Trong nước

Từ ngôi sao bóng rổ thành thủ môn tài hoa Bỉnh Koóng

05/05/2016, 11:01

Với chiều cao 1m80 và tài năng thiên phú, ông trở thành ngôi sao trong đội bóng rổ Nam Thanh (Hải Phòng).

duy-binh-koong

Cựu danh thủ Duy Bỉnh Koóng cùng tác giả (cựu danh thủ Đặng Gia Mẫn - giữa) và một người bạn

Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, bọn trẻ chúng tôi khi đứng giữa hai cục gạch hay hai đống quần áo, giữa sân trường hay sân kho HTX đều vỗ ngực rồi dang tay: Koóng đây, thủ môn Koóng đây... Lịch sử bóng đá nước nhà chưa được viết đầy đủ nên hiện nay nhiều người yêu bóng đá vẫn chưa biết đến thủ môn số 1 của bóng đá Việt Nam.

Ông là Duy Bỉnh Koóng sinh ngày 4/7/1931 tại Hải Phòng. Bố ông người Quảng Đông, mẹ người Việt. Như mọi người Hoa ở đất Cảng thời đó, ông yêu và chơi bóng rổ rất giỏi. Với chiều cao 1m80 và tài năng thiên phú, ông trở thành ngôi sao trong đội bóng rổ Nam Thanh (Hải Phòng).

Cuối năm 1948, đội Nam Thanh được ông chủ người Pháp cho đi du đấu Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Cũng vì gây ấn tượng mạnh trong chuyến du đấu này, chàng trai đất Cảng đã được đội Ngân hàng Thái Lan mời về chơi. Ông chỉ nhận lời chơi cho họ một giải ngắn ở Bangkok và đó là lần hiếm hoi Ngân hàng Thái Lan vượt qua được Hoàng gia Thái Lan với hai điểm cách biệt.

Từ Thái Lan trở về Sài Gòn, có người tìm đến nhờ ông bắt gôn cho đội tuyển Bắc Kỳ vừa từ Hà Nội vào giao lưu với tuyển Nam Kỳ trên sân Vườn Ông Thượng (sân Tao Đàn ngày nay), bởi lý do chỉ còn vài giờ nữa thi đấu mà thủ môn Thọ “ve” vẫn “lặn” mất tăm.

- Tôi đã bắt gôn bao giờ đâu?

Ông Bầu thuyết phục:

- Thì cũng như bóng rổ thôi mà, ông chơi bóng rổ hay, vào giữ gôn cũng bằng tay mà, có cái khung 16m50 hình chữ nhật đấy, ông cứ hoạt động trong đó và không cần quan tâm tới những thứ khác.

- Thù lao thế nào?

- Hai trăm Đông Dương nhé

- Không, ba trăm tôi mới bắt.

Người ta dí vào tay ông bộ quần áo đen, đôi giày bóng đá và một đôi găng cứng như mo nang. Ông ném găng ra sau khung thành, dùng tay không bắt bóng.

Sau ít phút bỡ ngỡ, với chiều cao lý tưởng, cánh tay dài và bàn tay ngoại cỡ, ông tóm hết tất cả bóng bổng trong khu cấm. Hiệp hai, ông còn dùng một tay hớt bóng trên đầu tiền đạo đối phương khiến khán giả phấn khích vỗ tay rần rần... Trận đó đội chủ nhà thắng 2-1, nhưng thủ môn Duy Bỉnh Koóng mới là ngôi sao sáng nhất. Lời ca ngợi ông nhiều tới mức thủ môn xuất sắc nhất miền Bắc khi ấy, Thọ “ve” tự ái bỏ vào Sài Gòn sinh sống...

Người Việt duy nhất được Lev Yashin tặng găng tay

Pha bắt bóng của “nhện đen” trong trận đấu tại giả

Pha bắt bóng của “nhện đen” trong trận đấu tại giải Việt - Trung - Triều - Mông năm 1960...

Sau trận đấu lịch sử tại Sài Gòn, ông bắt đầu tập luyện bóng đá ở vị trí thủ môn nhưng vẫn không bỏ bóng rổ. Hàng ngày, sáng ông chơi bóng rổ, chiều lại chơi bóng đá. Từ năm 1954 - 1960 Duy Bỉnh Koóng là thủ môn chính của tuyển Hải Phòng, Voi vàng đất Cảng và Cảng Hải Phòng. Năm 1958, ông cùng tuyển Hải Phòng vinh dự được tiếp đội tuyển Campuchia trong ngày khánh thành SVĐ Hàng Đẫy. Nhiều người khi đó gọi thủ môn Koóng là “nhện đen” hay “đôi bàn tay nhựa”.

Năm 1960, đội bóng Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật TDTT T.Ư (THL) được thành lập, nòng cốt là các cầu thủ xuất sắc của Thể Công, trong đó có cha con ông Trương Tấn Bửu và Trương Tấn Nghĩa. Ông Koóng vừa giữ vai trò thủ môn số 1 vừa tham gia huấn luyện cho các thủ môn trẻ như: Trần Văn Tuấn, Trần Văn Vĩnh và cả Trần Văn Khánh.

Gần 10 năm tồn tại, THL làm nòng cốt cho đội tuyển quốc gia tham gia giải Việt - Trung - Triều - Mông năm 1960 tại Hà Nội và giải các nước mới trỗi dậy (GaNeFo) 1966 tại Phnôm Pênh (Campuchia). Cùng đội tuyển, ông Koóng đi hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa như: Trung Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ, Liên Xô, CHDC Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Bulgari, Romani, Algeria. Trong lần sang Liên Xô, Ông được thủ môn huyền thoại Lev Yashin mời đến nhà riêng dùng bữa và tặng cho một đôi găng tay.

