Hạ tầng

Từ sân bay cách mạng Lũng Cò đến "siêu" sân bay Long Thành

29/08/2020, 10:00

75 năm sau ngày sân bay Lũng Cò được xây dựng, hàng không Việt Nam đang bắt tay vào xây dựng "siêu sân" bay Long Thành...

img
Phối cảnh sân bay Long Thành

Tháng 6/1945, Bác Hồ lên Lũng Cò (thuộc thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) để xem xét địa điểm và đồng ý xây dựng sân bay tại đây. Ban đầu dự định phải mất khoảng một tuần, nhưng với quyết tâm cao, chỉ sau hai ngày phát dọn, san gạt, đầm, một sân bay dã chiến đã hình thành.

Sân bay có chiều dài 400m và rộng 20m, phía cuối đường băng ở phía Bắc có cây cối um tùm là nơi cất giấu máy bay. Để báo hiệu cho máy bay mỗi lần hạ cánh, các cán bộ ở đây đã cắm những lá cờ trắng ở hai bên làm hoa tiêu, loại máy bay L5 của Mỹ có thể hạ và cất cánh an toàn.

Lũng Cò là sân bay đầu tiên do chính bàn tay và khối óc của chúng ta làm nên và cũng có thể coi đây là “Sân bay quốc tế đầu tiên của Cách mạng Việt Nam”, dù chỉ được xây dựng và sử dụng trong gần 2 tháng (từ tháng 6 - 8/1945).

Chiếc máy bay hạ cánh đầu tiên xuống sân bay có hai sỹ quan Đồng Minh và một số lương thực, thực phẩm, thuốc men và vũ khí tăng cường cho ta và quân Đồng Minh tại Tân Trào. Trong suốt thời gian quân Đồng Minh ở và làm việc tại Tân Trào, đã có thêm nhiều chuyến bay cất và hạ cánh tại đây.

Sân bay Lũng Cò ngoài việc là nơi trực tiếp đón nhận những chuyến hàng viện trợ, còn là nơi Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quốc tế là đưa những người Pháp bị Nhật cầm tù ở Tam Đảo trở về nước vào cuối tháng 7/1945.

75 năm sau ngày sân bay Lũng Cò được xây dựng, ngành hàng không Việt Nam nói riêng và ngành GTVT nói chung lại đang bắt tay vào xây dựng siêu sân bay Long Thành (giai đoạn 1, với tổng mức đầu tư 4,779 tỷ USD). Quốc hội nhất trí việc đầu tư xây dựng 1 đường cất/hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

“Siêu” sân bay hiện đại nhất cả nước này dự kiến sẽ được áp dụng hàng loạt công nghệ 4.0 vào công tác quản lý khai thác. “Tư vấn tập trung chủ yếu vào lĩnh vực kỹ thuật số, bao gồm các yếu tố internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data); lĩnh vực vật lý bao gồm việc ứng dụng công nghệ robot, giải pháp tự động hóa các trang thiết bị kỹ thuật”, Chủ tịch HĐQT TCT Cảng hàng không VN (ACV) Lại Xuân Thanh nói và cho biết, AI được áp dụng vào hệ thống làm thủ tục hành khách, hệ thống làm thủ tục xuất nhập cảnh sẽ hỗ trợ việc nhận dạng và xác định danh tính hành khách thông qua dữ liệu sinh trắc học (khuôn mặt, dấu vân tay…) được nhanh chóng, chính xác, rút ngắn thời gian làm thủ tục.

Thông qua việc phân tích dữ liệu thu nhận từ hệ thống truyền hình mạch kín (CCTV), AI sẽ dự đoán chuyển động của từng hành khách, tính toán đưa ra những thông tin đề xuất nhằm tối ưu hóa luồng hành khách hoặc phân bổ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu hành khách thay đổi.

Dựa vào dữ liệu hình ảnh từ hệ thống CCTV kết hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia để nhận diện đối tượng trong danh sách cấm bay, AI sẽ phân tích đối chiếu và đưa ra các cảnh báo kịp thời cho lực lượng an ninh.

AI sẽ giúp đơn vị khai thác phân tích các dữ liệu về chuyến bay, thời tiết, giám sát an ninh... để đơn vị khai thác xây dựng chương trình kiểm soát an ninh an toàn, quản lý rủi ro, dự đoán và lập kế hoạch bay, điều phối và phân chia khai thác...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.