Đường sắt

Từ Việt Nam sang châu Âu, tàu hàng đi theo tuyến vận tải đường sắt nào?

08/08/2021, 12:41

Tàu hàng liên vận quốc tế từ Việt Nam đi theo nhiều tuyến vận tải trên mạng đường sắt Á - Âu để sang châu Âu.

Nhiều tuyến vận tải hàng đường sắt đi châu Âu

Ngày 30/7 vừa qua, đoàn tàu chuyên container đã xuất phát tại ga Yên Viên đi Bỉ với 23 container 40 feet, chở hàng điện tử của hãng Canon.

Đây là chuyến tàu chuyên container thứ 2 đi Bỉ. Trước đó, ngày 20/7, ngành đường sắt tổ chức chạy chuyến tàu đầu tiên. Các chuyến tàu này đều có hành trình xuất phát từ ga Yên Viên (Việt Nam), điểm đến là thành phố Liege (Bỉ), sau đó tiếp chuyển container bằng đường bộ đến điểm đích là thành phố Rotterdam (Hà Lan).

img

Đoàn tàu container đầu tiên đi Bỉ chuẩn bị khởi hành tại ga Yên Viên

Từ Yên Viên đoàn tàu sẽ đến Trịnh Châu (Trung Quốc) và kết nối vào đoàn tàu Á - Âu đi qua các nước Kazakhstan - Nga - Belarus - Ba Lan - Đức rồi vào Bỉ để đến điểm đích.

Ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó TGĐ Công ty Ratraco - doanh nghiệp đảm nhận thực hiện vận chuyển hàng liên vận đường sắt đi các nước và ngược lại cho biết, hiện ngành Đường sắt đã thực hiện vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang các nước như: Mông Cổ, Kazakhstan, Uzbekistan, Nga, Tajikistan, Ba Lan, Anh, Đức…

Các mặt hàng gồm hàng điện tử, hàng dệt may, giầy da, hóa mỹ phẩm, hàng thực phẩm đông lạnh, trái cây. Ngoài ra, đường sắt Việt Nam nhận vận chuyển hàng từ Thái Lan, Campuchia… đi bằng đường bộ sang Việt Nam, sau đó vận chuyển bằng đường sắt từ Việt Nam đi các nước.

Hàng từ Việt Nam theo tàu sang Trung Quốc nhưng tùy theo tuyến vận tải sẽ đến các ga lập tàu Trung - Âu khác nhau. Ví dụ: từ Trùng Khánh đến một hub (trung tâm trung chuyển hàng hóa) ở Đức, từ Thành Đô sẽ đến một hub ở Ba Lan, từ Hạ Môn sẽ đến 1 hub ở Hà Lan… Hiện nay từ Trung Quốc sang châu Âu có khoảng 5 tuyến vận tải chính.

Tàu từ Trung Quốc có thể đi các tuyến đường sắt: Sang thẳng Nga hoặc qua Mông Cổ hoặc Kazakhstan sang Nga; Sang Kazakhstan, từ đó vào các nước CIS (Cộng đồng các quốc gia độc lập, trước đây là các nước thành viên thuộc Liên Xô cũ) khu vực Trung Á như Uzbekistan, Tajikistan…, từ đó đi tiếp Iran và từ Iran đi tiếp nước khác; Sang Kazakhstan từ đó đi Nga - Belarus - các nước châu Âu như Ba Lan, Đức, Bỉ…

Tiếp chuyển container giữa các nước

Ông Thanh cũng cho biết, tàu liên vận chạy thẳng từ Việt Nam đi châu Âu không có nghĩa đoàn tàu xuất phát tại Việt Nam bao gồm đầu máy, toa xe thế nào sẽ đi thẳng sang các nước khác như thế. Qua đường sắt các nước, tùy theo điều kiện hạ tầng và yêu cầu kĩ thuật về đầu máy, toa xe của mỗi nước, cũng như hiệp định vận tải đường sắt giữa các nước mà tàu có thể chạy thẳng hoặc phải sang toa.

img

Tàu container Việt Nam - Bỉ chạy từ Đồng Đăng sang Trung Quốc do đầu máy Trung Quốc kéo

“Ví dụ, theo Nghị định thư và các thỏa thuận giữa đường sắt Việt Nam - đường sắt Trung Quốc, toa xe Trung Quốc sẽ sang ga Yên Viên để xếp container, đoạn từ Yên Viên - Đồng Đăng sẽ do đầu máy Việt Nam kéo, từ Đồng Đăng chạy sang đường sắt Trung Quốc sẽ do đầu máy Trung Quốc kéo.

Tương tự, tàu Trung - Âu chạy trên đường sắt Trung Quốc khổ 1.435mm, khi sang đến trung tâm trung chuyển Khorgos của Kazakhstan thì chuyển đổi khổ đường sang khổ1.520mm. Khi đó, container sẽ phải chuyển sang toa xe khổ 1.520mm để lập tàu đi tiếp”, ông Thanh nêu ví dụ.

Còn theo bà Hàn Như Quỳnh, Trưởng ban Hợp tác quốc tế - Khoa học công nghệ, Tổng công ty Đường sắt VN, Đường sắt Việt Nam là thành viên chính thức Tổ chức Hợp tác đường sắt OSJD từ năm 1956. OSJD hiện có tới 28 nước thành viên.

Tổng chiều dài đường sắt khai thác của các nước thành viên đạt hơn 276.000 km, có khả năng vận chuyển khoảng 5 tỉ tấn hàng hóa, khoảng 3,5 tỉ lượt hành khách. Nhiều nước có đường sắt kết nối với nhau. Đây là những thuận lợi lớn để đường sắt Việt Nam hợp tác với các đường sắt các nước tổ chức vận chuyển hàng liên vận quốc tế trên mạng đường sắt Á - Âu.

Hiện, đường sắt Việt Nam đang tổ chức khai thác các tuyến vận chuyển hàng quá cảnh Trung Quốc sang Nga, EU vào ngày thứ 4 và chủ nhật hàng tuần. Tuyến Việt Nam - Trung Quốc tổ chức chạy hàng ngày.

Ngoài ra, tổ chức các đoàn tàu hàng đi châu Âu theo nhu cầu của khách hàng.

Nếu chỉ tính thời gian vận chuyển, tàu xuất phát tại ga Yên Viên, sẽ đến ga Almaty (Kazakhstan) sau 12-14 ngày, đến ga Moscow (Nga) sau 23-25 ngày, đến ga Duisburg (Đức) sau 25-26 ngày.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.