Hậu trường sao

Tự truyện Văn Thị Thanh: Đời tôi may mắn có trái bóng tròn!

10/11/2017, 11:56

Thành danh khi tuổi đời còn trẻ, chuyển sang công tác huấn luyện cũng gặt hái nhiều thành công...

27

HLV Văn Thị Thanh trăn trở với bóng đá nữ

Thành danh khi tuổi đời còn trẻ, chuyển sang công tác huấn luyện cũng gặt hái nhiều thành công, có một gia đình hạnh phúc, cuộc đời Văn Thị Thanh thế đã viên mãn, nhưng chị vẫn có nhiều trăn trở với nghiệp quần đùi áo số của các cô gái.

“Đời tôi nhiều may mắn”

Chúng tôi tìm gặp HLV Văn Thị Thanh đúng vào thời điểm giai đoạn hai giải bóng đá nữ Vô địch quốc gia khởi tranh. Công việc của một thuyền trưởng bận rộn nên phải sau hai, ba cái hẹn chị mới có thời gian trò chuyện cùng người viết. “Đời tôi nhiều may mắn” là câu đầu tiên Văn Thị Thanh chia sẻ. Với chị, được đến với bóng đá là một may mắn bởi nếu không giờ này chị vẫn phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, quanh năm trông vào mấy sào ruộng. Sinh ra và lớn lên ở vùng chiêm trũng Hà Nam, cũng là mảnh đất có truyền thống bóng đá nữ, chị tự nhận mình không có năng khiếu học hành, nhưng bù lại được trời phú có năng khiếu bóng đá. Nhờ cơ duyên, chị chọn con đường gắn mình với trái bóng tròn cho đến tận bây giờ.

Mong muốn được dẫn dắt tuyển nữ Việt NamNăm 2012, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam mở lớp đào tạo HLV bằng B cấp châu Á. Văn Thị Thanh dù mới sinh con được 5 tháng vẫn quyết tâm theo học. Vậy là chị mang cả con lên Hà Nội, nhờ mẹ đi theo chăm sóc để có thể hoàn thành khóa học. Văn Thị Thanh cho biết, thời gian tới sẽ bố trí công việc để theo học bằng A và ước mơ của chị là một ngày nào đó được thay thày Mai Đức Chung dẫn dắt ĐT nữ Quốc gia.

Vốn có những tố chất bẩm sinh, Văn Thị Thanh không mất quá nhiều thời gian để khẳng định mình, tiến một mạch từ đội bóng Duy Tiên lên đội Hà Nam và lấy luôn suất đá chính ở đội tuyển Việt Nam. Năm 2003, trong lần đầu được khoác áo đội tuyển, Văn Thị Thanh đã tỏa sáng rực rỡ, góp công lớn đưa tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch ở SEA Games 22. Dấu ấn đậm nét nhất chính là bàn thắng vào lưới Myanmar trong trận chung kết trên sân Hàng Đẫy. “Bàn thắng này sẽ theo tôi suốt cuộc đời, bởi nó như một nấc thang đưa sự nghiệp của tôi lên một tầm cao mới”, Văn Thị Thanh tâm sự. Cũng nhờ kỳ SEA Games thành công, Thanh đoạt luôn danh hiệu Quả bóng vàng 2003. Những năm sau đó, Văn Thị Thanh vẫn miệt mài cống hiến và thêm một lần giành Quả bóng bạc.

Năm 2010, “ngọc nữ” của bóng đá Việt Nam có bước đi táo bạo khi chuyển hướng sang công tác huấn luyện. Thanh vừa đá bóng, vừa đi học và sau khi nhận tấm bằng cử nhân Đại học TDTT Từ Sơn, cô được giao dẫn dắt đội U19 Hà Nam, không lâu sau là đội 1 Hà Nam. “Tôi may mắn vì được các bác lãnh đạo tin tưởng, ủng hộ mọi mặt, các học trò quý mến nên mới có thể làm tốt nhiệm vụ huấn luyện”, cựu tuyển thủ quốc gia bộc bạch.

Cuộc đời Thanh còn thêm một lần may mắn khi cô kết hôn cùng người chồng có chung chí hướng, yêu và hết lòng ủng hộ mọi quyết định của chị. Vì là dân “trong nghề” nên chồng Văn Thị Thanh đã nhiều lần đưa ra những góp ý hữu ích cho bà xã.

Viết tự truyện để kết nối tình yêu bóng đá

Bản thân từng trải qua nghiệp cầu thủ, rồi huấn luyện bóng đá nữ, Văn Thị Thanh hiểu hơn ai hết những vất vả, khó khăn mà các bóng hồng phải chịu đựng khi dấn thân. Đặc biệt, ở Việt Nam, bóng đá nữ không nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội, doanh nghiệp nên đời sống của cầu thủ nữ thường rất thấp. Thanh kể, hồi những năm 2011-2012, dù nhận cả lương huấn luyện và lương cầu thủ nhưng thu nhập của chị cũng chỉ khoảng 10 triệu đồng. Giờ mọi thứ có khá hơn nhưng không thấm vào đâu so với mức lương của những ngôi sao bóng đá nam. “Cộng thêm bóng đá tiềm ẩn nguy cơ chấn thương, các gia đình ngày càng không muốn để con gái theo nghiệp bóng đá. Ngay cả ở Hà Nam, dù có phong trào bóng đá nữ nở rộ nhưng những năm gần đây lượng đầu vào ở các trung tâm huấn luyện giảm đi trông thấy”.

Trước thực trạng này, Văn Thị Thanh đã quyết định viết tự truyện để xã hội có cái nhìn toàn diện hơn về bóng đá nữ. “Tôi viết tự truyện không phải để thể hiện bản thân, mà chỉ truyền đi thông điệp về tình yêu bóng đá nữ trên khắp cả nước, chia sẻ thực về cuộc sống của cầu thủ chuyên nghiệp để các bậc phụ huynh an tâm cho con đi đá bóng. Đâu đó trên khắp đất nước Việt Nam này vẫn còn rất nhiều những em gái có hoàn cảnh khó khăn, say mê với trái bóng, tôi thực sự muốn kết nối tình yêu đó”, Văn Thị Thanh chia sẻ.

Nói về tình yêu với bóng đá, Văn Thị Thanh kể một câu chuyện bản thân chị từng vượt qua: “Khi mới tập bóng đá, tôi chỉ cao 1,44m, chân lại vòng kiềng nên vẫn bị trêu là Ba Kiểng. Tôi xấu hổ lắm, con gái mà. Trong đầu tôi đã xuất hiện ý nghĩ bỏ cuộc, nhưng tình yêu bóng đá giúp tôi bám trụ. Tình yêu bóng đá là một thứ thật thiêng liêng, vì khi đã yêu thì không bao giờ là sai cả. Chỉ cần có tình yêu, ý chí, mọi khó khăn đều không thể cản bước bạn”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.