trong thỏa thuận, anh Hồi sẽ phụ trách trộn toàn bộ số bê tông cho hai móng cột với khối lượng trên 600m3. Đến cuối tháng 3, anh Hồi cùng 18 nhân công khác đưa máy trộn đến để đổ lớp bê tông lót trước khi đơn vị thi công tiến hành dàn sắt. Công việc hoàn thành chỉ trong một ngày, sau đó anh và nhân công nghỉ chờ tới công đoạn tiếp theo. “Hôm đó là ngày 19/4, đơn vị thi công gọi tôi cùng anh Thuận đến để trộn bê tông đổ vào khoang móng. Thế nhưng, khi tôi và anh Thuận đến thì ông Toán lại đề nghị nổ máy cho “vui tai” thôi (?!)”.

Đến chiều, ông Toán lại báo cho nhóm thợ của anh nghỉ để đơn vị tập kết vật liệu. Nhưng tới 15h, anh tìm đến công trường để bảo dưỡng máy thì vô tình thấy cảnh tượng hết sức khó hiểu khi bê tông đổ xuống khoang móng cao tới 80cm chỉ được nhào trộn bằng tay toàn đất, cát, đá, còn xi măng chỉ có một chút, chẳng đáng là bao. Thậm chí, không cần nhào trộn, máy xúc còn “vô tư” đổ trực tiếp đất vào khoang trụ.

Là người có kinh nghiệm hơn 10 năm thi công đổ bê tông cho nhiều công trình lớn nhỏ, chỉ cần nhìn qua, anh Hồi nhận thấy quy trình này không đúng trong nguyên tắc xây dựng. Lập tức, anh trao đổi với anh họ của mình là Vũ Văn Thuận. Sáng hôm sau, anh Thuận có mặt tại hiện trường thi công, tận mắt chứng kiến quy trình lạ lùng đến khó tin này liền bí mật quay clip để kiến nghị với ông Toán. “Chúng tôi đưa clip cho ông Toán xem và góp ý đơn vị thi công làm thế này là không đảm bảo chất lượng công trình. Ông Toán không nghe mà lấy lý do đất đá xung quanh quá nhiều nên phải làm cách này để xử lý bớt đi. Không hài lòng trước câu trả lời này, nghi đây là hành động làm ăn gian dối, có dấu hiệu rút ruột công trình, sợ làm tiếp sẽ bị vạ lây nên anh em chúng tôi quyết định nghỉ làm sau đó ít ngày”, anh Hồi bức xúc kể lại.

Dù nghỉ làm nhưng cả hai anh Hồi, Thuận cứ suy nghĩ mãi về vấn đề này. “Từ lúc phát hiện công nhân sử dụng đất trộn bê tông làm trụ điện, tôi cứ đứng ngồi không yên. Rồi nghe tin mới đây, cột điện tại Bắc Giang bị đổ sau trận mưa giông, thiệt hại ghê gớm lắm. Mà trụ điện này lại xây dựng trên đất quê mình, người dân quê hàng ngày qua đây, lỡ có làm sao thì tôi ân hận cả đời, có khi điều tra lại bị vạ lây vì mình biết sai phạm lại không tố cáo. Do đó, anh em tôi quyết định bí mật đến công trường lần nữa để tìm thêm bằng chứng tố cáo hành vi trộn đất vào bê tông của đơn vị thi công, đưa sự thật ra ánh sáng”.

Đêm 21, rạng sáng 22/5, hai anh quyết định băng tắt qua ruộng lúa thuộc cánh đồng Vồ (thôn An Hưng, xã Đại An, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), cầm theo điện thoại và đèn pin để tới công trường thi công ghi lại cảnh đổ cọc móng thứ 2. Để tránh sự phát hiện của công nhân, gần đến công trường, hai anh tắt đèn pin, dựa theo ánh sáng của trăng, nhẹ nhàng lẻn vào trong. Cả một công trình trọng điểm Quốc gia nhưng không có bất cứ một sự giám sát nào, cả công trường chỉ có thợ. Máy xúc vẫn hoạt động, thản nhiên xúc cả đống đất đổ vào khoang móng, sau đó công nhân tiến hành phủ lên trên một lớp bê tông dày hơn 10cm. Cả quá trình đổ mấy trăm khối bê tông chỉ mất hơn hai giờ đồng hồ. Dù tận mắt chứng kiến nhưng lần này do trời tối quá nên kế hoạch quay video của hai anh bị thất bại.

Sẵn sàng bán nhà để tìm sự thật

Anh Vũ Đức Thuận (người sát cánh cùng anh Hồi tron

Anh Vũ Đức Thuận (người sát cánh cùng anh Hồi trong quá trình phanh phui sự việc) chỉ vị trí công nhân đổ bê tông lẫn đất khi làm móng cột điện. Ảnh: Cao Tuân

Không quay được clip đêm hôm ấy nhưng clip mà anh Thuận ghi lại trước đó cũng đủ làm cơ sở để báo chí đặt ra nghi vấn và vào cuộc.

Ngày 24/5, thông tin nông dân tố cáo đơn vị thi công trụ điện làm bê tông từ đất được truyền đi. “Hàng xóm xung quanh biết tôi tố giác nên nói ra nói vào nhiều lắm. Có người không rõ bảo chúng tôi cố tình dựng chuyện để tống tiền rồi để trả thù, người khác chép miệng nói sao chúng tôi dại thế, “lấy trứng chọi đá”, nghĩ gì lại đi tố cáo một công ty xây dựng tầm cỡ đến thế.

