Thời sự

Từ điểm nóng: Tường thuật giáp mặt tàu hộ vệ tên lửa

13/05/2014, 10:20

Thông tin mới nhất về tình hình căng thẳng tại giàn khoan Trung Quốc đặt trái phép tại vùng biển Hoàng Sa.

Chiều 13/5, thông tin mới nhất từ lực lượng Cảnh sát biển cho biết, một tàu của ta vừa bị tàu Trung Quốc đâm vỡ lan can. Dù ta đã cố hết sức né tránh, nhưng đối phương vẫn tìm mọi cách đâm, lao trực diện, gây thương vong.

Tường thuật của phóng viên Tiền phong, Tuổi trẻ từ hiện trường về cho biết, khi các tàu của ta tiến gần dàn khoan phát loa tuyên bố chủ quyền và đề nghị Trung Quốc rút tàu, giàn khoan, các tàu Trung Quốc liên tục cản trở, tìm mọi cách lao thẳng vào tàu ta uy hiếp.

Tàu cảnh sát biển lớn nhất VN cũng đã ra khơi bảo vệ chủ quyền

Trước hành động ngang ngược - hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép của Trung Quốc, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã điều tàu tuần tra đa năng cỡ lớn nhất mang số hiệu CSB 8001 ra khu vực để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Với công suất 12.000 mã lực, lượng giãn nước hơn 2.500 tấn và đặc biệt có tàu cứu sinh xuyên lửa, tàu tuần tra CSB 8001 được cho là hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á.

Tàu tuần tra CSB 8001 đã ra khơi, kiên quyết đấu tranh, dập tắt mọi âm mưu xâm lược của Trung Quốc, bảo vệ lãnh thổ Việt Nam
Tàu tuần tra CSB 8001 đã ra khơi, kiên quyết đấu tranh, dập tắt mọi âm mưu xâm lược của Trung Quốc, bảo vệ lãnh thổ Việt Nam

Đại tá Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt NamThu cho biết, tàu tuần tra CSB 8001 ra để tăng cường thêm cho lực lượng chấp pháp của ta tại vùng biển chủ quyền Việt Nam mà Trung Quốc đang xâm phạm.

Cũng theo ông Thu, tình hình tại khu vục Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép vẫn đang diễn biến phức tạp, căng thẳng. Đến nay, lực lượng chấp pháp của ta tại khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vẫn cơ bản giữ nguyên đội hình đấu tranh.

Trong sáng 13/5, tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã hung hăng bắn vòi rồng, đâm vào đuôi tàu Cảnh sát biển Việt Nam 4032 khiến tàu của ta bị móp đuôi. Tuy nhiên, các chiến sĩ trên tàu vẫn can trường, không chịu khuất phục, tiếp tục quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Theo Tiền Phong, tại vị trí giàn khoan HD-981 vẫn dày đặc tàu Trung Quốc. Cách giàn khoan khoảng 6 hải lý, người ta dễ dàng nhận thấy các tàu quân sự, tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc đang bảo vệ giàn khoan. Trong cùng là các tàu phục vụ dầu khí, ở giữa là các tàu hải giám hải cảnh, kiểm ngư Trung Quốc và tàu ngư dân. 

Các tàu chấp pháp Việt Nam hoạt động trong khu vực này, đều gặp phải sự ngăn cản, gây hấn của tàu Trung Quốc. Trước hành động gây hấn của tàu Trung Quốc, các tàu chấp pháp của Việt Nam vẫn khôn ngoan né tránh và hết sức kiềm chế, cũng như tìm các giải pháp ứng xử hòa bình trên biển.

Các tàu của Việt Nam liên tục phát loa bằng 3 thứ tiếng Việt Nam, Trung Quốc và tiếng Anh với nội dung: “Đây là vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Theo Luật Biển Việt Nam và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, mọi hoạt động của các vị trên vùng biển này là trái phép, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, đi ngược với Tuyên bố ứng xử của các bên đối với biển Đông. Yêu cầu các vị chấm dứt và đưa giàn khoan ra khỏi vị trí vùng biển Việt Nam”.

