Điều tra

Từ vụ cháy quán karaoke, 13 người chết: Ai quản thợ hàn tự do?

15/11/2016, 08:14
image

Họ chỉ cần học lỏm vài hôm, biết cách cầm que hàn đã vác máy đi hàn khắp nơi, không ai kiểm soát.

_DSC0217
Vụ cháy quán karaoke trên đường Trần Thái Tông ngày 1/11 khiến 13 người chết.  Ảnh: Tạ Tôn

Không cần đào tạo, cấp chứng chỉ, bất chấp kỹ thuật an toàn, thợ hàn tự do hành nghề khắp nơi mà không chịu bất kỳ sự quản lý nào từ phía cơ quan chức năng!?

Hàng loạt vụ cháy nghiêm trọng đều do thợ hàn

Liên quan đến vụ cháy quán karaoke tại số 68 Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) khiến 13 người tử vong vào ngày 1/11, cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội vừa khởi tố ba bị can về hành vi vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy gồm: Nguyễn Diệu Linh (30 tuổi, trú quận Hà Đông, Hà Nội, là chủ quán karaoke), Hoàng Văn Tuấn (23 tuổi, là thợ hàn được thuê đến hàn cửa quán karaoke) và Lê Thị Thì (tức Lê Thị Thanh, 54 tuổi, là chủ cơ sở hàn).

CQĐT xác định Tuấn là thợ hàn nhưng không có chứng chỉ về hàn điện, chưa được huấn luyện về ATLĐ (ATLĐ), chưa được cấp thẻ an toàn, không có biện pháp phòng chống cháy… Bị can Tuấn đã dùng máy hàn thổi lửa trực tiếp vào bản lề cửa để cắt bản lề dẫn đến lửa bén vào vách phòng và gây cháy.

Dư luận chắc hẳn chưa quên vụ cháy quán bar Zone 9 (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào tháng 11/2013, cướp đi tính mạng của 6 người. Nguyên nhân cũng do một thợ hàn bất cẩn để vảy hàn bắn lên lớp mút xốp trên trần của quán bar. Trước đó, tháng 10/2002, nhóm ba người thợ hàn nghiệp dư trong lúc thi công đã gây ra hỏa hoạn tại Trung tâm Thương mại quốc tế (Q1, TP HCM), khiến 60 người chết, 70 người bị thương, thiệt hại hơn 32 tỷ đồng. Đây được xem là vụ cháy gây thiệt hại về người và tài sản lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam.

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Tiến Thịnh, thợ hàn bậc 6/7 (nguyên cán bộ thuộc Công ty CP Thi công cơ giới xây lắp) cho biết: Thông thường để làm quen với nghề hàn, cần ít nhất ba tháng đào tạo cho người thợ những kiến thức cơ bản như: Cách chọn que hàn tốt xấu; Điều chỉnh cường độ dòng điện; Nhận biết vật liệu hàn; Tư thế hàn... Sau đó, để hàn được những chi tiết phức tạp hơn thì phải tiếp tục học thêm các khóa đào tạo, cấp chứng chỉ nâng bậc nghề. Theo ông Thịnh, một thợ hàn được đào tạo cơ bản không chỉ về kỹ thuật mà còn phải học đi học lại các quy định an toàn trong thi công. Cụ thể, cách 6 tháng, thợ hàn phải trải qua khóa tập huấn về ATLĐ để ôn lại hoặc tiếp thu những tình huống mới cần phải xử lý. “Tuy nhiên, thực tế hiện nay có rất nhiều người hành nghề mà chưa qua đào tạo chính thức. Họ chỉ cần học lỏm vài hôm, biết cách cầm que hàn chọc chọc cho kín mối, đã vác máy đi hàn khắp nơi, không ai kiểm soát. Điều này vô cùng nguy hiểm”, ông Thịnh bày tỏ.

Trở lại vụ việc cháy quán karaoke tại phố Trần Thái Tông vừa qua, ông Thịnh cho rằng, người thợ hàn đã bỏ qua quy định tối thượng trong việc hành nghề. “Vật liệu hàn, điều chỉnh cường độ dòng điện là kiến thức tối thiểu đòi hỏi người thợ hàn nào cũng phải nắm được. Hơn nữa, khi hàn ở trên cao hay trong tư thế nguy hiểm, luôn cần thêm một người đứng ngoài cảnh giới để kịp thời thông báo mọi tình huống phát sinh”, ông Thịnh nói.

Không cần chứng chỉ cũng được hành nghề?

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Anh Thơ, Phó cục trưởng Cục ATLĐ, Bộ LĐ,TB&XH cho biết, thợ hàn nói riêng và lao động kỹ thuật nói chung đều phải trải qua khóa đào tạo về chuyên môn và huấn luyện về ATLĐ. “Tôi được biết, đối với thợ hàn, tùy từng lĩnh vực, công việc cụ thể mới yêu cầu chứng chỉ. Nếu chỉ hàn cắt kim loại bình thường thì người thợ không cần chứng chỉ cũng được hành nghề. Thậm chí, những thợ hàn tự do không có bằng cấp cũng vẫn vô tư làm mà hiếm khi bị kiểm tra”, ông Thơ nói. Mặt khác, Phó cục trưởng Cục ATLĐ cũng thừa nhận khó có thể theo dõi, giám sát hoạt động huấn luyện ATLĐ của chủ sử dụng lao động đối với người lao động. “Thực tế, thanh tra lao động cũng chỉ “sờ” tới các doanh nghiệp, còn những thợ hàn tự do, hộ kinh doanh sản xuất nhỏ lẻ thì chưa kiểm soát nổi. Đáng nói, ngay ở khu vực doanh nghiệp, lao động có hợp đồng, yêu cầu bắt buộc huấn luyện ATLĐ định kỳ cũng nhiều khi còn hình thức, làm qua loa, chiếu lệ...”, ông Thơ lý giải.

Được biết, Luật An toàn, vệ sinh lao động vừa có hiệu lực từ ngày 1/7, mới bổ sung đối tượng  là người lao động làm việc không theo hợp đồng. Trước đó, đối tượng này không hề được quản lý và huấn luyện về ATLĐ. “Luật quy định là vậy, song khó thực thi ngay, bởi theo ước tính hiện cả nước có khoảng 40 triệu lao động không theo hợp đồng, trong đó, số làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động không hề nhỏ. Từ khi có Luật mới, chính quyền địa phương các cấp mới bắt đầu thống kê đối tượng lao động tự do cần được huấn luyện ATLĐ trong nhiều lĩnh vực như: Cơ khí, xây dựng, nông nghiệp... Hy vọng tới cuối năm nay sẽ có con số cụ thể. Từ đó cơ quan chức năng mới có thể lên các phương án tiếp theo”, ông Thơ cho biết.

Theo tính toán, chi phí cho một khóa huấn luyện và thực hành về ATLĐ trung bình từ 200-300 nghìn đồng/người học. Tới đây, từ cấp xã, phường đều phải mở lớp tập huấn về ATLĐ cho lao động tự do đang hoạt động trên địa bàn. Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ một phần kinh phí cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, vùng khó khăn... phần còn lại sẽ do ngân sách địa phương và tự người học phải đóng tiền chi trả. Chính vì thế, đi kèm với thông tin tuyên truyền vận động, còn phải thực hiện nghiêm chế tài xử phạt về quy định ATLĐ để người lao động tự nguyện tham gia huấn luyện, nâng cao ý thức...”.

Ông Nguyễn Anh Thơ, Phó cục trưởng Cục ATLĐ

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.