Chuyện dọc đường

Từ chuyện “xin” vé nghĩ về tư duy quản doanh nghiệp

05/06/2020, 06:33

Chuyện Tổng cục Du lịch ra văn bản “xin” 400 vé máy bay đã lộ ra tư duy quản lý rất không ổn.

img
Ông Nguyễn Lê Phúc (trái), Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch phát biểu tại buổi gặp gỡ báo chí sáng 4/6 cho biết sẽ thu thồi văn bản “xin” 400 vé máy bay của Tổng cục Du lịch

Câu chuyện Tổng cục Du lịch ra văn bản “xin” nhưng bản chất là đề nghị các hãng hàng không “cung cấp” 400 vé máy bay miễn phí để phục vụ đoàn công tác triển khai chương trình kích cầu du lịch đã lộ ra tư duy quản lý rất không ổn.

Trước hết, phải khẳng định hoạt động kích cầu có ý nghĩa quan trọng giúp phục hồi ngành Du lịch nói riêng và kinh tế đất nước nói chung sau đại dịch Covid-19.

Vấn đề thực hiện như thế nào? Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, bên cạnh sự định hướng, vận động doanh nghiệp, cũng cần cố gắng vận dụng chính sách hỗ trợ để chung tay phục hồi nhanh nhất có thể.

Trên quan điểm này, việc Tổng cục Du lịch “xin” vé máy bay khiến các hãng hàng không rất khó xử bởi bản thân họ cũng đang khó khăn, cần được chia sẻ.

Trong khi chưa thể định hướng đưa ra sáng kiến giải pháp vượt khó, thì với một văn bản bâng quơ trên, Tổng cục Du lịch đã tạo thêm gánh nặng, áp lực cho doanh nghiệp.

Tại sao không phải 300 hay 500 mà là 400 vé? Tôi nghĩ Tổng cục Du lịch khó trả lời được.

Bởi, một khi có kế hoạch chi tiết tỉ mỉ thì cơ quan quản lý sẽ biết mình cần có mặt ở đâu, làm gì để vực dậy nền du lịch trong nước? Sau khi cân đối ngân sách vẫn còn thiếu nguồn lực mới đặt vấn đề một cách minh bạch hợp lý thì thiết nghĩ doanh nghiệp hàng không cũng không hẹp hòi sẵn sàng hỗ trợ.

Vì hơn ai hết, họ hiểu phát triển khơi thông du lịch cũng là tháo gỡ khó khăn cho ngành Hàng không.

Khi xây dựng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, tôi đã nhiều lần nhấn mạnh quan điểm: “Quản lý Nhà nước phải là đối tác của doanh nghiệp”.

Bản thân cơ quan quản lý Nhà nước có hai nhiệm vụ rất quan trọng.

Đó là xây dựng cơ chế chính sách và tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, thực tế không ít các cơ quan Nhà nước đang tự gắn mác “bề trên” áp đặt tư duy quản lý “là cha mẹ” để bắt ne bắt nét doanh nghiệp, phải thế nọ, phải thế kia…

Quay trở lại hoạt động liên minh kích cầu du lịch, ngay từ đầu năm, khi chọn 4 tỉnh: Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, để làm cụm đầu tiên đã khiến nhiều người hoài nghi mô hình liên kết này sẽ hoạt động như thế nào?

Bởi lẽ, kinh nghiệm từ những năm trước, cho thấy có hai yếu tố nếu không tháo gỡ thì tất cả hoạt động liên minh liên kết trong ngành Du lịch ở Việt Nam đều trở nên vô nghĩa.

Thứ nhất, là tâm lý “địa phương chủ nghĩa” bấy lâu đang thấm vào từng người lãnh đạo, ai cũng chỉ muốn quảng bá hình ảnh theo cách của mình. Thứ hai, mô hình quản lý nào, ai làm đầu mối, nguồn lực đâu để liên kết?...

Khi không giải quyết được những câu hỏi trên thì mọi liên minh đều trở nên đãi bôi, vô nghĩa.

Ban đầu thì “trống giong cờ mở”, đoàn này đoàn kia phát động rầm rộ sau khi rút đi thì lại “ai biết nhà nấy”! Mọi chi phí tổ chức quảng bá thành ra lãng phí.

Một khi tư duy quản lý không đi vào thực chất, vẫn thích thành tích, mỹ từ hào nhoáng thì vẫn còn nhiều hệ lụy tốn kém.

Ngành Du lịch cần phải xem xét lại mình đã và đang thực tâm, tận sức hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó với đúng nghĩa vụ và trách nhiệm hay vẫn đang đứng trên yêu cầu “cung cấp” cái này, cái kia?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.