Tàu Cảnh sát biển Việt Nam 4033 trở lại tiếp tục nhiệm vụ

Theo thông tin mới nhất từ báo Người Lao Động, chiều 13/5, tàu Cảnh sát biển Việt Nam 4033 đã có mặt tại khu vực vùng biển Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan HD-981.

Mạn phải tàu Cảnh sát biển 4033 sau khi được sửa chữa và sơn hoàn thiện. (Ảnh: TTXVN)
Mạn phải tàu Cảnh sát biển 4033 được sửa chữa và sơn hoàn thiện. (Ảnh: TTXVN)

Tàu 4033 sẽ cùng với các tàu Cảnh sát biển, tàu Kiểm ngư của Việt Nam thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trước đó, vào sáng 3/5, tại tọa độ 15,31 độ vĩ Bắc–111,02 độ kinh Đông (cách giàn khoan trái phép HD-981 khoảng 10 hải lý), khi lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam ngăn chặn hành động xâm phạm trái phép của giàn khoan và lực lượng tàu bảo vệ của Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam, tàu Cảnh sát biển 4033 của Việt Nam đã bị tàu hải cảnh số hiệu 44044 của Trung Quốc lao tới, chủ động đâm thẳng vào mạn phải tàu. Hành động gây hấn của tàu Trung Quốc làm một số thủy thủ Việt Nam bị thương, mạn phải tàu bị bể, hỏng máy và các trang thiết bị khác.

Ngay khi tàu CSB 4033 cập bờ, các kỹ sư, công nhân của Tổng Công ty Sông Thu (Bộ Quốc phòng) đã gấp rút khắc phục, sửa chữa các hư hại, giúp tàu nhanh chóng quay trở lại khu vực Hoàng Sa để cùng các tàu khác của Việt Nam thực thi pháp luật, ngăn chặn Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép.

Sáng 13/5, tình hình trên biển vẫn hết sức căng thẳng, nhiều tàu Trung Quốc tiếp tục vây ráp, đâm, dùng vòi rồng phun vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam. Tuy nhiên, các tàu chấp pháp Việt Nam vẫn kiên quyết bám trụ, khôn khéo đối phó với những hành động gây hấn của Trung Quốc.

Tàu Trung Quốc hung hãn, khiêu khích tàu Việt Nam

Sáng 13/5, tường thuật của phóng viên Tiền Phong cho biết, tàu CSB 8003 tiếp tục nhận lệnh cơ động cùng các đội tàu Cảnh sát biển, Kiểm ngư cơ động tiếp cận giàn khoan HD 981 để làm nhiệm vụ tuyên truyền. 

Tàu Hải cảnh Trung Quốc hung hãn đâm thẳng tàu Cảnh sát biển Việt Nam (Ảnh VOV)
Tàu Hải cảnh Trung Quốc hung hãn đâm thẳng tàu Cảnh sát biển Việt Nam 

Các tàu cảnh sát biển Việt Nam kiên quyết vào sâu bên trong khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép để bám trụ và tuyên truyền yêu cầu phía Trung Quốc dừng các hoạt động hạ đặt và rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam. Chính vì vậy tàu Trung Quốc gia tăng các hành động gây hấn, đe dọa, xịt vòi rồng vào các tàu chấp pháp của Việt Nam.

Vào lúc 8h ngày 13/5, tàu Cảnh sát biển Việt Nam 8003 cách giàn khoan hơn 8 hải lý. Lúc này tàu 3411 của Trung Quốc bất ngờ xuất hiện, cắt mũi tàu 8003.

Khi tàu 8003 cách giàn khoan 6 hải lý, tàu 3411 của Trung Quốc bất ngờ tăng tốc đổi hướng về đuôi tàu 8003 và áp sát tàu ở khoảng 80m.

Chỉ huy tàu CSB Việt Nam 8003 phát loa tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc dừng ngay hoạt động trái phép trên vùng biển Việt Nam. Phía Trung Quốc ngang ngược tuyên bố đây là vùng lãnh thổ của Trung Quốc.

