Vận tải

Từ số 0, đường bay Bắc - Nam đông đúc thứ 6 thế giới

28/04/2019, 14:23

Hàng loạt giải pháp đã được triển khai để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất thông “dòng chảy” cho đường bay thuộc diện nhộn nhịp nhất thế giới.

img
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất


Từ TU-134 đến “giấc mơ bay“ Boeing 787 Dreamliner

Sau giải phóng, việc đi máy bay có thể tốn cả tháng chuẩn bị, nên ông Vận (70 tuổi), một cán bộ ngành môi trường về hưu vừa chờ cậu con trai đặt vé cho cả nhà đi nghỉ ở miền Nam dịp lễ sắp tới rất phấn khích chia sẻ, đi lại bây giờ dễ bao nhiêu thì xưa khổ bấy nhiêu. Giờ có tiền, muốn đi máy bay chẳng phải đi đâu xa, mở máy tính, truy cập trang bán vé trực tuyến, điền thông tin chặng bay, thời gian bay, khai báo thông tin cá nhân và thanh toán trực tuyến, bất cứ ai cũng đã có thể sở hữu một chiếc vé máy bay đến điểm đến mong muốn.

“Những ngày mới giải phóng, có tiền cũng chịu. Thủ tục nhiêu khê, có khi phải chạy đôn chạy đáo xin xỏ cả tuần, cả tháng mới được cái giấy phép. Xong giấy rồi cũng chưa chắc đã có vé vì vé máy bay thời đó đều ưu tiên cho cán bộ nhà nước đi công tác. Thừa chỗ mới đến dân, mà cũng chẳng mấy khi thừa”, ông Vận nói.

Cựu Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines Phan Xuân Đức cho biết trước đây, hành trình để sở hữu một chiếc vé máy bay vô cùng gian nan.

“Thời đó, cán bộ công nhân viên, bộ đội có nhiệm vụ đi công tác hay đi nghỉ phép phải do cấp Bộ hoặc cơ quan tương đương cử. Khách nước ngoài nếu muốn bay, phải được sự đồng ý của Thủ tướng và các cơ quan chức năng cho vào miền Nam. Ngay cả người dân thường, dù được phép vào Nam ra Bắc nhưng muốn mua được vé máy bay cũng phải được Uỷ ban hành chính cấp tỉnh trở lên cấp”, ông Đức nói và cho hay: Thực tế lượng khách cá nhân mua vé máy bay đi việc riêng chắc cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vé sẽ được ưu tiên cho cán bộ đi công tác trước, sau đó thừa mới bán cho người dân.

“Mua được vé máy bay rồi, ra sân bay, làm thủ tục cũng chen lấn, xô đẩy chả khác gì đi tàu chợ. Phải đến gần những năm 90, cách làm thủ tục đi máy bay cho khách mới được cải thiện hơn. Các phòng vé đã quy định những đối tượng được ưu tiên (bao gồm khách quốc tế và cán bộ cao cấp đi công tác), quy định xếp khách ngồi theo số ghế được ghi trên thẻ lên máy bay, nhờ đó mà hạn chế được tình trạng chen lấn, mất trật tự ở các khâu làm thủ tục lên máy bay.

“Giờ cả mua vé, thanh toán tiền, ra sân bay đi từ Hà Nội vào tận TP HCM chỉ mất vài tiếng đồng hồ. Nhưng trước đây, việc này có thể tốn cả tháng trời chuẩn bị. Những thay đổi kiểu “một trời một vực” về dịch vụ hàng không thời xưa so với bây giờ cũng không khác gì việc trước đây bay bằng máy bay TU-134 của Liên Xô và giờ thì bay trên “khách sạn 5 sao di động” Boeing 787 Dreamliner của Mỹ”, ông Đức kết lại.

Đường bay Hà Nội - TP HCM đông đúc thứ 6 thế giới

Thống kê mới nhất của Cơ quan giám sát dữ liệu hàng không OAG có trụ sở tại Anh quốc cho thấy, đường bay trục Bắc - Nam của Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 6 trong top 10 đường bay đông đúc nhất thế giới.

Cụ thể, từ tháng 3/2018 - 2/2019 đã có hơn 39,2 nghìn chuyến bay nối 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Đường bay có khoảng cách 623 dặm này chỉ đứng sau JeJu - Seoul (Hàn Quốc), Melbourne - Sydney (Úc), Mumbai - Delhi (Ấn Độ), Rio de Janeiro - Sao Paulo (Brasil) và Fukuoka - Haneda (Nhật Bản) về sự đông đúc.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết, hãng đang khai thác 34 chuyến bay mỗi ngày từ Hà Nội đến TP HCM. Trung bình cứ 30 phút/ chuyến. Cũng trên chặng bay này, mỗi ngày Vietjet đang khai thác 20 - 25 chuyến tuỳ thời điểm. Con số này của Jetstar Pacific là hơn 10 chuyến/ ngày.

