Pháp luật

Tù mù quy hoạch, tử huyệt cuộc chiến ngao - cát ở Hải Phòng

17/10/2018, 07:14

Trong khi tranh chấp giữa các hộ nuôi ngao và các doanh nghiệp đang diễn ra thì các tàu cát tặc lộng hành.

16

Những tàu cát tặc bị người dân bắt giữ giao cho lực lượng biên phòng

Vùng cửa biển Hải Phòng với hơn 4.000ha bãi bồi bị buông lỏng quản lý và bỏ quên quy hoạch nhiều năm, đến khi có quy hoạch thì lại không sát với thực tế. Đó chính là nguyên nhân sâu xa của cuộc chiến ngao-cát ở Hải Phòng chẳng những khiến bất ổn an ninh trật tự mà còn gây thất thu hàng trăm tỷ đồng ngân sách mỗi năm.

Ngao tự phát, cát hút chui

Theo thống kê sơ bộ của Bộ đội Biên phòng Hải Phòng, địa phương này hiện có khoảng 4.000 ha bãi triều thuộc 6 quận, huyện ven biển là Cát Hải, Kiến Thụy, Đồ Sơn, Dương Kinh, Tiên Lãng và Hải An. Khoảng những năm 2005, phát hiện vùng đất này có thể nuôi ngao, người dân các huyện ven biển bắt đầu ra các gò bãi cắm cọc lập bãi nuôi thả. Trong đó, khu vực cửa sông Văn Úc, huyện Kiến Thụy rộng lớn nhất được người dân đổ về lập bãi nuôi ngao. Chỉ tính riêng huyện Kiến Thụy đã có 232 hộ nuôi ngao với khoảng 2.000 lao động thường xuyên sinh nhai nhờ các bãi ngao này.

Tuy nhiên, sự thiếu quản lý chặt chẽ khiến suốt hơn 10 năm qua người dân ồ ạt tự phát nuôi ngao. Bà Nguyễn Thị Yến, đại diện các hộ nuôi ngao đưa cho chúng tôi một loạt những lá đơn “xin được nộp nghĩa vụ với Nhà nước” phân trần: “Bản thân chúng tôi cũng ý thức rằng mình nuôi trồng thủy sản thì phải nộp nghĩa vụ với Nhà nước. Chúng tôi sẵn sàng đóng tiền thuê mặt nước nhưng đề nghị rất nhiều lần vẫn không nơi nào chấp nhận”.

Lấy biểu mẫu thấp nhất cho thuê mặt nước là 5 triệu đồng/ha/năm (tương tự như một số tỉnh đang thực hiện) thì với 4.000ha mặt nước nếu cho thuê nuôi ngao ngân sách địa phương mỗi năm sẽ thu về khoảng 20 tỷ đồng. Tuy vậy, suốt nhiều năm qua, Hải Phòng không thực hiện cho thuê mặt nước dù người dân tha thiết đề nghị.

Thời gian gần đây, các cấp chính quyền Hải Phòng cấp cho một số doanh nghiệp được thăm dò khai thác cát tại khu vực cửa sông Văn Úc. Tuy nhiên, các mỏ khai thác cát này lại chồng lấn lên khu vực người dân đang nuôi ngao dẫn đến nảy sinh tranh chấp.

Ông Bùi Đức Thảo, Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy cho biết: Việc tranh chấp diễn ra từ lâu. Hiện nay có 4 doanh nghiệp đã được cấp phép trong khu vực nhưng các doanh nghiệp này vẫn chưa hoàn tất các thủ tục để được khai thác.

Trong khi tranh chấp giữa các hộ nuôi ngao và các doanh nghiệp đang diễn ra thì các tàu cát tặc thừa cơ lộng hành. Những tàu này ngang nhiên xông vào bãi ngao hút cát khiến người nuôi ngao điêu đứng. Những tàu cát tặc lấy đi hàng trăm nghìn tấn tài nguyên mà không phải nộp một đồng thuế nào cho Nhà nước. Với giá cát hiện nay dao động ở khoảng 100-120 nghìn đồng/khối, mỗi lần cắm vòi “bạch tuộc” trở về, các tàu này có thu nhập không dưới 100 triệu đồng.