Trong khi đó, lúc 8h30 tàu CSB Việt Nam 4032 làm nhiệm vụ gần đó bị 2 tàu Trung Quốc mang số hiệu 2028 và 46001 kèm sát uy hiếp. Hai tàu Trung Quốc mở vòi rồng trùm lên tàu CSB 4032 của CSB Việt Nam và tăng tốc áp sát trực diện. Tàu CSB 4032 chủ động, lùi máy phòng tránh nhưng vẫn bị 2 tàu Trung Quốc hung hăng đâm vào gây móp mũi tàu. Rất may không có thương vong xảy ra.

Tàu CSB 8003 tiếp tục cơ động cùng các biên đội tàu bố trí đội hình tiếp cận giàn khoan. Lúc 8h35 tàu 8003 cơ động ra vị trí khác, nhưng tàu 3411 của Trung Quốc kèm ngang và một tàu khác đi song song hung hăng chặn các hướng đi của tàu.

Cũng theo Tiền phong, sáng 13/5, tại vị trí giàn khoan vẫn dày đặc tàu Trung Quốc. Cách giàn khoan khoảng 6 hải lý, người ta dễ dàng nhận thấy các tàu quân sự, tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc đang bảo vệ giàn khoan. Trong cùng là các tàu phục vụ dầu khí, ở giữa là các tàu hải giám hải cảnh, kiểm ngư Trung Quốc và tàu ngư dân. Các tàu chấp pháp Việt Nam hoạt động trong khu vực này, đều gặp phải sự ngăn cản, gây hấn của tàu Trung Quốc.

Trước hành động gây hấn của tàu Trung Quốc, các tàu chấp pháp của Việt Nam vẫn khôn ngoan né tránh và hết sức kiềm chế, cũng như tìm các giải pháp ứng xử hòa bình trên biển.

Các chỉ huy tàu Việt Nam cho biết, anh em chiến sĩ trên tàu vẫn tập trung cao độ sẵn sàng nhận nhiệm vụ với tinh thần quyết tâm cao nhưng không khiêu khích. Tất cả với mục tiêu tuyên truyền Trung Quốc dừng ngay việc hạ đặt giàn khoan trái phép và rút khỏi vùng biển chủ quyền biển Việt Nam.

Tàu Trung Quốc ngăn tàu Việt Nam tiếp tế thuốc men

Không chỉ gây hấn với các tàu chấp pháp Việt Nam thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, tàu Trung Quốc còn dùng thủ đoạn ngăn tàu Việt Nam tiếp tế thuốc men.

Tàu Trung Quốc chủ động tấn công tàu chấp pháp Việt Nam ( Ảnh: Cảnh sát biển)
Tàu Trung Quốc chủ động tấn công tàu chấp pháp Việt Nam (Ảnh: Cảnh sát biển)

Trả lời trên Thanh Niên, Ông Đoàn Thanh Lâm, đại diện Chi đội Kiểm ngư 3 (Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) cho biết trong ngày 12/5, khi tàu của Việt Nam tiếp tế lương thực thực phẩm, thuốc men cho các tàu đang làm nhiệm vụ  thì các tàu Trung Quốc có hành động ngăn cản tiếp tế.

“Hiện tất cả lực lượng kiểm ngư đều đang tham gia làm nhiệm vụ. Chúng ta xác định làm tất cả để giữ vững mối quan hệ Việt Nam với Trung Quốc, nhưng chúng tôi cũng quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia đến cùng, thậm chí chấp nhận hy sinh”, ông Đoàn Thanh Lâm nói.

Ông Lâm cho biết thêm, những ngày qua, lực lượng kiểm ngư vẫn giữ vững ý chí, quyết tâm cao bám trụ trên biển, đồng thời rất yên lòng bởi nhận được rất nhiều sự động viên cả về vật chất lẫn tinh thần từ nhân dân cả nước, đặc biệt không chỉ quan tâm các kiểm ngư viên mà còn chia sẻ với gia đình họ ở hậu phương.

