Xã hội

Tu Mơ Rông thoát nghèo nhờ trồng cây dược liệu

20/12/2015, 08:26

Tu Mơ Rông là một huyện nghèo nhất của tỉnh, có 11 xã đặc biệt khó khăn.

3
Sâm đương quy là một trong những cây thuốc quý được trồng tại Tu Mơ Rông

Tu Mơ Rông là một huyện nghèo nhất của tỉnh, có 11 xã đặc biệt khó khăn. Nhưng ngược lại, Tu Mơ Rông lại được thiên nhiên ưu đãi khí hậu quanh năm mát mẻ và đặc biệt là vùng đất có nhiều loại cây dược liệu quý. Ngoài cây quốc gia - sâm Ngọc Linh, Tu Mơ Rông còn nhiều loại cây dược liệu có thể phát triển như: Đẳng sâm (gọi là sâm dây), sâm đương quy, ngũ vị tử...

Phát huy 7 cây trồng chủ lực, nâng cao đời sống người dân

Từ những lợi thế đó, huyện Tu Mơ Rông đã ban hành chủ trương, nghị quyết đã xác định và chủ trương phát triển 7 loại cây trồng chủ lực cho phát triển kinh tế của huyện, là hướng thoát nghèo của người dân, trong đó có sâm Ngọc Linh, sâm dây, ngũ vị tử. Đặc biệt, Huyện ủy Tu Mơ Rông đã ban hành Chương trình số 36 về phát triển ngành kinh tế mũi nhọn và các sản phẩm chủ lực của huyện, trong đó xác định các loại cây dược liệu vẫn là loại chủ lực để thúc đẩy kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân.

Huyện đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về việc trồng sâm dây xóa đói giảm nghèo, hàng năm ưu tiên tập trung nguồn lực nhất định hỗ trợ cây giống và khuyến khích đồng bào dân tộc trong huyện phát triển diện tích cây trồng này. Đồng thời, xây dựng chính sách kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư, phát triển các loại cây dược liệu, xây dựng nhà máy chế biến dược liệu.

Ông A Hơn, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Huyện sẽ chỉ đạo các tổ chức đại diện của nông dân, các đơn vị, chính quyền các xã, chủ động liên kết sản xuất, bảo vệ, gắn bó với doanh nghiệp để vừa phát triển vùng nguyên liệu, quản lý tốt vùng dược liệu và để đầu ra cho sản phẩm được ổn định...

Đặc biệt, huyện Tu Mơ Rông cũng có những chính sách nhằm phát triển cây dược liệu quý này và giúp người dân thoát nghèo. Bằng nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ của huyện, đội ngũ cán bộ kỹ thuật Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thu gom quả sâm dây trong tự nhiên, tự ươm giống, xây dựng thành quy trình và trực tiếp cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cho người dân và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển dược liệu.

Vì vậy, hiện các loại cây dược liệu đó đã và đang được nhân dân tập trung phát triển. Trong đó, diện tích sâm Ngọc Linh, sâm dây và sâm đương quy phát triển mạnh nhất. Đến nay, toàn huyện Tu Mơ Rông đã phát triển được khoảng gần 179 ha sâm Ngọc Linh (trong đó, nhân dân tự trồng khoảng 2 ha, còn lại chủ yếu của các doanh nghiệp trồng trên địa bàn). Sâm dây cũng có khoảng 30 - 40 ha, trong đó, Nhà nước hỗ trợ khoảng 15 ha, còn lại do nhân dân tự trồng. Còn sâm đương quy hiện người dân đã phát triển được 10 ha ở xã Ngọc Lây và cây ngũ vị tự do người dân chủ yếu trồng xen ở các tán rừng, rẫy...

Riêng đối với sâm dây thì xã Măng Ri là địa phương phát triển mạnh nhất. HĐND xã đã ban hành nghị quyết phấn đấu ít nhất mỗi hộ phát triển ít nhất một sào sâm dây. Từ Nghị quyết này, xã đã tiến hành vận động nhân dân phát triển loại cây trồng này. Măng Ri đang phát triển mạnh loại cây này với tổng diện tích toàn xã khoảng 30 ha. Mỗi hộ có ít nhất từ 0,5 sào đến 1ha. Hầu hết các hộ dân đã tận dụng nương rẫy trồng xen giữa các loại cây trồng khác như cà phê, bời lời, lúa rẫy.

Đáng mừng là với nguồn nguyên liệu sẵn có của sâm dây ở Tu Mơ Rông, một doanh nghiệp tư nhân là Công ty TNHH Thái Hòa, TP Kon Tum đã nghiên cứu và chế biến từ sâm dây thành những sản phẩm được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng như rượu sâm dây, trà hòa tan sâm dây… và sản xuất các loại thuốc, thực phẩm chức năng từ các loài dược liệu đặc hữu này của núi rừng Ngọc Linh.

