Quản lý

Tự đổi mới để gần hơn doanh nghiệp đường thủy

08/05/2015, 07:15

Để thúc đẩy cạnh tranh trong lĩnh vực vận tải thủy, thời gian qua Cục Đường thủy nội địa VN có nhiều động thái...

122
Giao thông thuỷ trên sông Chanh, Quảng Ninh

Giấy tờ gọn nhẹ nhất cho DN

Theo Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam, vận tải thủy hiện chỉ chiếm khoảng 17,5% thị phần so với toàn ngành và chưa thể cạnh tranh được với các phương thức vận tải khác. Điểm yếu bấy lâu nay của hoạt động vận tải thủy là “đông mà không mạnh”. Tuy có đủ các thành phần kinh tế tham gia, nhưng thành phần tư nhân, hộ gia đình với quy mô nhỏ chiếm tỷ lệ cao, thiếu vắng DN dẫn dắt thị trường. Đã thế, các chính sách, thủ tục hành chính trong lĩnh vực vận tải thiếu thông thoáng, tạo thuận lợi nhất cho DN.

Tiếp thu và tự đổi mới cung cách phục vụ của bộ máy, Cục trưởng ĐTNĐ Việt Nam yêu cầu các phòng, ban ngay trong quý II/2015 tiếp xúc với các DN, rà soát lần nữa các thủ tục để sửa đổi đến mức đơn giản nhất với yêu cầu “giấy tờ gọn nhẹ nhất cho DN” và mục tiêu “cuối năm nay không còn nghe phàn nàn”.

Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho rằng, việc lắng nghe và đồng hành cùng DN cũng là giải pháp quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy phát triển kinh doanh vận tải, cảng, bến thủy. Hiện thực hóa phương châm trên, mới đây, lần đầu tiên Cục ĐTNĐ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến để nghe hơn 50 DN hoạt động trong lĩnh vực đường thủy trên toàn quốc “kể khổ”. Các DN được giãi bày từ chuyện cụ thể như  bị cầu phao thu phí phương tiện, bị bắt xin giấy của Đảng ủy xã khi mở bến, hay chung hơn như nhọc nhằn mỗi khi làm thủ tục ra, vào bến khi tàu cập ngoài giờ hành chính, chuyện thuyền viên muốn nâng hạng bằng không được vì thiếu văn bằng học vấn…

Cục ĐTNĐ Việt Nam đã có hàng loạt động thái khác nhằm chủ động hơn trong việc tiếp cận với DN, như cử người trực tiếp đến làm việc với các sở, ngành chức năng của địa phương để tháo gỡ khó khăn cho DN vận tải liên vận qua biên giới Campuchia, không để tình trạng ùn tắc phương tiện tại biên giới. Hiện Cục cũng đã thiết lập đường dây nóng về công tác vận tải đường thủy nội địa và đang trong quá trình thiết lập sàn giao dịch vận tải thủy.

Tạo bộ máy năng động

Từ chỗ lắng nghe, tìm hiểu nhiều hơn DN, Cục ĐTNĐ Việt Nam cũng nhận thấy quy định và công tác tổ chức đào tạo hiện nay còn nhiều bất hợp lý, gây khó khăn cho thuyền viên, DN. Trong đó, nổi cộm là quy định thuyền trưởng hạng Nhất phải có bằng tốt nghiệp THPT trở lên, khiến cho nhiều DN ở Đồng bằng sông Cửu Long phải “lách luật” bằng cách cho thuyền viên đi học lớp trung cấp vận tải để có bằng tương đương, rồi quay lại học thuyền trưởng.

Cục trưởng Cục ĐTNĐ Hoàng Hồng Giang cho biết, trong quý II/2015 Cục sẽ hoàn thành việc rà soát lại tổng thể quy định đào tạo và đảm nhận các chức danh thuyền viên, người lái phương tiện thủy để đề xuất sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế. Trong nỗ lực tạo sự công bằng trong thi cử, Cục sẽ thí điểm việc lắp đặt hệ thống camera tại một số Hội đồng thi và phấn đấu áp dụng trên toàn quốc trong quý III/2015.

Nhằm tạo sự năng động hơn cho bộ máy, trong quý II/2015, Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ hoàn thành việc sắp xếp lại các đơn vị, phòng ban trực thuộc, theo hướng phân cấp, nhiệm vụ rõ ràng hơn nhằm tạo sự năng động và hoạt động hiệu quả thực sự. Hiện Cục cũng đang phối hợp với các  Sở GTVT thực hiện thu thập, xây dựng dữ liệu thông tin về DN vận tải đường thủy nội địa toàn quốc, nhằm tạo kênh kết nối, cũng như phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.