Hỏi - Đáp

Tự gây tai nạn khiến bạn tử vong, có bị xử lý?

24/09/2019, 06:47

Trong trường hợp người vi phạm có lỗi để xảy ra tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu hình sự...

img
Ảnh minh họa

Hỏi: Đêm 12/8, cháu tôi là sinh viên năm cuối, cùng bạn bè đi sinh nhật. Trên đường về, cháu tôi điều khiển xe máy chở bạn ngồi sau. Do trời tối lại có uống rượu bia, cháu tôi loạng choạng tay lái tự đâm vào cột điện ven đường, khiến cả cháu tôi và người bạn đi cùng bị thương, được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, cháu tôi chỉ bị gãy tay, còn bạn cháu bị chấn thương sọ não, sau đó đã tử vong. Giờ gia đình người bạn này có đơn khiếu kiện tới cơ quan công an, yêu cầu truy cứu trách nhiệm của cháu tôi trong vụ tai nạn.

Xin hỏi, trường hợp này cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Vi phạm của cháu tôi là tội gì và phải chịu hình phạt như thế nào?

Nguyễn Thị Tuyết (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Trả lời:

Hiện nay, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ thì người nào điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn thì được coi là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.

Thông thường, vi phạm về nồng độ cồn là vi phạm hành chính và sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Tuy nhiên, trong trường hợp người vi phạm có lỗi để xảy ra tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.

Cụ thể, người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm các quy định về ATGT đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng như làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.

Trường hợp nếu người vi phạm trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác gây hậu quả nghiêm trọng nêu trên thì đây được coi là tình tiết tăng nặng để định khung của tội danh này theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015. Người vi phạm trong trường hợp này sẽ bị áp dụng mức hình phạt từ 3 - 10 năm tù.

Như vậy, trong trường hợp này cần làm rõ cháu bạn khi điều khiển phương tiện giao thông có lỗi như thiếu quan sát, không làm chủ tốc độ, có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép hoặc vi phạm các quy định khác về ATGT đường bộ hay không thì mới có căn cứ xử lý theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.