Kế hoạch dài hơi

Để thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững, huyện đã có chủ trương tiếp tục phát triển các loại cây trồng trên. Chủ trương trên được Huyện ủy xác định khá rõ trong Chương trình số 36, ngày 17/10/2013 về việc thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 27/7/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực. Theo đó, huyện Tu Mơ Rông xác định ngành kinh tế mũi nhọn là nông, lâm nghiệp là đẩy nhanh việc phát triển diện tích cây lâu năm, trồng rừng và các loại dược liệu như: Sâm Ngọc Linh, sâm dây, ngũ vị tử... Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, mở rộng diện tích sâm Ngọc Linh toàn huyện khoảng 500 ha, trong đó, liên kết với doanh nghiệp phát triển khoảng 470 ha, còn lại là nhân dân tự trồng; phát triển khoảng 100 ha cây ngũ vị tử, 250 ha sâm dây và quản lý, phát triển rừng nguyên liệu...

Để đạt được mục tiêu trên, huyện Tu Mơ Rông chú trọng xây dựng các mô hình khuyến nông - khuyến lâm chuyển giao kỹ thuật; nhân rộng mô hình giảm nghèo; Củng cố, mở rộng diện tích và nâng cao sản lượng các cây trồng có giá trị kinh tế như: Sâm Ngọc Linh, sâm dây, sơn tra, ngũ vị tử, sâm đương quy... Trong đó, riêng với sâm Ngọc Linh tiếp tục triển khai các dự án trồng dưới tán rừng bằng hình thức liên kết giữa doanh nghiệp và nhân dân, đầu tư hỗ trợ giống và hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật. Đối với cây dược liệu khác là sâm dây, ngũ vị tử, sơn tra, sâm đương quy thì rà soát, quy hoạch quỹ đất, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng chuyên canh hoặc xen canh…

Ông Hà Hồng Duy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông khẳng định: Trong thời gian tới, để phát triển vùng nguyên liệu, về định hướng quy hoạch, huyện sẽ quy hoạch sản xuất về nông lâm nghiệp của 11 xã hiện nay đang lập theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, từ các nguồn vốn sự nghiệp KHCN của huyện, Chương trình 135, 30a... hỗ trợ cho nhân dân về giống và tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp quan tâm đến đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ các loại cây dược liệu.

Cùng với đó, huyện Tu Mơ Rông cũng đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh trong công tác thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế đến đầu tư đối với các sản phẩm có thế mạnh của huyện đối với các loại cây trồng nói trên. Bên cạnh đó, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp thực hiện bao tiêu sản phẩm, xây dựng nhà máy chế biến đối với các loại cây trồng mũi nhọn trên của huyện…

Chủ động liên kết tìm đầu ra

Để các loại cây dược liệu tiếp tục phát triển, huyện Tu Mơ Rông đã có những cách làm sáng tạo, chủ động liên kết với các doanh nghiệp để vừa phát triển diện tích vừa tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm. Hiện, huyện đã phối hợp với Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh liên kết với người dân trồng, chăm sóc diện tích sâm Ngọc Linh. Hiện tại Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh đã trồng được 169 ha, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 70 lao động tại chỗ và mức lương bình quân 3 triệu đồng/tháng. Công ty cũng đang liên kết với các hộ dân tại xã Măng Ri, Tê Xăng để mở rộng diện tích trồng trong dân với diện tích khoảng 8 ha và sau này khi thu hoạch sẽ ăn chia theo sản phẩm.

Tương tự, đối với sâm đương quy, huyện, các xã đã và đang khuyến khích, liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản và tại xã Ngọc Lây đã liên kết với Công ty TNHH Thái Hòa Kon Tum và đơn vị này đã đảm bảo bao tiêu toàn bộ sản phẩm của bà con làm ra.

Ông A Hơn, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Từ hiệu quả của mô hình trồng sâm đương quy và sự liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm ở Ngọc Lây, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã khác trên địa bàn nhân rộng mô hình này. Đồng thời, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết, liên doanh với các xã đầu tư cho nhân dân trồng và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch, hoặc xây dựng nhà máy chế biến trên địa bàn..

Cần có cơ chế chính sách đặc thù

Tuy nhiên, để cây dược liệu trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông phát triển, nhất là sâm Ngọc Linh, huyện Tu Mơ Rông đã đề xuất với tỉnh nên xây dựng đề án bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh; Phối hợp với các bộ, ngành xây dựng sản phẩm thương hiệu sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia, đề nghị tỉnh, Chính phủ có chính sách đặc thù thu hút đầu tư, mở rộng diện tích sâm Ngọc Linh; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong vùng quy hoạch trồng để mở rộng diện tích. Có cơ chế đặc biệt giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương bảo vệ vùng sản xuất sâm Ngọc Linh để hạn chế xâm hại tới vùng sâm và tích cực quảng bá thương hiệu, chế biến sản phẩm từ sâm Ngọc Linh...

Ngoài ra, tỉnh cũng có chủ trương, cơ chế, chính sách, cũng như giao đất, thuê đất cho hộ gia đình và doanh nghiệp phát triển sâm Ngọc Linh nói riêng và cây dược liệu nói chung và cần cụ thể hóa để huyện triển khai thuận lợi.

Hy vọng với sự chủ động, giải pháp hợp lý cũng như sự hỗ trợ, quan tâm từ tỉnh, T.Ư, Tu Mơ Rông sẽ phát huy tiềm năng lợi thế, thúc đẩy phát triển mạnh các loại cây dược liệu trên địa bàn để vừa để thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như để thoát nghèo bền vững... 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.