Ngày 12/5, tàu Trung Quốc liên tục "bẫy" tàu Việt Nam

Theo thông tin từ Cảnh sát biển Việt Nam tính đến 17h ngày 12/5, nhiều tàu Trung Quốc bám sát các tàu của lực lượng chấp pháp Việt Nam.

Trung Quốc vẫn duy trì số lượng lớn tàu có máy bay hỗ trợ bảo vệ giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam (Ảnh QĐND)
Trung Quốc vẫn duy trì số lượng lớn tàu có máy bay hỗ trợ bảo vệ giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam (Ảnh QĐND)

Cụ thể lúc 8h40 khi cách nam giàn khoan HD 981 khoảng 7 hải lý, tàu hải cảnh Trung Quốc 3401 sử dụng vòi rồng phun nước vào tàu Trường Sa 22 của Việt Nam. Tiếp đó vào 9h, tàu CSB 8003 của Cảnh sát biển Việt Nam cách giàn khoan HD 981 khoảng 7,3 hải lý phát hiện tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc mang số hiệu 534 cách tàu 8003 khoảng 3 hải lý. Vào lúc 9h21, hai tàu Trung Quốc gồm tàu hải cảnh 3411 ở phía sau lái và tàu hải cảnh 3210 ở phía trước mũi tàu CSB 8003 của Cảnh sát biển Việt Nam từ 300-500m. Tàu 3411 và một tàu khác của Trung Quốc liên tục bám sát tàu CSB 8003 và CSB 2013 ở khoảng cách khoảng 500m. 

Đáng chú ý, vào thời điểm 9h15-9h30 có một máy bay trực thăng B.7112 của Trung Quốc bay hai vòng phía trên tàu CSB 8003 và Trường Sa 22 của Việt Nam với độ cao 250-300m, khu vực có nhiều tàu Trung Quốc hoạt động.

Theo Tuổi trẻ, các tàu hải giám, hải cảnh Trung Quốc thường xuyên chơi chiêu bẫy tàu Việt Nam để tạo dựng chứng cứ tàu cảnh sát biển Việt Nam, tàu kiểm ngư Việt Nam đâm va vào tàu Trung Quốc.

Thuyền trưởng Cao Duy cho biết sau khi Trung Quốc họp báo khẳng định rằng các tàu Việt Nam tấn công tàu Trung Quốc 171 lần nhưng không đưa ra bằng chứng nào nên họ cố tình tìm mọi cách để tạo bằng chứng giả khẳng định tàu Việt Nam tấn công tàu Trung Quốc.

Theo hình ảnh được Cảnh sát biển Việt Nam ghi lại, tàu Trung Quốc sử dụng vòi rồng phun nước dữ dội nhằm đe dọa, cản trở các tàu của Việt Nam. Tàu Việt Nam đã hạn chế tối đa va chạm nhằm tránh thiệt hại đối với tàu cũng như các cán bộ trên tàu.

Nghẹt thở trong điểm nóng

Theo tường thuật của phóng viên Tiền Phong, sáng sớm ngày 12/5, tàu CSB 8003 nhận lệnh từ sở chỉ huy cùng các biên đội tàu của tàu Cảnh sát biển, tàu kiểm ngư tiếp cận giàn khoan HD 981 để tuyên truyền và yêu cầu Trung Quốc đưa giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam.

2 tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu kiểm ngư Việt Nam - Ảnh cắt từ clip của Cảnh sát biển Việt Nam
2 tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu kiểm ngư Việt Nam - Ảnh cắt từ clip của Cảnh sát biển Việt Nam

8h30, tàu CSB 8003 đến vị trí 15 độ 32 phút Bắc 111 độ 02 phút Đông cách giàn khoan khoảng 9,5 hải lý. Cùng thời điểm các tàu Cảnh sát biển Việt Nam mang số hiệu 2013, 2015, 2016, 4032 triển khai đội hình tiếp cận giàn khoan để làm nhiệm vụ tuyên truyền. Ngay lập tức, tàu Trung Quốc xuất hiện dày đặc, bố trí từng lớp tàu tiến ra be chắn giàn khoan trái phép. 