Cần một quy hoạch cụ thể, hợp lý

Tại sao người nuôi ngao mong muốn thuê mặt nước, nộp ngân sách để yên tâm làm ăn nhưng lại không được chính quyền chấp thuận? Chính quyền địa phương có mong muốn thu thuế từ những gò bãi mênh mông ngoài cửa biển? Một vị đại diện lãnh đạo UBND huyện Kiến Thụy chia sẻ: “Điều đó chưa thực hiện được xuất phát từ việc suốt nhiều năm qua Hải Phòng chưa có phân định ranh giới trên biển. Cụ thể là ranh giới trên biển giữa các địa phương rất mờ nhạt, không có một quy định cụ thể nào. Từ năm 2010, thành phố đã giao cho Sở Nội vụ chủ trì việc phân định nhưng suốt nhiều năm việc này vẫn chưa được thực hiện dẫn tới nhiều phức tạp”.

Tới ngày 13/10/2017, UBND TP Hải Phòng mới ban hành quyết định về việc tạm giao quản lý hành chính khu vực ven biển giữa các quận, huyện thuộc thành phố: Đồ Sơn, Dương Kinh, Hải An, Cát Hải, Tiên Lãng và Kiến Thụy.

Những ngày gần đây, vùng cửa sông Văn Úc (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) lại dậy sóng bởi cuộc chiến ngao - cát. Như Báo Giao thông đã phản ánh, sáng 8/10, sau khi hỗn chiến, có 3 tàu khai thác cát bị người nuôi ngao đưa về bãi sông trước cửa Trạm biên phòng Đoàn Xá để bàn giao cho lực lượng chức năng. Ngày 15/10, đại diện UBND huyện Kiến Thụy cho biết: 3 tàu cát được đưa về đều không xuất trình được các giấy tờ hợp pháp cho việc khai thác cát ở khu vực này. Hiện các tàu này đang được tạm giữ ở sông Văn Úc thuộc địa bàn xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy chờ xử lý. Ông Vũ Chí Tuân, Hội trưởng Hội nuôi ngao Kiến Thụy cho biết: “Chúng tôi không đồng ý với cách giải quyết của Đồn biên phòng Kiến Thụy vì có dấu hiệu bao che nên đã gửi đơn kiến nghị tới Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng”.

Ông Bùi Đức Thảo cho biết: “Sau khi UBND thành phố có quyết định tạm giao quản lý hành chính, tháng 12/2017, huyện Kiến Thụy đã lập quy hoạch chi tiết bãi nuôi ngao và đến ngày 24/4/2018 ban hành với diện tích 750ha”.

Tuy vậy, quy hoạch này bị người nuôi ngao phản ứng quyết liệt vì cho rằng huyện lập quy hoạch mà không tham khảo ý kiến của người dân. Diện tích nuôi ngao của dân bị thu hẹp lại chỉ còn 1/4 so với hiện tại. Mặt khác, với quy hoạch mới, người nuôi ngao bị đẩy ra… giữa lòng sông.

Về vấn đề này, ông Bùi Đức Thảo cho biết: “UBND huyện không thể tự vẽ ra quy hoạch vùng nuôi ngao mà đây là quy hoạch chung về phát triển kinh tế-xã hội vùng cửa biển của các địa phương. Chúng tôi lập quy hoạch trên cơ sở hài hòa quyền lợi giữa các ngành kinh tế trong đó có nghề nuôi ngao và khai thác khoáng sản (cát). Không có chuyện chèn ép người nuôi ngao ở đây mà quy hoạch hướng tới cái chung là phân định rõ ràng khu vực nào cấp phép khai thác mỏ, chỗ nào nuôi ngao. Tới đây, chúng tôi sẽ đề nghị Sở TN&MT Hải Phòng có hướng dẫn cụ thể, lập đề án khu vực nuôi ngao theo quy định của pháp luật. Theo đó, sau khi có khung chính sách cụ thể sẽ trình HĐND các cấp để cho chủ trương. Tiếp đó sẽ tiến hành đấu giá, cho thuê mặt nước, thu thuế, các vấn đề bảo đảm ANTT để hoạt động nuôi ngao và khai thác cát vào quy củ”.

Như vậy, sau nhiều năm buông lỏng dẫn tới cuộc chiến ngao tự phát - cát tặc diễn ra nóng bỏng, tới nay địa giới hành chính trên biển Hải Phòng đã được xác lập, quy hoạch vùng nuôi ngao, mỏ cát cũng đã được lập. Tuy vậy, nếu không giải quyết được bài toán hài hòa quyền lợi thì cuộc chiến ngao - cát nơi cửa biển Hải Phòng sẽ còn tiếp diễn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.