Về nước, ông tặng ngay cho thủ môn trẻ nhiều triển vọng Trần Văn Khánh vì suốt sự nghiệp ông không bao giờ dùng găng. Năm 1964, trong trận đấu gặp Ba Lan, thủ môn Koóng đã bị chấn thương nặng. Đến cuối năm 1966, Duy Bỉnh Koóng từ giã sân cỏ sau hơn 10 năm gắn bó, nhường vị trí cho Trần Văn Tuấn (gốc Dệt A Nam Định) và Trần Văn Vĩnh (anh cả trong gia đình bốn thủ môn gốc Thái Nguyên) đang vào độ chín.

Cho nhạc sĩ Phạm Duy mượn tiền làm đám cưới

Duy Bỉnh Koóng là người quảng giao, ông biết nhạc và hát rất hay. Ông rất thân với Văn Cao lúc ấy đang hoạt động Việt Minh ở đất Cảng. Văn Cao thường nhờ ông mua bông băng, thuốc đỏ, đá lửa để chuyển cho Việt Minh. Một hôm (khoảng năm 1945 - 1946), Văn Cao mượn ông chiếc xe đạp Pơ-giô (thời đó cả Hải Phòng chỉ có vài chiếc). Đêm ấy, tên ác ôn Trị Ninh đồng thời là võ sỹ quyền anh nổi tiếng bị bắn chết trước cửa rạp WaWa... Sáng hôm sau, cảnh binh đến bắt Koóng vì họ tìm thấy chiếc xe đạp của ông tại hiện trường gây án ở ngoại ô thành phố. Sau một tuần bị giam, ông bầu đội bóng rổ người Pháp phải vào bảo lãnh. Đội bóng không thể vắng ngôi sao...

Năm 1952 (hoặc 1953) nhạc sĩ Phạm Duy cưới ca sĩ Thái Hằng (tên thật là Phạm Thị Quang Thái) tại Nhà hàng Phú Gia cạnh Hồ Gươm. Ông hỏi mượn Văn Cao hai trăm Đông Dương để làm 8 mâm mời khách.

Văn Cao nói: “Tôi làm gì có ngần ấy tiền, hỏi thằng Koóng, nó thi đấu cả bóng đá lẫn bóng rổ, chủ Tây thưởng nhiều lắm”. Không chút ngần ngại, ông Koóng đưa hai trăm Đông Dương giúp Phạm Duy… lấy vợ.

Đất nước đổi mới, nhạc sĩ Phạm Duy trở về sống ở TP HCM, gặp lại ân tình cũ, ông vẫn nhớ “hai trăm Đông Dương” ngày xưa. Còn bà Thái Hằng từ Mỹ viết thư về cám ơn bạn già Duy Bỉnh Koóng đã cắt cho đám cưới của bà chữ Song Hỷ thật đẹp và lại còn làm MC cho đám cưới của họ...

Sự nghiệp thủ môn của Duy Bỉnh Koóng đã bị lớp bụi thời gian che phủ. Những người cùng thời với ông, thậm chí là thế hệ sau cũng đã đi xa. Nhưng vẫn còn đó lớp đàn em, học trò của ông như: Nguyễn Trọng Lộ, Nguyễn Trọng Đán (Hải Phòng); Nguyễn Văn Minh, Vũ Quang Minh, Lê Đình Chính, Lê Thế Thọ, Trần Duy Long, Lê Thuỵ Hải... Một ngày nào đó họ sẽ kể thêm về những trận đấu, những giải đấu mà “thủ môn huyền thoại” của chúng ta tham dự.

Người ta thường nói: “Thủ môn là một sinh linh có số phận nghiệt ngã, tới mức cỏ dưới chân anh ta cũng không mọc được”. Nhưng Duy Bỉnh Koóng là ngoại lệ của nhận xét ấy. Cha mẹ cho ông cơ thể cường tráng, số phận dẫn dắt ông trở thành vận động viên tài năng, cuộc đời đem đến cho ông nhiều bạn tốt và một gia đình viên mãn...

Năm 1970, công cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam vào hồi quyết liệt. Đội bóng THL giải thể, Duy Bỉnh Koóng học chuyên tu rồi về công tác tại Bộ Công thương. Năm 1983, ông được tăng cường cho Sở TDTT Hậu Giang (nay là Cần Thơ).

Ông là người nêu ý tưởng xây dựng SVĐ Cần Thơ và còn mời được đội tuyển Liên Xô sang thi đấu trong ngày khánh thành. Duy Bỉnh Koóng còn góp công lớn đưa Hậu Giang lên chơi ở hạng A1, hạng đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam thời đó. Đất Cần Thơ hiền hậu giữ ông cùng bà Lê Thị Khiêm (Đội trưởng Đội Bóng chuyền quốc gia đầu tiên) ở lại đến tận bây giờ.

Năm 2014, Chi hội Cựu cầu thủ được thành lập và gặp mặt lần đầu tại Nha Trang, thủ môn Duy Bỉnh Koóng 83 tuổi xuất hiện, đàn hát và chạm cốc với tất cả. Năm 2015, cuộc gặp tại TP HCM ông cũng có mặt và ông đang chờ cuộc gặp gỡ lần thứ ba tại thành phố hoa phượng đỏ, nơi ông sinh ra và trưởng thành, nơi lưu giữ những kỷ niệm ngọt ngào thời trai trẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.