Vị trí nhộn nhịp bậc nhất của đường bay Hà Nội - TP HCM cũng đặt “gánh nặng” lên 2 đầu sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Theo Giám đốc CHK quốc tế Nội Bài Nguyễn Đức Hùng, dự kiến Nội Bài sẽ đón 30 triệu khách vào năm 2019. Con số này có thể lên tới 35 triệu khách vào năm 2020. Trong khi đó, ngay cả khi tiếp tục mở rộng, nâng công suất nhà ga hành khách T2, cảng này cũng chỉ có thể đón tối đa 33 - 35 triệu khách, mãn tải vào năm 2021.

Riêng tại Tân Sơn Nhất, theo Phó tổng giám đốc TCT Cảng hàng không VN (ACV) Đỗ Tất Bình, năm 2018, sân bay Tân Sơn Nhất đã đón 38,414 triệu hành khách. Dự kiến, con số này sẽ đạt 45 triệu khách vào năm 2025. Trong khi đó, tổng công suất thiết kế của 2 nhà ga T1, T2 hiện hữu chỉ khoảng 28 triệu khách/năm”.

Huy động tổng lực giảm tải cho Tân Sơn Nhất

Chuyện Tân Sơn Nhất quá tải, năng lực mặt đất không đáp ứng được khiến các chuyến bay đến sân bay này phải xếp hàng bay chờ cả trên trời, dưới đất không phải mới. Nhiều năm qua, cơ quan chức năng phải nỗ lực tối đa để “thông đường” cho sân bay đông đúc nhất cả nước này.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, từ những năm 2015 - 2016, trước tình trạng quá tải của Tân Sơn Nhất, Bộ GTVT cũng đưa ra những giải pháp tương đối hiệu quả, trong đó là đặc biệt là đầu tư kết cấu hạ tầng sân đỗ, bố trí lại luồng khách ra vào, tổ chức lại khu vực làm thủ tục, áp dụng phương thức điều hành bay mới; tổ chức lại giao thông bên ngoài sân bay…

“Sau những giải pháp đó, Tân Sơn Nhất đã ngăn nắp hơn rất nhiều. Chất lượng phục vụ đã tốt hơn. Dịp Tết vừa qua, có thời điểm 902 chuyến bay cất, hạ cánh/giờ cao điểm. Năm 2018, Tân Sơn Nhất đón 38,3 triệu hành khách, trong khi nhà ga chỉ có công suất thiết kế 28 triệu”, Thứ trưởng Thọ thông tin.

Hiện tại, VATM đã đầu tư đưa vào sử dụng các hệ thống giám sát tiên tiến, đa dạng với độ chính xác cao, giúp việc giám sát hoạt động bay cải thiện cả về chất lượng giám sát, tầm phủ cũng như các mức độ sẵn sàng, liên tục của hệ thống. Các hệ thống giám sát mới cho phép tổng công ty thực hiện đánh giá và đáp ứng theo các tiêu chuẩn phân cách mới 3 hải lý (5.500m) của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Tổ chức An toàn hàng không châu Âu (EASA).

Việc điều chỉnh và áp dụng tiêu chuẩn phân cách mới phù hợp với năng lực của hệ thống là giải pháp quan trọng nhằm tối ưu hóa năng lực thông qua của vùng trời, nâng cao khả năng linh hoạt trong việc tổ chức và phối hợp điều hành bay trong vùng trời sân bay, góp phần làm giảm chậm chuyến, thời gian bay chờ của tàu bay đặc biệt là trong các vùng trời có mật độ hoạt động bay cao, linh hoạt sử dụng các độ cao bay tối ưu cũng như giảm quãng đường bay, đem lại các lợi ích thiết thực về khai thác và kinh tế.

Trước đó, VATM cũng đã triển khai hệ thống đường bay cao tốc, song song, một chiều trục Bắc - Nam (RNAV5), phân tách luồng hoạt động bay từ 1 luồng 2 chiều hiện tại thành 2 luồng hoạt động bay 1 chiều, giúp nâng gấp đôi năng lực thông qua máy bay trên trục bay Bắc - Nam, rút ngắn thời gian bay. Đây là đường bay cao tốc đầu tiên trong lịch sử hàng không Việt Nam.

Trong khi đó, ở dưới mặt đất, đại diện TCT Cảng hàng không VN (ACV) cho biết, sân bay Tân Sơn Nhất đã giảm áp lực hơn khi hàng loạt công trình hạ tầng đường lăn, sân đỗ mới được đưa vào khai thác song song với việc tiếp tục tổ chức lại khu vực làm thủ tục hàng không, hợp lý hoá dây chuyền hàng không…

Rốt ráo đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

Bộ GTVT cũng đang tích cực triển khai nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó quan trọng bậc nhất là dự án đầu tư nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất công suất 20 triệu khách và các công trình đồng bộ khác.

Ông Nguyễn Đình Chung, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không ADCC cho biết, nhà ga hành khách T3 được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới, theo tiêu chuẩn cấp dịch vụ là mức C. Quy mô nhà ga được tính toán theo nhu cầu dự báo, đảm bảo tiết kiệm, đáp ứng toàn bộ công năng khai thác và cũng như đáp ứng tất cả dịch vụ thuận tiện nhất cho hành khách với quy mô 100-120 nghìn m2.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.