Thuyền trưởng tàu CSB 8003 Nguyễn Văn Hưng bình tĩnh cùng các thuyền viên đưa tàu tiếp cận vị trí giàn khoan. Lúc 8h50 tàu Trung Quốc xếp đội hình ngăn cản tàu chấp pháp của Việt Nam. Hơn 9h, tàu CSB cách giàn khoan 7,3 hải lý. Trên rađa, nhân viên rađa Nguyễn Văn Tin báo có hàng chục chấm xanh là vị trí của tàu Trung Quốc bố trí đông đặc quanh khu vực giàn khoan trái phép.

Ba tàu cảnh sát biển Trung Quốc mang số hiệu 3210 3411 46101 chuyển hướng đi thẳng về phía tàu Cảnh sát biển Việt Nam 8003. Tàu 3411 đi về phía đuôi, bên mạn trái tàu Trung Quốc kẹp sát có lúc chỉ cách khoảng 200 m.

Lúc 9h25 ngày 12/5, từ khu vực đảo Tri Tôn (Hoàng Sa), Trung Quốc điều máy bay mang số hiệu B7112 trinh sát quần thảo liên tục trên tàu CSB 8003 của Việt Nam. Dưới biển, các tàu Trung Quốc liên tục thay đổi đội hình gây hấn, cản trở các tàu của cảnh sát biển Việt Nam đang làm nhiệm vụ. Không nao núng, các tàu cảnh sát biển Việt Nam, tàu kiểm ngư vẫn cơ động để tiếp cận giàn khoan.

“Đây là vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Theo Luật Biển Việt Nam và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, mọi hoạt động của quý vị trên vùng biển này là trái phép, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đi ngược với Tuyên bố ứng xử của các bên đối với biển Đông. Yêu cầu quý vị chấm dứt và đưa giàn khoan ra khỏi vị trí vùng biển Việt Nam” – tiếng loa trên các tàu cảnh sát biển Việt Nam 4032, 2013, 2016 đồng loạt phát ra bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh và tiếng Trung Quốc hướng về phía các tàu Trung Quốc để tuyên truyền. 

Hơn 1 tiếng đồng hồ, tàu Trung Quốc 3411 vẫn ngang nhiên áp sát cản chặn và có nhiều hành động đe dọa xịt vòi rồng vào các tàu chấp pháp của Việt Nam. Hơn 10h30 cùng ngày, sau thời gian dài các tàu Việt Nam bám trụ tuyên truyền, lúc này tàu 3411 của Trung Quốc mới chịu chuyển hướng. 

Đại úy Nguyễn Huy Trung - Chính trị viên tàu CSB 8003, nói đanh thép: Dù sóng to gió lớn, tàu Trung Quốc liên tục đe dọa và có nhiều hành động gây hấn nhưng các cán bộ chiến sĩ Cảnh sát biển và lực lượng chấp pháp không hề nản lòng, kiên quyết tuyên truyền và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan HD 981 ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

Tiền phong cho biết đến tối ngày 12/5, tình hình vẫn còn hết sức căng thẳng, các tàu Trung Quốc vẫn bố trí đông đặc xung quanh giàn khoan. Các tàu chấp pháp Việt Nam vẫn kiên trì bám trụ, không lùi bước. 

Cơ quan của Quốc hội đã nghe báo cáo về giàn khoan HD 981

 

Theo Tuổi trẻ, ông Lê Việt Trường (phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội) cho biết, tại phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Quốc phòng và an ninh diễn ra trong tuần qua, bên cạnh các nội dung theo chương trình, cơ quan chức năng của Chính phủ đã có báo cáo tổng hợp về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam. Các ý kiến trong Ủy ban Quốc phòng và an ninh đã đề nghị các bộ ngành có liên quan tăng cường theo dõi, phân tích, nhận định tình hình để tham mưu cho Chính phủ có các quyết sách kịp thời, đúng đắn.

 

Một nguồn tin khác ở Ủy ban Quốc phòng và an ninh cho biết dự kiến vấn đề nêu trên cũng sẽ được báo cáo tại kỳ họp Quốc hội diễn ra từ ngày 20/5.

 

P.V (Tổng hợp)

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.