Khoảng thời gian đó, tâm lý cũng bị ảnh hưởng ghê lắm, lại sợ anh Thuận nghe dân đồn đại mà khủng hoảng, nhụt chí rồi mình đang làm đúng lại nhận sai thì hỏng. Ngày nào tôi cũng qua nhà anh, hai anh em cùng động viên nhau”, kể đến đây, giọng anh Hồi dường như trầm lại.

Chị Vũ Quỳnh (35 tuổi), vợ anh Hồi cho biết: “Anh Hồi vững dạ thế nhưng cũng lo lắng vợ con vì mình mà bị ảnh hưởng, rồi hàng xóm bàn tán. Cá nhân tôi cũng sợ người ta tìm mình trả thù, nghe đâu bao nhiêu vụ tố giác rồi bị trả thù, nghĩ đến nhà mình lại không có cổng, ngay sát đường đi nên càng lo lắng hơn. Có lần anh Hồi ra công trường bị đơn vị thi công dọa đánh. Biết nguy hiểm, tôi vẫn cố gắng động viên chồng…”.

Từ lúc công khai sự việc trên báo chí, ngày nào anh cũng theo dõi tin tức. Có lần đọc được thông tin cho rằng, anh vì mâu thuẫn cá nhân khi không được nhà thầu thuê trộn bê tông nữa mà dàn dựng video để tìm cách trả thù. Anh cười xòa: “Lúc đó, tôi có khẳng định chắc chắn với cơ quan báo chí, toàn bộ nội dung tôi tố cáo là sự thật và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu như tố cáo sai. Mà biết đúng hay sai thì cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra là có ngay câu trả lời. Trong trường hợp được phép, tôi sẵn sàng bán cả nhà, cả gia tài của mình để cơ quan kiểm định vào kiểm định làm rõ trắng đen”.

Nghèo khó nhưng tâm sạch

Vợ chồng anh Hồi, chị Quỳnh sinh được ba người con, cháu lớn năm nay học lớp 11, hai cháu nhỏ đang học lớp 2 và mẫu giáo. Căn nhà hai tầng nhỏ nhắn xây năm 2005, ngoài số tiền anh chị dành dụm thì phải đi vay mượn gần 200 triệu đồng.

Thời gian xây nhà khá khó khăn khi chị vừa sinh bé thứ ba, không thể đi làm được, kinh tế gia đình đều do một mình anh Hồi lo liệu. “Có những ngày nằm nhà chăm con mà người ra người vào liên tục để đòi tiền, thời gian đó, gia đình khó khăn lắm. Giờ cũng đỡ nhiều, nhưng chưa thể nói là khá giả”, chị Quỳnh cho hay.

Ngày 31/5, Công ty CP Sông Đà 11 công bố kết quả kiểm định nhiều mẫu bê tông không đạt yêu cầu, chỉ đạt độ chịu lực là 12-13 newton/mm2. Trong khi đó, theo yêu cầu, các mẫu bê tông đã qua 29 ngày phải đạt độ chịu lực là 14 newton/mm2”.

Sự việc dần sáng tỏ, điều mà hai anh Hồi, Thuận tố cáo là đúng sự thật, bốn cán bộ phụ trách công trường và hai lãnh đạo chi nhánh công ty đã bị kỷ luật, các cột trụ điện chất lượng kém được yêu cầu phá bỏ và kiểm tra lại một loạt những trụ điện khác. Hiện Công an tỉnh Nam Định cũng đã vào cuộc điều tra.

Ngay tối 24/5, sau khi clip tố cáo được gửi đi, có hai nhóm người tự xưng là cán bộ của Công ty CP Sông Đà 11 tìm đến nhà anh để “nói chuyện”. “Lúc 16h có một nhóm, sau đó 23h họ lại đến nữa. Họ nói chuyện đến gần 24h, đề nghị biếu tôi 30 triệu đồng, sau tăng lên 100 triệu đồng để tôi rút lại các đơn thư nhưng tôi đã từ chối. Tôi nói rằng tất cả thông tin đều đã gửi cho cơ quan báo chí hết rồi, giờ họ có gặp tôi cũng không giải quyết được gì. Thế rồi họ ra về”, anh Hồi kể.

Không dừng lại ở đó, 10h sáng 26/5, một đoàn công tác khác do một người tự xưng là Nguyễn Văn Đương, chỉ huy trưởng công trình đến nhà để “nói chuyện” với anh Hồi. Theo đó, ông này đề nghị anh Hồi “giải quyết mâu thuẫn công việc” bằng cách thừa nhận ảnh và các clip quay là “mô tả cảnh công nhân để các xe chở đất ở cạnh trụ, móng cột cao thế” chứ không phải là dùng để đổ bê tông như anh đã tố cáo. “Họ có ghi rõ trong biên bản lập sẵn là sẽ bồi thường cho tôi nhưng tôi cương quyết không đồng ý ký vào biên bản này”.

Hàng xóm biết chuyện, lại tiếp tục xì xào nói vợ chồng anh Hồi dại, nhà không có điều kiện, người ta đưa tiền còn không nhận, nhất quyết đấu tranh rồi biết đâu lại bị trả thù. Bỏ ngoài tai những lời bàn tán, anh Hồi chia sẻ, với gia đình anh, 100 triệu là con số lớn nhưng anh luôn tâm niệm và dặn con cái rằng mình khó khăn nhưng luôn phải giữ tâm sạch. Nếu cột điện chất lượng kém kia mà hoàn thành, đưa vào sử dụng thì biết được điều gì sẽ xảy ra khi mưa giông, gió lớn? Hàng xóm nói ra nói vào một thời gian rồi đến khi sự việc sáng tỏ, chắc chắn sẽ hiểu ra.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.